Có thẻ hay không có thẻ nhà báo họ vẫn làm báo. Bởi họ luôn có niềm đam mê và mong muốn góp một phần nhỏ bé vào hành trình chuyển động của xã hội bằng ngòi bút, bằng trái tim và bằng đôi mắt luôn đau đáu với hiện thực.
Trong gian nan có niềm vui
Trải qua quá trình công tác tại nhiều đơn vị trong LLVT tỉnh, tháng 4.2014, thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thành Phúc được điều động về Phòng Chính trị (Bộ CHQS tỉnh) với chức vụ là nhân viên chuyên mục Quốc phòng toàn dân. Từ một quân nhân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, anh Phúc chuyển sang nhiệm vụ của một phóng viên thực thụ. Những ngày đầu, anh gặp không ít khó khăn với “hai bàn tay trắng” về chuyên môn.
Vừa làm vừa học, tích lũy thêm các kiến thức, kỹ năng làm báo, anh đặt ra cho mình mục tiêu phải “đa năng”, làm được đầy đủ các loại hình báo chí; không ngại lăn lộn trên thao trường huấn luyện hay xông pha trên trận tuyến phòng chống thiên tai để chuyển tải những thông tin, hình ảnh sinh động, gắn bó, gần gũi nhất của bộ đội.
Tại Liên hoan Truyền hình toàn quân lần thứ XIV (tháng 8.2024), phóng sự “Nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ” phản ánh về nỗ lực trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở đồi Xuân Sơn (huyện Hoài Ân) do anh cùng đồng đội thực hiện đã giành huy chương vàng. Đây là động lực để anh cùng đồng đội tiếp tục bền lòng theo đuổi và cho ra đời nhiều tác phẩm có chất lượng cao hơn nữa.
Có 31 năm sống cùng “nghề báo”, anh Bùi Xuân Dũng (Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Vĩnh Thạnh, kiêm phóng viên, biên tập viên) chia sẻ rằng đây là một nghề không ồn ào, nhưng đầy thách thức ở huyện miền núi này.
Bám trụ ở địa bàn miền núi, anh Dũng luôn có những chuyến đi dài không kể nắng mưa, lội suối, băng rừng để đến từng buôn làng. Là những lần rời nhà khi trời còn tối và trở về lúc phố xá đã lên đèn. Là những cuộc gặp gỡ đầy xúc động với đồng bào Bana - nơi câu chuyện về một già làng, một chị nông dân có thể trở thành bài học sống động về nghị lực và đổi thay. Kể với chúng tôi về một kỷ niệm vui trong nghề, anh Dũng cho biết: “Hồi dịch Covid-19, tôi lên xã Vĩnh Sơn để tìm nhà người F0 làm phóng sự. Gặp một bok (già làng, người có uy tín) trên đường, tôi hỏi nhờ dẫn vào nhà có người F0. Bok lên xe chỉ đường rất nhiệt tình. Đến nơi, hóa ra người F0 lại chính là... bok ấy! Tôi chỉ biết ngớ người ra, vừa buồn cười, vừa thấm thía rằng làm báo ở vùng cao, chuyện bất ngờ luôn chực chờ sau mỗi khúc cua”.
Nghề báo ở miền núi, nếu chỉ nhìn từ xa, sẽ thấy cực khổ. Nhưng ở gần rồi mới thấy trong gian nan có niềm vui. Niềm vui đọng lại của anh Dũng là khi thấy bài viết của mình giúp ai đó hiểu đúng sự việc, cổ vũ điều tốt đẹp, lên tiếng cho những điều chưa ổn. Và nhất là, khi anh đặt chân vào thôn làng, gặp lại những người từng là nhân vật trong bài viết, họ nhận ra anh và nắm tay cười: “Phóng viên viết hay lắm, nhờ bài đó mà làng mình đổi khác rồi!”.
![]() |
Chị Đinh Thị Minh Ngọc tác nghiệp tại sự kiện vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại xã Tây Sơn sáng 20.6. Ảnh: NVCC |
Một mối duyên không hẹn trước
Hành trình viết báo của chị Nguyễn Thị Ái Trinh (cán bộ Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường) đến như một mối lương duyên không hẹn trước. Công việc chuyên môn của chị là phụ trách mảng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thường xuyên theo dõi và hỗ trợ 31 xã/phường ven biển thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Đam mê viết báo và mong muốn lan tỏa thông tin rộng rãi hơn, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, ngoài những bản tin tuyên truyền cho đài xã hay đăng trên bản tin của ngành, chị Trinh bắt đầu gửi tin, bài cộng tác cho Báo Bình Định.
Tháng 8.2022, một biên tập viên của Báo Bình Định đã đọc bản tin về rùa Trung bộ của chị và chủ động liên hệ, đề nghị sửa lại thành bài để đăng báo. “Cái cảm giác khi bài viết được biên tập, được duyệt, rồi xuất hiện trên báo giấy hay báo điện tử khiến tim tôi rộn ràng như đứa trẻ lần đầu tiên được khen. Mỗi lượt chia sẻ, mỗi bình luận động viên từ bạn bè, người quen hay chính những nhân vật trong bài viết như một lời thầm thì nhắc tôi cố gắng tiếp tục”, chị Trinh tâm sự.
Từ đó cho đến nay, chị Trinh luôn là cộng tác viên tích cực của Báo Bình Định với nhiều bài viết chất lượng về lối sống thân thiện, hài hòa với thiên nhiên của người Bình Định hay công tác bảo tồn biển và tài nguyên... Là phóng viên của Trung tâm VH-TT&TT huyện Tây Sơn, chị Đinh Thị Minh Ngọc chia sẻ rằng với những tin, bài được đăng tải, rèn luyện được cách viết và tăng sự sắc sảo trong mỗi bài báo, chị đã nhận được sự giúp đỡ, quan tâm của các nhà báo chuyên nghiệp.
Theo chị Ngọc, công việc của phóng viên đài huyện khá vất vả khi phải tác nghiệp như những nhà báo thực thụ, thậm chí còn “đa di năng” khi làm cả báo viết, báo hình, báo nói... vừa là phóng viên, vừa là quay phim, vừa là biên tập viên, vừa là phát thanh viên...
Xác định việc này vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để bản thân được rèn khả năng làm việc, chị Ngọc luôn chủ động bám sát địa bàn để tạo ra những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh thực tế sinh động cuộc sống người dân. Đặc biệt, vừa qua chị đã có 2 tác phẩm đạt giải khuyến khích ở thể loại báo in và phát thanh Giải Báo chí tỉnh Bình Định. Đây là lần đầu tiên chị vinh dự được nhận giải thưởng này. “Đó là kết quả của quá trình theo đuổi, sâu sát với nhân vật, xâu chuỗi các sự việc nhỏ với nhau để nuôi đề tài. Cùng với đó là những phát hiện, khám phá nét độc đáo trên cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị tại địa phương”, chị Ngọc nói.
HỒNG PHÚC