Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Vingroup chấp nhận thua thiệt trong giai đoạn đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh để có được thành công, Vingroup phải đầu tư mạnh mẽ, chấp nhận thua thiệt trong giai đoạn đầu, phải làm điều chưa ai làm.

 

Tập đoàn Vingroup vừa công bố báo cáo thường niên năm 2019. Đề cập tại báo cáo này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Vingroup khẳng định, định hướng phát triển của Vingroup là trở thành một Tập đoàn đẳng cấp quốc tế, lấy khối Công nghiệp, Công nghệ làm trọng tâm để hình thành các thương hiệu quốc tế.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước hết Vingroup sẽ phải nỗ lực vượt bậc, liên tục vượt qua chính bản thân mình, phải đầu tư mạnh mẽ, chấp nhận thua thiệt trong giai đoạn đầu, phải hết sức quyết liệt và sáng tạo, phải làm điều chưa ai làm.


 

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup



Vì vậy, theo Vingroup, trong năm 2020, Tập đoàn này sẽ tập trung nhiều nguồn lực cho lĩnh vực Công nghiệp –  Công nghệ, với mục tiêu chinh phục thị trường trong nước, tạo bàn đạp vững vàng để tiến ra quốc tế.

Cụ thể, đối với mảng công nghiệp của Vingroup, trong năm nay sẽ ra mắt thêm một số mẫu ô tô, xe máy điện mới và bắt đầu sản xuất xe bus điện. VinFast hoàn thiện mạng lưới phân phối và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

VinSmart dự kiến cho ra mắt một số mẫu điện thoại thông minh, TV thông minh, trong đó có các mẫu điện thoại 5G đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam từ phổ thông đến cao cấp, các mẫu TV sử dụng công nghệ OLED.

Bên cạnh đó, VinSmart sẽ giới thiệu các thiết bị thông minh smarthome, phát triển cho ba đại dự án Vinhomes, và ra mắt camera an ninh ứng dụng AI. Ngoài ra, Công ty tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác hàng đầu thế giới như Qualcomm, Google để nghiên cứu các sản phẩm, công nghệ mới.

Mảng công nghệ tiếp tục được Vingroup nghiên cứu, đưa các ứng dụng vào sản phẩm phục vụ thị trường. Có thể kể đến như, VinBrain triển khai sản phẩm AI Trợ lý bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh, kết nối bệnh nhân – bác sĩ, đồng thời nghiên cứu biểu đồ dự đoán bệnh và phác đồ điều trị ra các bệnh viện trong nước.

Vantix triển khai và ứng dụng trên diện rộng giải pháp phân tích và tối ưu năng suất lao động dựa trên thiết bị đeo IoT trong vận hành ở các chuỗi khách sạn Vinpearl và các nhà máy của VinFast và VinSmart.

Các giải pháp về xử lý ngôn ngữ và chatbot sẽ được tích hợp vào hệ thống chăm sóc khách hàng của Vinmec, Vinpearl, VinSmart. Các lõi công nghệ AI đã và sẽ được thương mại hóa ra thị trường trên các thiết bị điện thoại thông minh và hệ thống camera thông minh của VinSmart.

Công nghệ AI cũng đang được nghiên cứu để tích hợp vào các giải pháp trên ô tô VinFast thế hệ mới sẽ được ra mắt trên thị trường thời gian tới.

VinSmart đang phát triển các tính năng mới của hệ điều hành VOS cho điện thoại thông minh, và nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ 5G. Công ty cũng xây dựng hệ thống camera thông minh, sản phẩm thiết bị gia đình như TV, máy điều hòa và tủ lạnh thông minh. VinFast cũng đang tự phát triển các công nghệ về Pin thông minh – một xu thế dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô.

VinID mở rộng quy mô chương trình khách hàng thân thiết với mục tiêu nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, phát triển dịch vụ thanh toán và tính năng phân tích dữ liệu bằng thuật toán nhằm đưa ra các giải pháp khuyến mại, gợi ý, tìm kiếm hàng ngày trở nên thông minh hơn .

Đối với lĩnh vực Bất động sản, Vinhomes duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành bất động sản, phát huy các thế mạnh cốt lõi về tiến độ bàn giao, chất lượng sản phẩm, và hệ sinh thái hoàn thiện.

Năm 2020, Vinhomes tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm để tiếp cận đối tượng khách hàng trong nhiều phân khúc từ trung cấp đến cao cấp và dự kiến mở bán thêm ba dự án mới tại Hà Nội và Hưng Yên.

Bên cạnh đó, Vinhomes triển khai nghiên cứu khả thi để phát triển các khu công nghiệp, thu hút khách thuê trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp sẽ có mô hình kinh doanh linh hoạt, có thể cho thuê nhà xưởng hoặc cho thuê đất đi kèm cơ sở hạ tầng.

Trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ, Vincom Retail tiếp tục mở rộng mạng lưới dự án và đảm bảo độ phủ cao, giữ vững vị thế số một về số lượng trung tâm thương mại (TTTM), thị phần và chất lượng.

Vinpearl sẽ đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các hãng hàng không nội địa để mở các đường bay cố định trong nước và quốc tế tới các địa phương có cơ sở của Vinpearl, cung cấp các gói du lịch trọn gói cao cấp nhằm tăng số lượng khách tới hệ thống khách sạn. Ngoài ra, Vinpearl sẽ giới thiệu dòng khách sạn ba sao mới dưới thương hiệu VinHoliday nhắm tới phân khúc khách hàng phổ thông.

Vinmec sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng cường trải nghiệm khách hàng, tiếp tục phát triển các sản phẩm mũi nhọn như tế bào gốc, công nghệ gen. Vinmec dự kiến phát triển trung tâm chăm sóc y tế từ xa Virtual Care – đây sẽ là chiến lược sản phẩm nòng cốt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Vinmec sẽ phát triển mô hình và sản phẩm mới phù hợp với xu hướng chuyển từ chữa bệnh sang phòng bệnh.

Vinschool dự kiến mở mới một số cơ sở Mầm non và Phổ thông liên cấp tại Hà Nội và Hà Tĩnh, nâng tổng số học sinh trên toàn hệ thống lên 33.300 trong năm học 2020 – 2021. Toàn bộ chương trình của Vinschool được số hóa và chuyển thành chương trình học tích hợp online và offline (blended learning) để giảm sự phụ thuộc vào chất lượng giáo viên.

VinUni hoàn thiện việc lắp đặt trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, và xây dựng toàn bộ đề cương chi tiết, tài liệu dạy – học của chương trình tiếng Anh English Pathway, chương trình Trải nghiệm năm thứ nhất và các môn Giáo dục Đại cương để sẵn sàng cho việc khai giảng khóa đầu tiên vào mùa thu.


 

 



Trước đó, trong năm 2019, quyết định rút khỏi lĩnh vực bán lẻ, nông nghiệp và hàng không để tập trung nguồn lực cho công nghiệp - công nghệ được xem như là một mốc quan trọng đối với Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Cụ thể, tập đoàn này đã hoán đổi toàn bộ cổ phần tại Công ty VCM – sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart và VinEco thành quyền chọn nhận cổ phần tại công ty hợp nhất giữa VCM và Công ty TNHH Masan Consumer Holdings. Qua đó, Vingroup sẽ trở thành cổ đông không kiểm soát tại Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ do Tập đoàn Masan điều hành. Ngoài ra, Vingroup cũng giải thể toàn bộ hệ thống VinPro, sáp nhập Adayroi vào VinID và công bố rút lui khỏi lĩnh vực hàng không.

Báo cáo của Vingroup cũng cho thấy, với doanh thu 64.505 tỷ đồng, chuyển nhượng bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của Vingroup (49,6%), giảm từ mức 68,3% của năm 2018. Trong khi đó, 22,8% doanh thu là từ bán hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích và cửa hàng bán lẻ với 29.702 tỷ đồng.

Tỷ trọng của lĩnh vực hoạt động sản xuất tăng từ 0,5% trong năm 2018 lên 7,1% trong năm 2019, đạt con số 9.201 tỷ đồng.


 

http://danviet.vn/kinh-te/ty-phu-pham-nhat-vuong-vingroup-chap-nhan-thua-thiet-trong-giai-doan-dau-lam-dieu-chua-ai-lam-1081050.html

Theo Huyền Anh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.