Vật liệu xây dựng không nung khó tiêu thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Toàn tỉnh hiện có 16 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung với tổng công suất hơn 169 triệu viên/năm, chủ yếu sản xuất gạch block và gạch terrazzo. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất loại vật liệu này đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Hiện nay, vật liệu xây không nung đang được khuyến khích sử dụng trong hoạt động xây dựng bởi yếu tố bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, tại Gia Lai, các sản phẩm vật liệu xây dựng không nung do các doanh nghiệp địa phương sản xuất mới chỉ được lựa chọn sử dụng tại các công trình đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Còn tại các công trình xây dựng dân dụng và nhà ở tư nhân, tỷ lệ sử dụng loại vật liệu này khá thấp.

Vật liệu xây dựng không nung khó tiêu thụ-bg.jpg
Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: S.C

Ông Phạm Sỹ Đặng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thắng Sỹ (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) cho biết: “Khi sử dụng gạch không nung, vấn đề chúng tôi quan tâm nhất chính là chất lượng. Gạch cần phải đảm bảo độ bền, đảm bảo kết cấu vững chắc, đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật, kiến trúc của công trình. Do đó, chúng tôi luôn cân nhắc lựa chọn sản phẩm từ nhà sản xuất có uy tín. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng gạch không nung tại các công trình xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước đạt 60-70%”.

Tại các công trình xây dựng tư nhân, vật liệu không nung gặp khó khăn bởi rào cản về giá và tâm lý e ngại về chất lượng. Theo ước tính, chỉ khoảng 10% vật liệu xây dựng không nung được sử dụng tại các công trình này.

Ông Lê Xuân Sang-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Lê Hoàng Ngân (xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Khi xây dựng nhà ở, khách hàng thích chọn gạch nung truyền thống vì đảm bảo yếu tố chất lượng, giá cả. Còn gạch không nung chủ yếu sử dụng cho hạng mục xây tường rào, công trình phụ ngoài trời. Trên thực tế, vẫn có tình trạng gạch không nung chưa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, dễ bị nứt nên khách hàng có tâm lý e ngại”.

2Bê tông nhẹ, gạch không nung được lựa chọn sử dụng cho các công trình xây dựng góp phần tăng yếu tố xanh bền vững (DVCC).jpg
Bê tông nhẹ, gạch không nung được lựa chọn sử dụng cho các công trình xây dựng, góp phần tăng yếu tố xanh bền vững. Ảnh: ĐVCC

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, hiện nay, một số doanh nghiệp đang tập trung đầu tư trang-thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, từ đó tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Nhật Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng bê tông ALC (TP. Pleiku) thông tin: “Chúng tôi vừa tham gia đầu tư cổ phần tại Nhà máy sản xuất gạch bê tông khí chưng áp tại Bình Định, vừa trực tiếp phân phối, thi công xây dựng tại thị trường Gia Lai. Gạch bê tông khí chưng áp của Công ty được nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng tại các công trình xây dựng dân dụng như nhà hàng, quán cà phê, trụ sở văn phòng”.

Theo ông Hải, việc sử dụng gạch bê tông khí chưng áp tại các công trình xây dựng giúp tiết kiệm 15-20% tổng chi phí, công trình càng lớn thì tỷ lệ tiết kiệm chi phí càng nhiều. Do đó, chủ đầu tư một số công trình, dự án xây dựng dân dụng quy mô lớn đã lựa chọn vật liệu xây dựng không nung. Đây là tín hiệu rất đáng ghi nhận đối với doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm vật liệu xây dựng không nung.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Xây dựng-cho biết: Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Công văn số 5551/VPCP-CN ngày 5-8-2024 của Văn phòng Chính phủ về kết quả chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam đến năm 2030.

Định hướng trong giai đoạn 2031-2050, tỷ lệ vật liệu xây dựng không nung chiếm tối thiểu 50-60% trong tổng sản lượng vật liệu xây dựng; sử dụng tối đa các chất thải công nghiệp, giao thông, xây dựng để sản xuất vật liệu xây dựng không nung.

Đồng thời, các cơ sở sản xuất được cơ giới hóa, tự động hóa tối đa. Khuyến khích, kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất gạch lát terrazzo; xây dựng hệ thống cung ứng nguyên vật liệu phù hợp, đảm bảo các chỉ tiêu môi trường và chất lượng sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.