Địa phận Phủ Hoài Nhơn được xác lập năm Hồng Đức thứ 2 (1471), là miền “viễn châu” khá rộng; sau hơn 550 năm, vùng đất rộng lớn lúc ban đầu được phân chia thành nhiều tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên. Tên gọi cũng được thay đổi theo tiến trình lịch sử, từ phủ Hoài Nhơn (1471) đến phủ Quy Nhơn (1602), phủ Quy Ninh (1651), lấy lại tên cũ Quy Nhơn (1742), dinh Bình Định (1802), trấn Bình Định (1809), tỉnh Bình Định (1832) và hiện nay Bình Định sáp nhập tỉnh Gia Lai có tên là tỉnh Gia Lai...
Thử điểm lại những mốc son quan trọng trên hành trình này.
1. Theo Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1834, với sự miêu tả của Phan Huy Chú, ta có thể hiểu về diên cách của phủ Hoài Nhơn xưa. Phủ Hoài Nhơn nằm về phía Nam Quảng Nam, phía Tây giáp Ai Lao, phía Nam giáp bờ biển Chiêm Thành, tiền triều đã dựng bia trên núi làm giới hạn. Khi vua Lê Thánh Tông bình Chiêm, ngài cho mài đá núi làm bia để làm ranh giới.
+ TX An Khê (Gia Lai) vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Quần thể Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể Tây Sơn Thượng Đạo (8.2022). Ảnh: NGỌC THU
Trong sự phát triển thế và lực mang tính chiến lược của các chúa Nguyễn, phía Đông và phía Tây cơ bản là thuận lợi. Biển Đông là nơi giao lưu buôn bán với nước ngoài tạo cơ sở vững mạnh cho nền kinh tế. Đối với phía Tây, vùng núi, nguồn xuất khẩu lâm thổ sản, cho nên chúa Nguyễn sử dụng những chính sách hòa hoãn, mềm dẻo.
Với vai trò là vùng đất trấn biên, 140 năm phủ Hoài Nhơn, sau là phủ Quy Nhơn (từ khi nhà Lê lập phủ Hoài Nhơn năm 1471 đến năm 1611 lập phủ Phú Yên), có một giới hạn địa vực rộng lớn bậc nhất của Đại Việt, bao gồm cả vùng duyên hải và cao nguyên Trung phần, trong đó có tỉnh Gia Lai hiện nay.
2. Theo An Nam đại quốc họa đồ của Tabert 1838, chúng ta thấy có 2 ranh giới: Ranh giới Cocincina interior seu Annam Đàng Trong; ranh giới Annam quốc seu Imperium Anamiticum, vượt qua sông Mê Kông đến Thanom núi Đòn Gánh. Qua nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, đến thời Minh Mạng công việc cụ thể cũng chỉ mới bước đầu.
+ An Nam đại quốc họa đồ 1838. Ảnh: Tư liệu của N.T.Q
Năm Tự Đức thứ 30 (1877), đặt nha An Khê để kinh lý 28 thôn vừa lập bên bờ sông Ba. Đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), nha An Khê nhập với một phần đất phía Tây huyện Tuy Viễn lập ra huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định. Theo Hòa ước Giáp Thân - 1884, Pháp công nhận Trung kỳ có phần đất Tây Nguyên hiện nay. Đây là một vùng hoàn chỉnh, có thời là một nhưng có lúc chia thành nhiều tỉnh.
Năm 1898, thực dân Pháp yêu cầu được nắm trọn quyền hành chánh và trực tiếp cai trị các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đặt tòa đại lý hành chính tại Kontum, đại lý Kontum trực thuộc tòa công sứ Quy Nhơn.
Năm 1913, tách Kontum gồm 3 đại lý: Đại lý Kontum, đại lý Cheo Reo, đại lý Daklak. Năm 1923, tách đại lý Daklak ra khỏi tỉnh Kontum, thành lập tỉnh Daklak. Năm 1925, lập đại lý Pleiku tỉnh Kontum. Năm 1932, tách đại lý Pleiku để thành lập tỉnh Pleiku. Có thể thấy rằng: Phần đất Kontum tách ra từ Quy Nhơn - Bình Định đã hình thành nên ba tỉnh: Kontum, Pleiku và Đaklak.
3. Sau chiến thắng Đồ Bàn (1471), Đại Việt mở đất đến núi Thạch Bi, người Việt bắt đầu tiến dần vào lập làng sinh sống ở phủ Hoài Nhơn từ đèo Cù Mông (ranh giới Bình Định - Phú Yên hiện nay) trở ra; từ đèo Cù Mông trở vào mốc giới Đá Bia (ranh giới Phú Yên- Khánh Hòa hiện nay) là vùng đệm cho phần đất biên ải phía Nam, mặc dù trên danh nghĩa là đất của Đại Việt nhưng vẫn để cho người Chàm và các dân tộc khác ở.
Những cư dân đầu tiên đi mở cõi vùng đất viễn châu - Hoài Nhơn, ngoài dân nghèo vào lập nghiệp còn có lực lượng quân đội và đặc biệt là các phạm nhân trọng tội bị lưu đày cũng được biên chế vào lực lượng chiến đấu và sản xuất ở vệ Hoài Nhơn. Sách Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, chép rất rõ: “tháng 4 (năm Hồng Đức thứ 5-1474) có sắc chỉ rằng: Tù xử tội lưu, đi cận châu thì sung vệ quân Thăng Hoa (Quảng Nam), đi ngoại châu thì sung vệ quân Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), đi viễn châu thì sung vệ quân Hoài Nhơn”.
Sau một thế kỷ mở đất, người Việt đã vào lập làng ở hầu hết vùng đất của phủ Hoài Nhơn từ chân đèo Cù Mông trở ra. Năm 1578, vào đời nhà Lê dưới thời Nguyễn Hoàng, Lương Văn Chánh được bổ nhiệm làm tri huyện Tuy Viễn “để dẹp yên trấn biên và chiêu tập dân xiêu tán đến Cù Mông và Bà Đài, lại khẩn ruộng hoang ở sông Đà Diễn” (Đại Nam nhất thống chí), đây chính là vùng đất thuộc Sông Cầu, Tuy An và Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên ngày nay.
Từ sau năm 1578, người Việt đã đến lập làng sinh sống bên kia đèo Cù Mông, bắt đầu xóa bỏ “vùng đệm” của thời Lê Thánh Tông. Năm 1611, hai năm trước khi qua đời, Nguyễn Hoàng cho quân tiến vào chính thức thu lại toàn bộ phần đất của Lê Thánh Tông đã xác định mốc giới đến Đá Bia, lập ra phủ Phú Yên với 2 huyện: Đồng Xuân và Tuy Hòa.
Năm 1655, trong trận chiến vượt sông Gianh tấn công ra Nghệ An đánh chiếm 7 huyện phía Nam sông Lam, chúa Nguyễn bắt khá nhiều tù binh và nông dân Nghệ An đưa về lập làng ở Quy Ninh (Quy Nhơn). Trong số này có tổ tiên dòng họ ba anh em nhà Tây Sơn. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 30, chép: Tổ tiên họ Nguyễn ở đất Tây Sơn vốn là họ Hồ, người “huyện Hưng Nguyên - Nghệ An, trong khoảng niên hiệu Thịnh Đức (1653 - 1657) nhà Lê, ông tổ 4 đời Nguyễn Văn Nhạc bị quân ta (chúa Nguyễn) bắt đem cho ở Nhất ấp vùng Tây Sơn, đất Quy Ninh (Quy Nhơn)...”. (Nhất ấp: Thôn An Khê, Nhị ấp: thôn Cửu An). Hoài Nhơn đã trở thành vùng đất trù phú, nơi quy tụ hiền tài của xứ Đàng Trong, chỗ dựa vững chắc của chúa Nguyễn.
4. Do phải tự thích nghi với môi trường thiên nhiên, tự khai khẩn đất đai để sinh tồn, những trọng phạm lưu đày vùng phía Tây phủ Hoài Nhơn nhanh chóng hòa nhập với cư dân địa phương. Và như một lẽ tự nhiên họ tìm cách thoát khỏi sự quản lý của quan lại địa phương. Và vì thế họ dịch chuyển ngày càng sâu vào vùng rừng núi phía Tây mênh mông.
Theo PGS Diệp Đình Hoa, “Đối với người Cây Dừa (khu vực phía Tây phủ Hoài Nhơn), các vùng như Đông Dương, Hạ Lào đối với họ rất gần gũi, không có gì xa lạ, ghê rợn. Đối với lớp thương lái giữ được chữ tín, đến đời con, đời cháu đến các nơi mà cha hay ông của mình đã hoạt động, còn được đồng bào chấp nhận cư trú làm ăn...”. Người làm trong bộ máy giao dịch hay đồn binh (trước là trạm giao dịch) thường được chọn trong các thương hồ (thương lái). Tài liệu ghi chép trong sử cũ có nhiều cách gọi khác về những người này, như: thuộc lại, thừa biện, thông dịch…, phần lớn những người này đều là người vùng Cây Dừa, nguồn Cầu Bông. Thời chúa Nguyễn, nguồn Cầu Bông (Phương Kiệu, An Khê) theo Lê Quý Đôn là một trong 7 nguồn của phủ Quy Nhơn có số thuế nộp nhiều nhất.
Những xóm người Việt mọc lên ngày càng nhiều bên cạnh những pơlei (làng) Bana, Jrai. Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ XIX, số lượng người Việt lên định cư tại Gia Lai vẫn rất ít, tập trung đông nhất ở khu vực An Khê, hầu hết đều xuất phát từ Bình Định. Trong nội thị, làng người Việt đầu tiên là Hội Phú do ông Nguyễn Sĩ (chủ mộ) quê thôn Xuân Yên, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, mộ được gần 20 gia đình lên lập làng tại địa điểm đầu đường Lê Lai hiện nay khoảng năm 1905. Dân ngày càng đông, sau tách ra lập thêm làng Hội Thương. Các làng được lập tiếp theo ở phía Bắc là: Tiên Sơn, Ngô Sơn, Hiển Sơn; phía Đông là: Phú Thọ, Nguyên Lợi, Quảng Định, An Mỹ, Trà Nhá; ngoài ra còn có làng Trà Đa (ở phía Nam chợ Biển Hồ ngày nay), Gia Tường (phía Đông đồn điền Bầu Cạn), Trà Bá, Thanh Bình, Phú Mỹ, Phú Thạch, Châu Khê, Phù Yên, La Sơn, Bửu Sơn (theo Lịch sử Đảng bộ TP Pleiku).
Trong thời thuộc Pháp, vào những năm 1923 - 1945, chính quyền thực dân đưa một bộ phận người Việt từ vùng đồng bằng ven biển miền Trung, đa phần là người Bình Định lên làm công nhân trong các đồn điền chè, cà phê và các công trường làm đường, dọc QL 19.
Từ năm 1954 trở về sau, dân số người Việt ở Gia Lai tăng nhanh, trong đó có nhiều người Bình Định bị đưa lên các khu dinh điền do chính sách cưỡng ép di dân thời Ngô Đình Diệm và người dân Bình Định chạy tản cư tránh ác liệt của chiến tranh.
Mặc dù có những khó khăn, cản trở về khí hậu, thời tiết, dịch bệnh nhưng lưu dân Bình Định vẫn tiếp tục lên Gia Lai lập nghiệp qua nhiều giai đoạn lịch sử. Trong quá trình đó, họ đã mang theo những yếu tố văn hóa của mình và tìm cách dung hợp với văn hóa bản địa trong môi trường mới, cũng như nhanh chóng học hỏi để đảm bảo cuộc sống lâu dài của mình trên cao nguyên. Yếu tố nguồn gốc, khả năng dung hợp, gắn kết máu thịt vừa kể là những điểm rất quan trọng được Đảng - Nhà nước tính đến khi xây dựng chủ trương sáp nhập hai tỉnh Bình Định với Gia Lai hiện nay.
NGUYỄN THANH QUANG