Triển khai trong thời gian chưa tròn 1 năm, Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025 đã thu hút nhiều người yêu văn chương trong và ngoài tỉnh tham gia. Tác phẩm được gửi về không chỉ thể hiện sự đầu tư công phu về nội dung và hình thức, mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh vùng đất Bình Ðịnh giàu bản sắc văn hóa, chiều sâu lịch sử.
Diễn ra từ tháng 4.2024 - 2.2025, Cuộc thi nhận được 1.037 tác phẩm thơ và 205 tác phẩm truyện ngắn của 313 tác giả, trong đó có 49 tác giả Bình Định. Nhìn chung, các tác phẩm dự thi đều bảo đảm điều kiện về thể loại và chủ đề mà Ban tổ chức đưa ra.
![]() |
Cuộc thi đã phát hiện những tài năng mới, với những tác phẩm thể hiện chiều sâu tư tưởng, tìm tòi nghệ thuật mới mẻ, góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn chương địa phương và nước nhà. - Trong ảnh: Các tác giả nhận giải nhất ở thể loại thơ và truyện ngắn. Ảnh: K.V |
Ở thể loại thơ, tác giả trẻ Nhiên Đăng nhận được sự đánh giá cao của Ban giám khảo với chùm thơ: Đêm An Lão, Tiếng gọi giao mùa, Chiều trên đầm Thị Nại. Cả 3 bài thơ đều ưu tiên thể hiện theo thể thơ tự do mới, mở rộng dòng thơ, câu thơ theo trục kết hợp, nội dung đa dạng về cuộc sống hiện đại từ điểm nhìn nghệ thuật mới mẻ. Với tác phẩm Đêm An Lão, tác giả chia sẻ: Tôi muốn làm sống lại những phong tục, tập quán bằng cái nhìn lịch đại và đồng đại thông qua các hình tượng, phong tục có sức sống lâu bền và minh triết trong tâm thức của con người miền núi An Lão.
Các tác giả Trần Kế Hoàn, Trương Công Tưởng và Bùi Minh Vũ mỗi người một nét riêng trong góc nhìn, cách tiếp cận hiện thực nhưng lại có chung hình thức thể hiện, đó là thể thơ tự do với cách kiến tạo ngôn ngữ linh hoạt, kể tả đan xen biểu hiện; tư duy hình, tư duy ý có sự hội tụ để tạo tứ thơ và triển khai thành những ý thơ trọn vẹn.
Hay tác giả Huỳnh Minh Tâm với chùm thơ mang chủ đề chiến tranh, đời tư và thế sự xúc động và sâu lắng. Trong đó, bài thơ Hòn Vọng Phu núi Bà tái hiện khung cảnh chiến tranh khốc liệt, nơi những người phụ nữ chờ chồng hóa thành hình tượng vọng phu bất tử, theo thời gian đã thành biểu tượng của nỗi nhớ và niềm hy sinh thầm lặng…
Theo PGS.TS Hồ Thế Hà, Trưởng Ban chung khảo cuộc thi, điểm mạnh của những tác phẩm thơ dự thi lần nay là các tác giả đã nỗ lực huy động tất cả khả năng vốn có của mình để thỏa mãn “cơn khát thẩm mỹ” và “cơn khát trí tuệ”, qua việc giải quyết hài hòa nhưng mới lạ mối quan hệ giữa chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ, kết hợp nhuần nhuyễn tư duy hình và tư duy ý để hình thành tứ thơ bất ngờ, độc đáo. Nhiều tác phẩm xuất sắc được bình chọn, qua đó phát hiện thêm những tác phẩm hay, tài năng văn học mới, đồng thời xác lập các giá trị thi pháp và hệ hình văn học, góp phần làm phong phú diện mạo văn chương địa phương và cả nước.
Ở mảng truyện ngắn, cuộc thi ghi nhận sự phong phú về đề tài với 205 tác phẩm của 53 tác giả vào vòng chung khảo. Mảng chiến tranh và hậu chiến nổi bật với các truyện như: Người khâu vết, Ký ức màu khói, Ngón tay trỏ, Những bông hoa hạnh duyên, Đồng hiện nửa đêm… Các công trình kiến trúc Chăm và tháp cổ Bình Định cũng được tái hiện qua: Tháp cổ đổ bóng, Tường thành mặt trời, Lửa tháp, Mưa về tháp cổ… Nhiều truyện ngắn khai thác sâu lịch sử, văn hóa “xứ văn chương” như: Đêm trắng thành Chăm Pa; Anh hùng, gió chướng và con nước; Êm như nước chảy… Bên cạnh đó là những góc nhìn xã hội đương đại qua: Giọng chim, Chuyện tầng 4, Giếng trời, Về nhà sớm mai...
Bên cạnh những cây bút đã định hình phong cách văn chương, viết có nghề như Trần Kế Hoàn, Bùi Minh Vũ, Lê Văn Hiếu, Nguyễn Thường Kham, Ngô Văn Cư, Y Nguyên…, cuộc thi còn ghi nhận sự tham gia sôi nổi của nhiều tác giả trẻ, đặc biệt là các cây bút đến từ Bình Định như Duyên An, Nhiên Đăng, Trương Công Tưởng, Thụy Hân, Trần Văn Thiên…
Nhà văn Lê Hoài Lương, thành viên Ban Giám khảo, khẳng định: Ở cuộc thi lần này, mảng truyện ngắn đã thành công trên nhiều phương diện. Tác phẩm dự thi phong phú về đề tài, cho thấy có nhiều tìm tòi mới, mạnh dạn thử nghiệm kỹ thuật và bút pháp hiện đại. Sự tham gia của nhiều cây bút đến từ các vùng miền khác nhau đã mang đến sự phong phú trong đề tài và cách thể hiện, đáng mừng là đã xuất hiện những tác phẩm hay.
Nhà thơ Mai Thìn, Trưởng Ban tổ chức, nhận xét: Nhiều tác phẩm đoạt giải cao viết về Bình Định đã góp phần quảng bá hình ảnh, khẳng định và tôn vinh những giá trị truyền thống, di sản quê hương. Cuộc thi cũng đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo cho người yêu văn chương, đặc biệt là thế hệ cầm bút trẻ với khát vọng khám phá và trải nghiệm.
KIỀU VY