Vì sao tập thể dục lại tốt cho não?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và ung thư. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua vai trò của việc tập thể dục trong việc giúp não khỏe mạnh.

Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết cứ 3 người thì có hơn 1 người đang sống chung với một chứng rối loạn thần kinh nào đó. Các rối loạn thần kinh được biết đến nhiều là bệnh Parkinson, Alzheimer, các chứng mất trí nhớ, động kinh, đau nửa đầu, bệnh thần kinh tiểu đường và ung thư thần kinh, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).

Tập thể dục thường xuyên có thể làm chậm quá trình thoái hóa não. ẢNH: AI
Tập thể dục thường xuyên có thể làm chậm quá trình thoái hóa não. ẢNH: AI

May mắn là nhiều cách giúp phòng tránh nguy cơ rối loạn thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục thường xuyên sẽ cải thiện sức khỏe não bộ, kích thích sự phát triển của tế bào thần kinh và giảm tích tụ protein có hại trong não.

Người lớn tuổi thường xuyên tập thể dục thì nguy cơ teo mô não, đột quỵ và dấu hiệu tổn thương mạch máu sẽ giảm đáng kể. Ngoài ra, độ dày của lớp vỏ não chịu trách nhiệm ghi nhớ và tư duy cũng tốt hơn người bình thường.

Các nhà khoa học tin rằng tập thể dục thường xuyên giúp người già duy trì, thậm chí gia tăng tế bào ở một số vùng não quan trọng. Trong khi đó, thiếu tập thể dục sẽ làm mất tế bào não và tình trạng này sẽ gia tăng theo tuổi tác.

Sự khác biệt là do tập thể dục sẽ giúp tăng lưu thông máu, nhờ đó tăng cung cấp ô xy cho não. Nhờ có lượng ô xy dồi dào, quá trình hình thành các tế bào thần kinh và các kết nối thần kinh mới sẽ diễn ra thuận lợi, giúp bù đắp cho những suy giảm tế bào não do tuổi tác.

Ngoài ra, tập thể dục cải thiện sức khỏe não bộ bằng cách cải thiện sức khỏe của tim và hệ thống mạch máu. Trên thực tế, những người ít tập thể dục có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân tim dễ bị đột quỵ và các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer. Do đó, tập thể dục sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ, Alzheimer, thậm chí làm chậm sự tiến triển của các rối loạn thoái hóa thần kinh khác như Parkinson.

Các bài tập tốt nhất cho bộ não và hệ thống dây thần kinh trong não là cardio và tập sức mạnh. Người trưởng thành nên tập cardio với cường độ vừa phải trở lên ít nhất 30 phút/ngày, từ 3 đến 5 ngày trong tuần. Ngoài ra, tập các bài sức mạnh như nâng tạ, hít đất, kéo xà đơn ít nhất 90 phút/tuần có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa não, theo Verywell Health.

Theo Ngọc Quý (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

(GLO)- Với chức năng điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, các y-bác sĩ Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 211) luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tại đây, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt dù bệnh nhân đang trong tình huống “thập tử nhất sinh”.

Bị cúm có nên ngủ máy lạnh?

Bị cúm có nên ngủ máy lạnh?

Bên cạnh các yếu tố phòng ngừa cúm mùa như dinh dưỡng, vệ sinh, tập thể dục tăng đề kháng…, thì nhiệt độ khi ngủ cũng đóng vai trò quan trọng, nhất là đối với những người có thói quen ngủ máy lạnh.