Làm báo vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã dấn thân vào nghề báo, ai cũng hiểu rõ những thử thách phải vượt qua, nhất là khi tác nghiệp ở vùng khó. Song chính khi đó, chúng tôi càng hiểu rõ hơn tình cảm mà người dân dành cho người cầm bút.

Cận kề dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), rất nhiều kỷ niệm với nghề ùa về trong tâm trí chúng tôi. Nhiều người không tin chuyện nữ phóng viên phóng xe máy “một mình một ngựa” đi công tác ở các huyện vùng khó như: Kông Chro, Kbang... Có hôm, sáng đi chiều về với tổng đoạn đường chừng… 240 km. Dù nắng hay mưa, dù ngày hay đêm, những khó khăn thường trực và hết sức đặc thù của công việc được chúng tôi chấp nhận, như một phần không thể khác.

Động lực to lớn để chúng tôi vượt qua thử thách chính là sự hào hứng đón đợi, hồi đáp của độc giả đối với những bài báo. Ở đó, có bao câu chuyện nhân văn về đời sống, bao nỗi niềm thân phận; những nỗ lực vươn lên làm kinh tế, bảo tồn văn hóa; sự đấu tranh với cái xấu, cái ác, tôn vinh cái đẹp, cái thiện cùng nhiều thông điệp truyền cảm hứng… mà nếu không có sự công phu tìm tòi, nắm bắt, thể hiện của nhà báo thì không nhiều người biết đến.

Song, ở chiều ngược lại, chính những người làm công tác truyền thông lại được “tiếp sức” từ tình cảm chân thành, vô điều kiện của bà con vùng khó. Tôi nhớ mãi một buổi xế trưa, bụng đói meo khi ghé thăm một gia đình ở xã Ayun (huyện Chư Sê) cách đây nhiều năm. Ayun là xã nghèo nhất huyện Chư Sê, đời sống bà con Bahnar vô cùng khó khăn. Trong gian bếp đơn sơ, chủ nhà đã không ngần ngại chia cho chúng tôi vài nắm cơm để chấm với “thức ăn” duy nhất là chén muối ớt giã cà đắng.

Thật không thể quên vị ngọt của cơm lúa mới quyện hòa với vị mặn của muối, vị đắng nhẩn của cà, vị cay xé của ớt xiêm. Và đó là bữa cơm giản dị nhất nhưng ngon nhất trong đời làm báo của chúng tôi tại vùng sâu.

Đầu năm 2024, chúng tôi tham dự lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông ở xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Dù đã rời quê hương Cao Bằng hơn 40 năm nhưng người dân vẫn gìn giữ, duy trì vẹn nguyên nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống. Sức hấp dẫn đến từ những chiếc váy áo có tua rua sặc sỡ, những chiếc mũ đội đầu duyên dáng, những điệu múa khèn độc đáo và các trò chơi dân gian như ném còn, thi ăn mèn mén… khiến tất cả mọi người tham dự không khỏi háo hức.

Đến khoảng 9 giờ sáng, nắng đã phừng phừng như giữa trưa nhưng các hoạt động vẫn tiếp diễn sôi nổi. Tranh thủ một chỗ ở chiếc bàn mà UBND xã kê sẵn, tôi ngồi gõ thật nhanh thông tin để gửi về tòa soạn dù bị cái nắng rát rạt “nướng chín”. Bỗng nhiên, tôi cảm nhận một vùng mát rượi ngay trên đầu. Ngẩng lên, tôi thấy một phụ nữ Mông đang cầm ô che nắng giúp. Chị nói thật giản dị: Đằng nào chị cũng đứng đây xem hội, coi như một công đôi việc. Và rồi, chị cứ kiên nhẫn đứng như thế cho đến khi tôi hoàn tất việc gửi tin.

Thì ra, đâu cần chi to tát, đôi khi, chỉ một bóng mát nho nhỏ như thế cũng khiến lòng ta tràn ngập sự biết ơn. Tôi kịp biết chị tên là Lý Thị Vân, chúng tôi cũng cùng nhau chụp một bức ảnh làm kỷ niệm. Tấm ảnh ấy được tôi gìn giữ như một kỷ niệm khó quên với nghề.

tac-gia-chup-anh-luu-niem-cung-chi-van-tai-le-hoi-gau-tao.jpg
Tác giả (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm cùng chị Lý Thị Vân tại lễ hội Gầu Tào (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ). Ảnh: L.N

Trong những ngày tháng lặn lội với nghề, chúng tôi còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ chân tình từ những con người “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa”. Còn nhớ, cũng vào đầu năm 2024, tôi cùng 2 đồng nghiệp có chuyến công tác về xã Hà Đông, huyện Đak Đoa. Xã cách trung tâm TP. Pleiku hơn 60 km nhưng được xem là “ốc đảo” bởi sự cách biệt về địa lý.

Để đến được Hà Đông, xe phải băng qua nhiều cung đường đèo hiểm trở, hoang vắng, nhiều đoạn không hề có sóng điện thoại hoặc nhà dân, hàng quán. Chúng tôi đến nơi, làm việc tới giữa trưa thì chiếc ô tô không thể khởi động được nữa và nằm ì trong sân trụ sở UBND xã. Thợ tại chỗ bó tay, đành cầu viện thợ từ TP. Pleiku chạy vào, mang theo đồ nghề lỉnh kỉnh.

Mãi đến gần 20 giờ, bóng tối đã bao trùm tứ phía nhưng mọi nỗ lực đều không thể xoay chuyển tình thế. Chiếc xe cần thay thế một số phụ tùng. Vì vậy, người thợ phải quay về và trở lại vào hôm sau. Nỗi lo lắng cùng cái lạnh cuối mùa sót lại làm mọi người không khỏi e ngại.

Khi chúng tôi đang bàn đến phương án tìm chỗ ngủ lại Hà Đông thì anh Ưm-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã-bước đến hỏi han. Rất nhanh sau đó, anh bảo chúng tôi mượn tạm chiếc xe Ford Escape của anh để về lại Pleiku nhằm chủ động lo việc nhà cửa, con cái.

Người đàn ông Bahnar cho hay: Chiếc ô tô được anh mua để làm dịch vụ đưa đón bà con trong xã khi cần cấp cứu bởi nơi này khá cách biệt với trung tâm huyện, nếu chờ xe từ huyện vào sẽ không kịp.

mot-goc-xa-ha-dong-huyen-dak-doa-anh-chup-trong-chuyen-tac-nghiep-tai-day-dau-nam-2024.jpg
Một góc xã Hà Đông (huyện Đak Đoa). Ảnh chụp trong chuyến tác nghiệp tại đây đầu năm 2024. Ảnh: P.D

Quyết định cho mượn xe của anh Ưm khiến cả nhóm bất ngờ, bởi trước đó, đôi bên chưa hề quen biết nhau. Chúng tôi cũng chưa làm được gì để đáng được quan tâm như thế. Đáng nói, khi chúng tôi quay trở lại trả xe, anh không chịu nhận bất cứ khoản phí dịch vụ nào. Đơn giản chỉ là giúp người lúc khốn khó, vậy thôi. Vậy mà, mới đây, qua một người quen trong xã, chúng tôi bàng hoàng nghe tin anh Ưm qua đời do đột quỵ vào cuối tháng 10-2024. Chiếc xe anh thường dùng để kịp thời đưa bà con đi cấp cứu đã không kịp cứu tính mạng anh.

Lòng tôi thắt nghẹn. Nói sao cho hết nỗi bùi ngùi. Và nói sao cho vừa về sự biết ơn sâu sắc đối với những người đã thương yêu, chân tình giúp đỡ chúng tôi tác nghiệp bằng sự vô tư, không vụ lợi, trong một đời sống mà dường như không điều gì không phải đánh đổi, không điều gì cho đi mà không cần điều kiện đi kèm.

Tây Nguyên là vùng đất đã cho chúng tôi điều kiện tác nghiệp lý tưởng như thế, cho chúng tôi được gặp những con người tuyệt vời ở nơi mà ngay cả địa danh nghe qua đã thấy thăm thẳm. Đó là sức mạnh tinh thần mà người làm báo chúng tôi có được, để bất chấp gian nan mang lại những câu chuyện, những thông tin đáng giá cho bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

Chuyện về những nhà báo không chuyên

Chuyện về những nhà báo không chuyên

(GLO)- Dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng bằng nhiệt huyết, nhiều cộng tác viên của Báo Gia Lai vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề báo, cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đời sống ở cơ sở trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn trong việc lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng.

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Vui buồn phóng viên cơ sở

Vui buồn phóng viên cơ sở

(GLO)- Với đội ngũ phóng viên ở cơ sở-những người đang công tác tại các trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao (VH-TT-TT), việc vừa khai thác thông tin, chụp ảnh, quay phim, viết tin bài, dựng hình, đọc phát thanh... là chuyện thường ngày.

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Thông tin liên lạc xưa và nay - Bộ tem như tái hiện quá trình phát triển của ngành viễn thông và báo chí, đưa chúng ta quay trở về những ký ức từ thưở sơ khai với con tem đầu tiên dán trên bức thư tay gói giấy cho đến các hình thức liên lạc, các loại hình báo chí hiện đại như ngày nay.

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu” và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV diễn ra vào chiều 17-6 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

100 năm đồng hành cùng dân tộc

100 năm đồng hành cùng dân tộc

(GLO)- Chúng ta tự hào đã có một nền Báo chí cách mạng với thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, với hơn 500 nhà báo là liệt sĩ, nhiều nhà báo mang thương tật suốt đời nhưng vẫn không ngừng lao động, cống hiến cho đất nước, Nhân dân.

Báo chí trong thời đại AI

Báo chí trong thời đại AI

(GLO)- Sẽ không quá khi nói rằng, chúng ta đang ngày ngày hít thở trong bầu không khí “số”. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa các ngành nghề vào cuộc chạy đua để không bị tụt hậu. Báo chí càng không ngoại lệ.

 Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

(GLO)- Phát thanh viên là người góp phần làm nên chiều sâu cảm xúc cho khán thính giả. Có những giọng đọc qua năm tháng đã trở thành ký ức trong lòng người nghe. Trong số đó, biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Bahnar Siu Thu của Báo Gia Lai được ví là “giọng đọc không tuổi”.

null