"Vị đắng" ngành mía đường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường sẽ chính thức được xóa bỏ (kể từ ngày 1/1/2020) theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) nhưng ngành mía đường Việt Nam vẫn đang loay hoay bài toán làm sao để hội nhập. Càng buồn hơn, có cơ quan chức năng và dư luận lại ngộ nhận rằng, ngành mía đường vẫn đang ỷ lại vào bảo hộ của Nhà nước…
Bài 1: Sự “méo mó” của thị trường
Trong khối ASEAN có 4 quốc gia sản xuất mía đường chính là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Ngoài ngành đường Thái Lan phát triển dựa trên bảo hộ, trợ cấp, trợ giá của Chính phủ, tương quan giữa ngành đường Việt Nam và ngành đường hai quốc gia còn lại (đã gia nhập ATIGA từ 2015) là Philippines và Indonesia, nếu so sánh trên các khía cạnh, Việt Nam không hề thua kém.
Thị trường biến dạng vì... trợ giá
 
Thu hoạch mía tại Nông Sơn, Quảng Nam. Ảnh: T.L
"Sự méo mó của thị trường đường thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường Việt Nam, cùng với lượng đường nhập lậu đã khiến ngành đường Việt Nam khó càng thêm khó. Dư luận và cả xã hội ngộ nhận rằng, ngành mía đường vẫn đang ỷ lại vào bảo hộ của Nhà nước”.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký VSSA
Ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, giá đường từ vụ 2018 - 20919 đã xuất hiện mức giá đáy 10 Uscent/lb vào thời điểm tháng 9/2018. Đến nay, giá đường vẫn ở mức thấp và dao động quanh mức 12 Uscent/lb. Như vậy, sau khi đạt đỉnh mức 23 Uscent/lb vào tháng 8/2016, giá đường đã liên tục giảm và mức giá hiện nay thấp hơn giá thành sản xuất của bất kỳ quốc gia nào (vì Brazil là nước có giá thành sản xuất đường thấp nhất 16 Uscent/lb). “Giá thấp như thế nhưng tại sao vẫn liên tục sản xuất thừa cung, trình độ sản xuất đường thế giới đã tiến bộ chăng?” - ông Lộc đặt vấn đề.
Tuy nhiên, lý giải hiện tượng này, ông Lộc cho rằng, hoàn toàn không phải trình độ sản xuất cải thiện mà là sự gia tăng can thiệp trợ giá của nhiều quốc gia đã làm biến dạng thị trường đường thế giới, và đường đưa ra thị trường quốc tế với giá rẻ như thế chính là đường phá giá. “Thị trường đường thế giới trong giai đoạn vừa qua thực sự không hoạt động theo quy luật cung - cầu và cạnh tranh bình đẳng mà đã bị biến dạng bởi sự can thiệp trợ giá đường của các chính phủ đến mức gian lận thương mại khi vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) và đây là một hiện tượng rất đặc biệt trong thời gian vừa qua, đến nỗi ngành đường thế giới đã phải gọi năm 2018 là “năm trợ giá”. Loại hình gian lận này càng làm cho giá đường thế giới không thể nào cải thiện” - ông Lộc nói.
Dẫn chứng, ông Lộc cho biết, hàng loạt vụ kiện đã được gửi lên WTO, như: Hồ sơ DS5073 Thailand (tháng 4/2016, Brazil kiện Thái Lan ra WTO); hồ sơ DS5795 India (ngày 27/02/2019, Brazil kiện Ấn Độ ra WTO); hồ sơ DS5806 India (ngày 27/2/2019, Australia kiện Ấn Độ ra WTO); hồ sơ DS5817 India (ngày 15/3/2019, Guatemala kiện Ấn Độ ra WTO). Các quốc gia đứng đơn kiện đều là những quốc gia trong top xuất khẩu đường, chứng minh rằng dù là người đang xuất khẩu mạnh nhưng cũng không thể chịu nổi mức giá đường trên thị trường quốc tế có xuất xứ từ các biện pháp hỗ trợ đến mức làm biến dạng thị trường của các nước bị kiện.
Vị thế ngành đường Việt Nam ở đâu?

Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nếu năm 2020 thực hiện ATIGA, giá đường trong nước sẽ phải giảm thêm 15 - 20%, 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày sẽ phải phá sản, đóng cửa do không thể cạnh tranh. Do đó, VSSA kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thêm thời hạn bỏ thuế suất 3 - 5 năm.

Về trình độ sản xuất và vai trò của ngành mía đường Việt Nam, nếu so với Philippines, quy mô ngành mía đường Philippines nhỉnh hơn Việt Nam, với diện tích 410.000ha so với 300.000ha. Năng suất ngành đường Philippines tương đương và thấp hơn Việt Nam một chút, mức 5 tấn đường/ha so với 5,3 tấn đường/ha.
Trong lĩnh vực chế biến đường, Philippines cũng có nhiều nhà máy công suất nhỏ phù hợp với các vùng nguyên liệu. Về trình độ sản xuất, các chỉ tiêu về thu hồi và chất lượng thấp hơn một chút so với Việt Nam. Về an sinh xã hội, ngành đường Philippines chỉ ảnh hưởng đến 80.000 nông hộ (do quy mô bình quân 5ha/hộ), trong khi Việt Nam ảnh hưởng đến 400.000 nông hộ (do quy mô bình quân 0,8ha/hộ), tức quy mô sản xuất hộ nhỏ hơn Philippines 5 lần.
Như vậy, nhận xét một cách khiêm tốn, quy mô và trình độ sản xuất của ngành mía đường hai nước là tương đương nhau, nhưng tầm quan trọng của ngành mía đường Việt Nam không hề kém Philippines trong nền kinh tế của mỗi nước, đặc biệt xét về an sinh xã hội, ngành mía đường Việt Nam còn có vai trò lớn hơn nhiều lần so với Philippines.
Nếu so với Indonesia, quy mô ngành mía đường Indonesia nhỉnh hơn Việt Nam, với diện tích sản xuất khoảng 410.000ha so với 300.000ha. Năng suất ngành đường Indonesia tương đương Việt Nam với mức 5,5 tấn đường/ha so với 5,3 tấn đường/ha. Tuy nhiên, trình độ chế biến đường của Indonesia, do quá cũ kỹ lạc hậu chắc chắn không thể so sánh với Việt Nam. Về cơ cấu ngành trồng mía, Indonesia có sự tương đồng với Việt Nam khi diện tích mỗi nông hộ nhỏ lẻ manh mún, thậm chí còn nhỏ hơn Việt Nam. Về an sinh xã hội ngành đường Indonesia ảnh hưởng đến trên 1 triệu nông hộ (do quy mô bình quân 0,2ha/hộ). Với quy mô dân số của Indonesia hiện khoảng 270 triệu dân so với 95 triệu dân của Việt Nam, tầm quan trọng của ngành mía đường Việt Nam không hề kém Indonesia.
Xét về tình hình bảo vệ thị trường đường, tại Philippines, việc bảo vệ được dựa trên các nguyên tắc: Thiết lập và duy trì sự cân đối cung cầu đường cũng như duy trì mức giá hợp lý nhằm bảo đảm thu nhập cho người sản xuất đường và công bằng cho người tiêu thụ. Đường nhập khẩu được kiểm soát chỉ ở mức tương đương với lượng đường thiếu hụt.
Tại Việt Nam, giá mía và giá đường dựa trên thỏa thuận giữa nhà máy và nông dân. Việc kiểm soát nhập khẩu đường có áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ), tuy nhiên, hiệu lực của chính sách bảo hộ bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng buôn lậu đường từ Thái Lan và các hình thức gian lận thương mại trên thị trường. Bên cạnh đó, việc không hạn chế sử dụng đường lỏng sirô ngô trong chế biến thực phẩm khiến ngành đường gặp khó khăn nghiêm trọng.
Về giá mía và giá đường, theo báo cáo của Tổ chức Đường thế giới (ISO), giá đường của Philippines và Indonesia những năm gần đây luôn ổn định và duy trì mức giá hợp lý nhằm bảo đảm thu nhập cho người sản xuất đường. Trong khi đó, giá đường của Việt Nam lại thấp nhất, có nghĩa là giá mua mía của nông dân Việt Nam là thấp nhất so với hai quốc gia trên. Rõ ràng, so sánh các tương quan trên, nếu có những chính sách hợp lý từ phía Nhà nước, cơ quan chức năng, ngành mía đường Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin gia nhập ATIGA.
An Nhiên (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.