Tỷ phú nuôi bò dưới chân đèo Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tận dụng lợi thế đồng cỏ rộng mênh mông, nhiều nông dân xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Từ vài con bò ban đầu, giờ đây, họ sở hữu hàng trăm con, thu nhập tiền tỷ mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Làm giàu trên quê hương thứ 2

Xuôi đèo Chư Sê chừng 200 m đến thôn Thanh Thượng hỏi tỷ phú chăn nuôi bò Nguyễn Kim Tống thì mọi người đều biết. Bởi lẽ, từ năm 2010 đến nay, ông đã sở hữu đàn bò hơn 500 con. Ông Tống kể: Ông sinh ra và lớn lên tại huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Đất chật, người đông nên dù ông chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 1996, trong một lần lên huyện Chư Sê chơi, ông đã bị thu hút bởi những đồng cỏ bát ngát dưới chân đèo. Vì vậy, ông quyết định đưa vợ con lên đây lập nghiệp. Ngày ấy, 1 con bò có giá từ 900 ngàn đến 1 triệu đồng. Bán hết tài sản dưới quê, vợ chồng ông cũng chỉ đủ tiền mua 1 căn nhà nhỏ che mưa che nắng và 5 con bò lai. Lấy công làm lãi, hàng ngày, vợ chồng ông thả bò đi ăn từ 8 giờ đến 16 giờ mới lùa về chuồng khi con nào con nấy bụng đã no căng. Đi làm thuê dư được đồng nào, ông dồn hết để mua bò. Năm 2007, đàn bò của ông đã phát triển hơn 100 con.

Khi đàn bò đã phát triển về số lượng, ông quyết định đưa đàn bò qua xã Pờ Tó (huyện Ia Pa), xin Nhà nước cấp 1 ha đất làm trang trại chăn nuôi và thuê người trông coi, chăn dắt. Bê con sau 7 tháng chăm sóc, ông chọn những con đạt chuẩn để lại, số còn lại ông xuất bán, duy trì đàn bò ở mức 500 con, trong đó có khoảng 300 con bò cái để tái đàn. Sau khi trừ hết chi phí, ông thu về gần 2 tỷ đồng/năm.

“Công việc chăn nuôi bò cũng có lúc thăng, lúc trầm. Năm 2010, khi giá bò đạt đỉnh, 1 con bê tôi bán được 17-18 triệu đồng. Tôi còn nhớ như in, lúc đó xuất chuồng 57 con bê cho các đơn vị quân đội, tôi thu về 1,9 tỷ đồng, cộng thêm 2 con bò cái 65 triệu đồng. Lần đầu tiên cầm số tiền lớn trong tay mà run, không tin vào mắt mình. Thế nhưng, cách đây 6 năm, khi giá bò xuống đáy, 3 năm liền, tôi không xuất chuồng con nào. Đợi khi giá tăng trở lại, tôi xuất bán cùng lúc 300 con. May mà thời gian giá cả biến động không quá lâu, lại có vốn sẵn nên ít bị ảnh hưởng, chứ như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì đành chấp nhận bán lỗ”-ông Tống trải lòng.

Ông Trần Văn Toàn (bìa trái) gắn bó với nghề chăn nuôi bò hơn 30 năm qua. Ảnh: V.C

Ông Trần Văn Toàn (bìa trái) gắn bó với nghề chăn nuôi bò hơn 30 năm qua. Ảnh: V.C

Tương tự, bên dòng kênh thủy lợi Ayun Hạ hiền hòa dẫn vào Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, gia đình ông Trần Văn Toàn cũng được mệnh danh là tỷ phú chăn nuôi bò. Tận dụng đồng cỏ mênh mông bên lòng hồ thủy lợi, ông quyết định chăn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình. Thời kỳ đầu, ông chỉ nuôi vài con bò. Về sau, thấy chăn nuôi hiệu quả, ông Toàn đã mở rộng quy mô chuồng trại. Hiện gia đình nuôi hơn 100 con với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Theo kinh nghiệm của ông Toàn, lúc giao mùa, bò rất dễ ốm. Có khi chiều vẫn ăn ngon lành nhưng sáng hôm sau đã bỏ cám. Bò ốm làm người nuôi ăn không ngon, ngủ không yên, vì thế phải chủ động khâu chăm sóc và phòng bệnh. Đàn bò của gia đình ông luôn được tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin lở mồm long móng, viêm da nổi cục và tụ huyết trùng. Chất thải được thu gom hàng ngày, phơi khô. Định kỳ hàng tuần đều phun tiêu độc khử trùng môi trường toàn bộ trang trại. Nhờ vậy, nhiều năm qua, trại bò chưa bao giờ bùng phát dịch. Mỗi năm, ngoài nguồn lợi thu được từ bán bò thương phẩm, ông còn thu được gần 100 triệu đồng từ bán phân bò. “Ngày trước, thức ăn thiếu thốn, có thời điểm trời mưa liên tục nhiều ngày, nguồn cỏ thiếu hụt, vợ chồng tôi phải đội mưa đi cắt cỏ. Mình nhịn được nhưng bò không được để đói. Bây giờ thì gia đình luôn có rơm khô tích trữ. Việc chăn nuôi nhờ vậy thuận lợi và đỡ vất vả hơn nhiều”-ông Toàn chia sẻ.

Niềm vui tuổi già

Giờ đây, khi tuổi đã cao, vợ chồng ông Toàn có thể thảnh thơi nhìn lại những tháng ngày gian khó nhưng hạnh phúc. Năm 1986, vợ chồng ông Toàn rời quê hương Thừa Thiên-Huế đến huyện Phú Thiện lập nghiệp. Cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông vào các làng đồng bào dân tộc thiểu số trao đổi mắm muối lấy gạo bán. Có chút vốn, ông mua bò sinh sản và bắt đầu gây đàn. Ông Toàn cho biết: So với các loại vật nuôi khác thì bò dễ nuôi hơn nhiều. Đặc biệt, nhờ nguồn thức ăn dồi dào, nuôi bò sinh sản không tốn quá nhiều vốn đầu tư như nuôi bò vỗ béo. Khi xảy ra dịch bệnh, bò dễ điều trị, không bị chết hàng loạt như heo, gà; thị trường tiêu thụ nội địa rất mạnh, ít rủi ro. Đây là lý do ông bám trụ và gắn bó với công việc chăn nuôi bò hơn 30 năm qua.

“Sắp tới, tôi chỉ duy trì đàn bò khoảng 50 con thôi. 70 tuổi rồi, chủ yếu là giữ nghề cho vui. Tuy nhiên, ai cần hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi tôi đều nhiệt tình chia sẻ. Ai khó khăn chưa có vốn thì đầu năm mua bò, cuối năm trả tiền cũng được. Vùng đất này đã trở thành quê hương thứ 2 của tôi rồi, bà con hàng xóm cũng như anh em ruột thịt. Vì vậy, tôi cũng muốn đóng góp chút công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”-ông Toàn hồ hởi nói.

Trang trại nuôi bò của ông Tống hiện đã mở rộng hơn 8 ha. Ảnh: Vũ Chi

Trang trại nuôi bò của ông Tống hiện đã mở rộng hơn 8 ha. Ảnh: Vũ Chi

Trang trại nuôi bò của ông Tống hiện đã mở rộng hơn 8 ha. Ông thuê thêm 6 nhân công phụ trách chăn dắt đàn bò. Mỗi con bò trông coi, ông trả thù lao 1 triệu đồng/năm. Nhiều người nhờ gắn bó với ông hơn chục năm nay mà có khoản thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống gia đình. Với các con khi ra riêng, ông đều cho ít vốn làm ăn. Riêng đàn bò ông giao lại cho con trai út quản lý. Cuối tuần, ông bà lại chở nhau trên chiếc xe con vào trang trại thăm đàn bò. Ông nhớ lại: “Khi xưa, từng con bò đặc điểm ra sao, thói quen thế nào tôi đều nhớ rõ. Có lần, 2 con bò bị người ta dắt mất, đeo thêm cho chúng cái lục lạc vào cổ nhưng khi đi tìm tôi vẫn nhận ra bò của mình. Sau khi chỉ rõ vết sẹo ở mông bò, họ đành phải trả lại và xin lỗi tôi. Giờ thì lâu lâu tôi mới ghé thăm, chủ yếu nhắc nhở con cháu chịu khó trông coi. Trước tôi làm 10 phần, nay chỉ mong con cháu làm 5 phần thì sẽ không bao giờ lo đói”.

Ông Lê Xuân Mạnh-Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ-cho biết: Tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi, nhiều hộ dân trong xã đã phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Trong đó, gia đình ông Tống, ông Toàn là những điển hình tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, 2 gia đình còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại chỗ, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm giúp nhiều người dân vươn lên gầy dựng cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mong muốn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: H.D

Ia Grai: Hợp tác xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Anh Trương Văn Sơn (bìa trái, thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol) giám sát nhân công thu hoạch diện tích khoai lang của gia đình. Ảnh: Vũ Chi

Nông dân Phú Thiện trúng mùa khoai lang

(GLO)- Những ngày này, nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đang bước vào cao điểm vụ thu hoạch khoai lang. So với năm ngoái, vụ khoai lang năm nay được mùa, được giá, nông dân thu lời bình quân trên 130 triệu đồng/ha.

Ông Trần Đình Tuấn (thôn 5, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) cho biết, 3 ha điều của gia đình chỉ cho thu khoảng hơn 2 tấn. Ảnh: L.N

Nông dân kém vui vì năng suất điều giảm sâu

(GLO)- Mặc dù giá tăng cao nhưng người trồng điều trong tỉnh Gia Lai vẫn kém vui vì mất mùa. Nguyên nhân do vào thời điểm điều ra hoa thì gặp trời mưa, không khí lạnh kéo dài, sương muối làm hư hoa, tỷ lệ đậu quả đạt thấp.

Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú và Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 9 khu vực mỏ đất san lấp làm VLXD thông thường. Ảnh: Lê Nam

Gia Lai: Đấu giá thành công 9 mỏ đất làm vật liệu san lấp

(GLO)- Ngày 19-3, tại TP. Pleiku, Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 9 khu vực mỏ đất san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường chưa có kết quả thăm dò khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Người dân nhận khoán bảo vệ rừng (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh) phát dọn thực bì. Ảnh: N.D

Giao khoán bảo vệ rừng: Lợi ích kép

(GLO)- Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị chủ rừng tại Gia Lai đẩy mạnh triển khai khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình sinh sống gần rừng. Chính sách này đã mang lại lợi ích kép khi công tác quản lý, bảo vệ rừng được siết chặt và người dân nhận khoán có thêm thu nhập.

Khu vực Đông Nam tỉnh đang vào mùa cao điểm thu hoạch thuốc lá. Ảnh: V.C

Đầu tư nâng cao giá trị cây thuốc lá

(GLO)- Khi giá nhiều loại nông sản biến động thất thường thì giá thuốc lá luôn giữ ổn định trong nhiều năm qua. Nhờ liên kết đầu tư cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng thuốc lá được nâng cao, mở ra cơ hội xuất khẩu trong tương lai.

Krông Pa tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Krông Pa tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

(GLO)- Từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Krông Pa đã triển khai hỗ trợ sinh kế để tiếp thêm động lực giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững

Phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững

(GLO)- Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, những năm gần đây, ngành mía đường Gia Lai có mức tăng trưởng tương đối ổn định. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cộng đồng trách nhiệm xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững.