(GLO)- Sau 15 năm tổ chức thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng đã có sức lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Trao đổi với Báo Gia Lai xung quanh nội dung này, nhà văn Đỗ Kim Cuông-nguyên Vụ trưởng Vụ Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Liên hiệp toàn quốc các Hội Văn học Việt Nam cho biết:
Nhà văn Đỗ Kim Cuông |
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đề cập một chủ trương lớn của Đảng, mang tính chiến lược về văn hóa của đất nước trong một giai đoạn cách mạng dài-giai đoạn xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Qua theo dõi thông tin trên báo chí, tôi cho rằng, trong 15 năm qua, các địa phương trong cả nước đã quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; luôn xem công tác xây dựng và phát triển văn hóa vừa là nhiệm vụ vừa là mục tiêu, động lực quan trọng để xây dựng và phát triển vững chắc nền tảng tinh thần xã hội, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở các tỉnh đã có sự nỗ lực lớn trong công tác tổ chức, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về cuộc sống mới ở từng khu dân cư,…
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, bất cập; một trong số đó là đạo đức, lối sống, các chuẩn mực văn hóa, các giá trị văn hóa của thời kỳ mới chưa được ổn định và chưa được thiết lập đúng mức; vẫn còn vấn nạn bạo lực gia đình; đạo đức học sinh, sinh viên trong trường học còn điều đáng chê trách.
Nhiều thiết chế văn hóa được xây dựng mới nhưng dường như không đáp ứng được nhu cầu của người dân, không nhận được sự đồng thuận của người dân vì không thích ứng với tập quán văn hóa vùng, miền. Việc cưới, việc tang, lễ hội còn diễn ra quá rườm rà. Một vấn đề khác nữa, các di sản, di tích văn hóa, các giá trị văn hóa có bề dày truyền thống không được bảo tồn đúng mức, đang đứng trước nguy cơ mai một…
Ở Gia Lai, công tác sưu tầm, bảo quản, trưng bày các hiện vật về khảo cổ học, dân tộc học và lịch sử của địa phương, cũng như việc bảo tồn và phát triển các di tích văn hóa, nghiên cứu, khảo sát các di chỉ khảo cổ rất được quan tâm. Tỉnh xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: Nhà mồ và tượng nhà mồ Bắc Tây Nguyên, Câu đố Jrai…
Đặc biệt, sự kiện Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã cho thấy, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của Gia Lai đã và đang được đầu tư đúng mức, tạo điều kiện tốt để đồng bào các dân tộc tỉnh nhà mở rộng giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế. Gần đây nhất, việc xây dựng Quảng trường Đại Đoàn Kết với công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đã đáp ứng tốt nhu cầu tinh thần của nhân dân.
Trong 15 năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, tình hình văn học nghệ thuật ở Gia Lai tương đối ổn định về mặt tổ chức, con người; nhận được sự đầu tư thích đáng của tỉnh về cơ sở vật chất. Đây là thuận lợi để anh chị em văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Mặt khác, so với các tỉnh khác trong khu vực, Gia Lai có thế mạnh khi sở hữu một đội ngũ văn nghệ sĩ được đào tạo cơ bản, có nền tảng văn hóa; đồng thời đã có những hạt nhân văn nghệ sĩ trẻ gắn bó với địa phương, đào tạo sâu đầu tư cho sáng tác. Tuy nhiên, việc kiếm tìm và đào tạo những văn nghệ sĩ là người địa phương, là đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa nhiều, nếu không muốn nói là chưa có.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang phát động cuộc vận động sáng tác lớn về đề tài cách mạng kháng chiến giai đoạn 1930-1975, huy động tổng lực đội ngũ văn nghệ sĩ của tất cả các chuyên ngành, với mục tiêu từ nay đến 2015, chúng ta có được những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc. Tôi cho rằng đây là một cơ hội để văn nghệ sĩ Gia Lai dành tâm sức sáng tạo về mảng đề tài này.
Thu Huế (lược ghi)