Vàng tăng gần 20 triệu đồng/lượng trong 1 tháng, cơ quan quản lý nói gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong tháng 4, giá mua, bán vàng miếng SJC tăng lần lượt 19,8 triệu đồng/lượng và 19,5 triệu đồng/lượng. Tính từ 1.4 - 6.5, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 21,3 triệu đồng chiều mua vào và 21 triệu đồng chiều bán ra.

Theo thông tin Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố hôm nay 6.5, tháng 4, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới.

Chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 10,54% so với tháng trước, tăng 37,14% so với cùng kỳ năm trước và tăng 22,43% so với tháng 12.2024. Bình quân 4 tháng đầu năm nay, chỉ số giá vàng tăng 32,85%.

Giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh trong hơn 1 tháng qua, kéo giãn mức chênh lệch với giá vàng thế giới
Giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh trong hơn 1 tháng qua, kéo giãn mức chênh lệch với giá vàng thế giới

Theo biểu đồ giá vàng của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), trong tháng 4, giá mua vào và bán ra của vàng miếng SJC tăng lần lượt 19,8 triệu đồng/lượng và 19,5 triệu đồng/lượng.

Tính từ 1.4 - 6.5, giá mua bán vàng miếng SJC ghi nhận tăng mạnh từ mức 99,5 triệu đồng/lượng và 101,8 triệu đồng/lượng lên 120,8 triệu đồng/lượng và 122,8 triệu đồng/lượng.

Như vậy, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 21,3 triệu đồng chiều mua vào và 21 triệu đồng chiều bán ra. Hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đắt hơn giá vàng thế giới gần 17 triệu đồng.

Đó chủ yếu do tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed); diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng.

Ngoài ra, nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay. Thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định nên Ngân hàng Nhà nước không phải can thiệp thị trường.

Ngân hàng Nhà nước không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.

Trong bối cảnh giá vàng trong nước tăng cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn đánh giá, những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác quản lý, có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền.

Cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 28.4, bình quân giá vàng thế giới ở mức 3.220,07 USD/ounce, tăng 7,33% so với tháng 3.

Trong tháng 4, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh và lập đỉnh mới do bất ổn địa chính trị kéo dài, từ chiến sự tại Ukraine, căng thẳng ở Trung Đông đến mâu thuẫn thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc làm gia tăng tâm lý phòng ngừa rủi ro, thúc đẩy nhu cầu trú ẩn vào vàng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác quản lý, có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền
Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác quản lý, có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền

"Hoạt động mua vàng ồ ạt từ các ngân hàng T.Ư, đặc biệt là ở châu Á và Trung Đông, cùng với kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất đã góp phần đẩy giá vàng lên cao", Cục Thống kê nhấn mạnh.

Trong Báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng quý 1/2025 được Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố ngày 5.5, WGC cho biết, các ngân hàng T.Ư đang bước vào năm thứ 16 liên tiếp duy trì mua ròng vàng; bổ sung thêm 244 tấn vào lượng vàng dự trữ toàn cầu trong quý 1/2025.

Mặc dù mức cầu vàng này thấp hơn 21% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cho thấy nhu cầu mạnh mẽ ứng với hoạt động mua vào ổn định ở mức trung bình theo quý trong 3 năm qua.

Theo bà Louise Street, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại WGC, thị trường vàng toàn cầu năm nay đã có một khởi đầu đầy biến động. Nhu cầu về vàng trong quý 1/2025 đạt mức cao nhất kể từ năm 2016.

Nhìn nhận bức tranh kinh tế tổng thể vẫn khó dự đoán, sự không chắc chắn đó có thể thúc đẩy giá vàng tăng, bà Louise Street khẳng định: "Nhu cầu tìm đến vàng như một tài sản lưu trữ an toàn từ các tổ chức, cá nhân và khu vực chính thức có thể tăng cao trong những tháng tới".

Theo Đan Thanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng tăng dữ dội, điều gì đang xảy ra?

Giá vàng tăng dữ dội, điều gì đang xảy ra?

Vào lúc 14h chiều nay (16/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh lên mốc kỷ lục mới là 114,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước hiện cao hơn vàng thế giới hơn 11 triệu đồng/lượng, đây là mức giá chênh cao nhất từ cuối năm 2024 đến nay.