Về nơi đầu nguồn Pác Pó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Về Pác Pó, chúng tôi được nghe nhiều điều, được tìm hiểu kỹ hơn để biết rõ hơn về một giai đoạn hoạt động cách mạng của Bác Hồ kể từ khi Người trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân tộc. Về Pác Pó, chúng tôi còn được đắm mình trong bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng Đông Bắc-Cao Bằng trùng điệp.

Ngược dòng lịch sử

Đầu năm 1941, Bác Hồ từ Trung Quốc trở về nước và ở tại nhà ông Lý Quốc Súng, sau đó chuyển vào hang Cốc Pó (Pác Pó), hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nặm. Tại đây, từ ngày 10 đến 19-5-1941 đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa I). Hội nghị đã nhận định rõ tình hình trong nước và thế giới, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh nhân dân, tiến đến khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước. Và, cũng tại lán Khuổi Nặm II, Bác đã thành lập Báo Việt Nam độc lập. Ngày 22-12-1944, tại rừng Trần Hưng Đạo, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, gồm 34 chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ngày 4-5-1945, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ rời Pác Pó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo, tập hợp quốc dân tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945).

 Du khách chụp ảnh lưu niệm tại suối Lê Nin. Ảnh: Đoàn Minh Phụng
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại suối Lê Nin. Ảnh: Đoàn Minh Phụng



Khi nhắc đến Pác Pó, người ta thường nhớ đến nơi đây là điểm dừng chân của Bác Hồ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về, Bác chọn nơi này làm nơi ở và làm việc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh là một quần thể di tích, ở vùng này còn sở hữu một vẻ đẹp mà nhiều người đã ví rằng “như chốn bồng lai tiên cảnh”, là nơi “non xanh, nước biếc, rừng thẳm, đất thiêng”, cảnh vật hữu tình, nên thơ, hùng vĩ, người dân chất phác, hiền lành, thuần hậu. Ngày nay, nơi đây là một khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia đặc biệt thuộc bản Pác Pó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Cụm di tích lịch sử khu vực đầu nguồn là hang Cốc Pó (tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn) rộng 80 m2, cửa hang chỉ vừa một người đi. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 8-2-1941 đến trung tuần tháng 3-1941. Trong hang hiện còn một bộ bàn ghế mà Bác đã từng ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch, biên soạn các tài liệu quan trọng. Các hiện vật còn lại trong hang, chúng tôi nhìn và nghe thuyết minh mà lòng dâng trào bao nỗi niềm xúc động.

Chúng tôi thăm nền nhà ông Lý Quốc Súng, là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ quốc (từ ngày 28-1 đến 7-2-1941). Ngôi nhà này được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn địa phương. Và, hang Lũng Lạn, là nơi Bác ở và làm việc trong khoảng cuối tháng 3-1941. Hang rộng 50 m2. Cũng trong khu vực này, còn có hang Ngườm Vài, rộng 80 m2. Đặc biệt là suối Lê Nin, thời gian ở Pác Pó, Bác thường ngồi câu cá ở suối này. Cô gái Nùng tên Hạnh đi cùng chúng tôi trước khi giới thiệu nơi Bác ngồi câu cá bên dòng suối Lê Nin lúc rảnh việc, bảo: “Nơi đây linh thiêng lắm, các cô chú cẩn thận lời nói, cử chỉ đấy ạ”. Tôi có ý định ngồi vào tảng đá Bác đã từng ngồi để chụp bức ảnh kỷ niệm, nhưng khi nghe Hạnh nói thế, tôi dừng ý định. Tuy nhiên, khi trở ra ngoài, chúng tôi cũng có được nhiều tấm hình bên dòng suối Lê Nin và dưới chân núi Các Mác. Dẫu đông đã về, đã bắt đầu những cơn mưa mùa, nhưng nước vẫn trong veo, xanh màu ngọc bích, nhìn rõ từng viên đá nhỏ tận đáy. Những bầy cá trắng tung tăng bơi lội, rất thân thiện với khách xa. Theo người dân ở đây, chỉ có suối Lê Nin mới có loài cá đặc biệt này sinh trưởng.

Đến đâu trong Khu di tích Pác Pó cũng để lại trong tôi bao lưu luyến, đặc biệt là nhớ về Bác, về những điều Bác dạy cán bộ, đảng viên mà ngày nay chúng ta đang học tập và làm theo. Lán Khuổi Nặm là nơi Bác ở lâu nhất. Ngoài lán đầu tiên ra, để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí cán bộ đã làm thêm 2 lán nữa (lán Khuổi Nặm II và III). Lán Khuổi Nặm có địa thế rất thuận lợi, nằm ngay ở cửa rừng, được che kín, bên ngoài nhìn vào không phát hiện được, nhưng ở bên trong quan sát ra thì rất rõ, khi có động tĩnh có thể rút lui, ngược dòng Khuổi Nặm qua mốc 109 sang Trung Quốc an toàn. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người địa phương, với 2 gian nhỏ, diện tích 12 m2. Hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu là địa điểm được Bác sử dụng làm hòm thư bí mật trong giai đoạn 1941-1945. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của khu di tích, ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Pác Pó là di tích quốc gia đặc biệt.

“Đây suối Lê Nin, kia núi Mác”

Bác về Pác Pó, ở nơi đây, đứng trước một phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trước các đồng chí và quần chúng nhân dân cùng chung lý tưởng, trong lòng bậc vĩ nhân lại chan chứa một tâm hồn thi sĩ, Người vô cùng dạt dào xúc cảm và đã làm nên một bài thơ tuyệt tác với tiêu đề “Pác Pó hùng vĩ”: “Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê Nin, kia núi Mác/Hai tay gây dựng một sơn hà”.

Người đã đặt tên cho con suối Yang trước cửa hang Cốc Pó là suối Lê Nin, đặt tên cho núi Phja Tào là núi Các Mác, bởi chủ ý của Bác là chỉ theo đường của Các Mác, của Lê nin chỉ dẫn mới đi đến tự do, độc lập. Tư tưởng của Mác cao ngất như ngọn núi, tư tưởng của Lê nin như suối nguồn, đó là tư tưởng tiến bộ của loài người, là chân lý cách mạng. Từ lý luận khoa học đó sẽ tạo ra ý chí và hành động cách mạng cho Đảng ta, cho Nhân dân ta.

Ảnh: Đoàn Minh Phụng
Ảnh: Đoàn Minh Phụng


Bác còn có bài “Tức cảnh Pác Pó”: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Đọc lịch sử, đọc các tư liệu và giờ đây khi đến tận “nguồn cội”, tôi càng hiểu biết thêm, ngày ấy, Bác hoạt động ở Pác Pó vô cùng gian nan, đầy hiểm nguy. Theo các tài liệu lịch sử đã ghi và các nhân chứng kể lại, ngày về thăm Pác Pó sau 20 năm xa cách, Người vẫn đi bộ từ Đôn Chương vào, cho dù tuổi Bác đã cao (71 tuổi), sức khỏe đã giảm sút. Khi đến Pác Pó, Người đã ghi lại một chặng đường lịch sử gian nan mà có hậu: “Hai mươi năm trước ở hang này/Đảng vạch con đường đánh Nhật Tây/Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu/Non sông gấm vóc có ngày nay”. 20 năm trước, Người ở đây rất gian khổ, song từ nơi đây, Người với Đảng, với Nhân dân đã làm nên chiến thắng, giang sơn gấm vóc đã về ta. Lời thơ của Bác như là một sự tổng kết, một ghi chép về lịch sử đáng trân trọng, tự hào cả về quá khứ, hiện tại và hướng tương lai.

Giờ đây, khi đọc lại những vần thơ của Bác sáng tác ở Pác Pó, chúng ta vẫn thấy sự hồn nhiên, tự tại, hào sảng, khoan thai, thi vị ở các câu thơ của một bậc thi sĩ-vĩ nhân. Nghe kể về Bác khi Người ở và làm việc ở Pác Pó những năm tháng còn gian nan khổ cực, để rồi luôn nhớ Bác, ghi sâu công ơn trời biển của Bác, nguyện học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để cùng nhau góp sức xây dựng cho đất nước, quê hương chúng ta ngày càng đổi mới, tươi đẹp, như lúc sinh thời Người vẫn hằng mong ước.

 

ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bài học đầu tiên

(GLO)- Buổi sáng hôm ấy, mẹ nắm tay đưa tôi đến trường lần đầu tiên. Ngôi trường làng nhỏ bé, nằm giữa những tán cây xanh rợp bóng mát. Không gian thoang thoảng mùi thơm của những đóa hoa bên đường.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Khơi dậy ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho thiếu nhi Gia Lai

Khơi dậy ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho thiếu nhi Gia Lai

(GLO)- Để học sinh thể hiện sự hiểu biết về văn hóa dân tộc, tổ chức Đoàn-Đội các cấp của tỉnh Gia Lai triển khai hoạt động vẽ tranh, trình diễn trang phục truyền thống…Các hoạt động góp phần khơi dậy ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Các em học sinh trải nghiệm đan gùi với nghệ nhân làng Ngơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa. Ảnh: L.N

Sức sống di sản

(GLO)- Tham gia một sự kiện quy mô song các nghệ nhân gần như không trình diễn mà như đang trong buổi sinh hoạt văn hóa vẫn thường diễn ra tại buôn làng; khách tham quan cũng được hòa mình vào những trải nghiệm không thể thú vị hơn tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024.

Dặm dài năm tháng

Dặm dài năm tháng

(GLO)- Tôi ngang qua trường cũ trong một ngày vòm trời xám đục trong bàng bạc hơi sương. Cảnh vật đã không còn như xưa nữa. Chỉ có cây bàng nơi góc sân trường run run giơ những chiếc lá ối đỏ phơ phất vẫy trong gió lạnh.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Ký ức của ba

Ký ức của ba

Bảng khám bệnh điện tử hiển thị con số 106, tôi ngó quanh quất tìm ba tôi. Ông già lại đi lung tung đâu đó. Tôi hớt hải chạy quanh sảnh bệnh viện: “Kia rồi”, chiếc áo kaki màu xanh bộ đội.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Những món đồ cũ

Những món đồ cũ

(GLO)- Mỗi lần sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, tôi thường tần ngần ngắm nhìn những món đồ cũ. Những đồ vật vốn vô tri, nhưng khi gắn với cuộc sống con người thì chúng trở nên có hồn và có thể gợi lại những câu chuyện, kỷ niệm khó quên.

Mùa nấm mối

Mùa nấm mối

(GLO)- Đã 3 mùa mưa qua, khu vườn nhà tôi đều xuất hiện nấm mối. Những búp nấm nhú lên mặt lá ủ sau một thời gian dài ủ meo mầm, khi gặp cơn mưa đầu mùa rồi nắng lên vài hôm, có cơn mưa tiếp theo là những tai nấm mối thân trắng, núm đầu dù màu xám đội lên từng khóm.

Dã quỳ trong sương đêm

Dã quỳ trong sương đêm

(GLO)- Dã quỳ là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, kiêu hãnh. Khi gợi nhắc sắc hoa màu nhớ, người ta thường nghĩ đến màu vàng rực rỡ trong nắng ban mai, trong buổi bình minh hé giấc hay rực ấm lúc chiều tà.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Thương hoài bếp lửa

Thương hoài bếp lửa

(GLO)- Ở quê, mẹ tôi vẫn dùng bếp củi. Mỗi lần về quê, tôi rất thích ngồi bên bếp lửa ấy, thi thoảng lại dụi đầu vào vai mẹ. Ngọn lửa tí tách reo vui gọi về trong tôi biết bao kỷ niệm ấu thơ.

Thân Thương loài hoa của núi - Dã quỳ

Thân thương loài hoa của núi

(GLO)- Khi những cơn mưa cuối mùa khép lại báo hiệu mùa khô Tây Nguyên đã đến, những dải hoa dã quỳ (còn có tên cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại,…) bắt đầu vươn mình khoe sắc. Những đóa hoa dã quỳ nhỏ bé, tràn đầy năng lượng và sức sống, tạo nên những dải sóng đồi vàng rực, mê hoặc lòng người.