Tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) có một dải đá nằm dưới biển - người dân địa phương gọi là tường thành Bờ Đập. Ngoài ra, tại bãi biển Hải Giang (trước đây là thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải) cũng có một dải đá tương tự - tục danh là Rạn Cầu - nằm sát mé biển. Cả hai dải đá này chỉ lộ diện khi thủy triều cạn vài ngày mỗi tháng và chưa được sử sách, tư liệu khoa học, lịch sử nào ghi nhận.
1.
Dãy Bờ Đập nằm dưới biển kéo dài từ gành Dưới (thôn Hải Nam) đến đảo Hòn Khô (thôn Hải Đông), còn dãy Rạn Cầu nằm dọc mé biển kéo dài từ gành Mũi Tháp đến khu vực Ngòi ở Hải Giang. Tường thành Bờ Đập có chiều dài khoảng 1,5 km, chiều rộng khoảng từ 40 - 60 m; vị trí xuất lộ trên biển có chiều cao gần 10 m (tính từ đáy biển). Hai đầu Bờ Đập có 2 khoảng trống (mỗi khoảng rộng tầm 50 m) là đường ghe thuyền di chuyển ra vào bến. Bề mặt tường thành phẳng, không kéo dài liền khối mà có những chỗ đứt đoạn tạo thành những khe hẹp chạy theo chiều ngang tường thành. Bờ tường Rạn Cầu tại khu vực Hải Giang nằm cách Bờ Đập khoảng 1 km tính theo đường chim bay, có chiều dài khoảng 3 km, chiều rộng từ 3 - 4 m và nằm sát mé biển.
Dãy Bờ Đập và Rạn Cầu được tạo bởi nhiều khối đá xếp lên nhau, có kích thước khác nhau, các mặt và cạnh phẳng bao phủ bởi các loài nhuyễn thể, rong rêu bám xung quanh. Cả hai tường thành này nằm phía Nam bán đảo Phương Mai, bị chia cắt bởi những dãy núi kéo dài ra biển tạo nên những vũng có đường bờ biển hình vòng cung.
Hai tường thành cổ Bờ Đập và Rạn Cầu có các đoạn đầu và cuối chìm sâu dưới lòng biển, chỉ còn một số đoạn xuất lộ trên mặt biển khi thủy triều cạn khoảng 10 ngày cuối tháng trước đến đầu tháng sau (từ ngày 28 đến mùng 2 âm lịch) và giữa tháng âm lịch (từ ngày 15 - 19 âm lịch).
![]() |
Thành cổ dưới biển có tục danh Bờ Đập nằm dưới biển kéo dài từ gành Dưới (thôn Hải Nam) đến đảo Hòn Khô (thôn Hải Đông), có nhiều đoạn đứt gãy nằm dưới nước. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Ông Nguyễn Dư (76 tuổi, ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải), bộc bạch: “Nói tới Bờ Đập và Rạn Cầu thì người dân địa phương không xa lạ gì, nhưng đây là công trình tự nhiên hay nhân tạo thì không ai biết. Tự bao đời nay, nó tồn tại gắn bó với người dân Nhơn Hải. Với mong muốn “vén màn” những bí ẩn của Bờ Đập và Rạn Cầu, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH và HĐND các cấp, người dân nhiều lần kiến nghị tỉnh quan tâm khảo sát, nghiên cứu hai tường thành cổ này”.
Những năm gần đây, Bờ Đập là điểm đến được đông đảo du khách tham quan, check-in. Còn Rạn Cầu nằm trong khu du lịch Merryland Hải Giang do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Thể theo nguyện vọng của bà con, cuối tháng 3.2023, UBND xã đã làm tờ trình gửi UBND TP Quy Nhơn và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị khảo sát, nghiên cứu làm rõ hơn giá trị thắng cảnh này để lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích, góp phần bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa ở địa phương”.
2.
Ngày 18.9.2024, UBND tỉnh có Văn bản số 7300/UBND-VX về việc cho chủ trương và giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan chuyên môn, địa phương tiến hành khảo sát, lấy mẫu vật giám định để phân tích, xác định niên đại, nguồn gốc hình thành của hai tường thành cổ dưới nước tại xã Nhơn Hải.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tháng 11.2024, Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam, UBND xã Nhơn Hải tiến hành khảo sát, lấy mẫu vật tại Bờ Đập và Rạn Cầu để tiến hành bước đầu phân tích mẫu, xác định niên đại hai tường thành”.
![]() |
Thành cổ Rạn Cầu ở Hải Giang nằm sát mé biển nhưng chỉ lộ rõ khi thủy triều cạn. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Theo báo cáo kết quả khảo sát khảo cổ, lấy mẫu phân tích thành phần, niên đại hai tường thành cổ dưới nước tại xã Nhơn Hải của Viện Khảo cổ học Việt Nam, hai bờ tường được hình thành bởi trầm tích tự nhiên trong môi trường nước biển. Đây là một quá trình kéo dài nhiều thời kỳ, tạo ra sự lắng đọng trầm tích cát, nhuyễn thể, vi sinh vật và tạo ra bờ tường như hiện nay. Kết quả phân tích bước đầu niên đại C14 của mẫu nhuyễn thể trong trầm tích thuộc lớp mặt, cho thấy mặt bằng lấy mẫu được trầm tích khoảng từ 1.000 năm trước Công nguyên đến 700 năm sau Công nguyên.
Báo cáo của Viện Khảo cổ học Việt Nam đưa ra giả thuyết, con người thuộc văn hóa Sa Huỳnh - Champa có thể đã tận dụng tường thành để làm âu thuyền tránh bão. Đây là một di tích mang tính chất hỗn hợp đa ngành địa chất - cổ sinh - khảo cổ - môi trường. Để có thể có thêm kết luận cần được đầu tư nghiên cứu sâu hơn, chi tiết hơn.
Ông Bùi Tĩnh cho biết thêm: “Trên cơ sở báo cáo kết quả nghiên cứu ban đầu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch báo cho UBND tỉnh để xin chủ trương cho tiến hành khảo sát, thăm dò khảo cổ học dưới nước để nghiên cứu sâu hơn. Từ đó, có cơ sở để đánh giá tổng thể và toàn diện về giá trị của hai bờ tường ở Nhơn Hải, tiến hành các bước tiếp theo lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của hai tường thành”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN