Tuyên án 111 bị cáo thuộc Công ty luật Pháp Việt về tội cưỡng đoạt tài sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
TAND tỉnh Tiền Giang tuyên án sơ thẩm 111 bị cáo thuộc Công ty luật Pháp Việt phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Trong đó, bị cáo lãnh án cao nhất 19 năm tù, thấp nhất 1 năm tù.

Chiều 30.8, sau 25 ngày xét xử và nghị án, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên án sơ thẩm đối với 111 bị cáo (thuộc Công ty luật Pháp Việt) phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

Theo đó, giữ vai trò cầm đầu, Trần Văn Châu (44 tuổi), cựu Phó giám đốc phụ trách điều hành Công ty luật Pháp Việt, bị tuyên phạt 19 năm tù; Hồ Quốc Hùng (36 tuổi), cựu Phó giám đốc nghiệp vụ, cùng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, bị tuyên 18 năm tù. 109 bị cáo còn lại bị tuyên mức án thấp nhất 1 năm, cao nhất 13 năm tù.

TAND tỉnh Tiền Giang tuyên án sau 25 ngày xét xử, nghị án. Ảnh B.B

TAND tỉnh Tiền Giang tuyên án sau 25 ngày xét xử, nghị án. Ảnh B.B

Ngoài ra, HĐXX buộc Trần Văn Châu nộp hơn 15 tỉ đồng và Hồ Quốc Hùng nộp hơn 12 tỉ đồng, là số tiền bị cáo có được nhờ phạm tội. Các bị cáo còn lại phải trả lại toàn bộ số tiền phạm tội mà có.

Theo cáo trạng, Công ty luật Pháp Việt do Châu và Hùng cầm đầu đã núp bóng sau các hợp đồng dịch vụ pháp lý để đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản của 172.629 người vay.

Châu và Hùng biết rõ kể từ ngày 1.1.2021, loại hình dịch vụ đòi nợ đã bị luật Đầu tư năm 2020 (thay thế luật Đầu tư năm 2014) đưa vào diện ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Nhưng cả hai vẫn tổ chức loại hình công ty này bằng cách thuê luật sư Lê Thị Tuyết đứng tên làm giám đốc, người đại diện pháp luật để tiếp tục hoạt động đòi nợ trá hình.

Bị cáo Hồ Quốc Hùng, 1 trong 2 bị cáo phạm tội với vai trò cầm đầu. Ảnh B.B

Bị cáo Hồ Quốc Hùng, 1 trong 2 bị cáo phạm tội với vai trò cầm đầu. Ảnh B.B

Cấp dưới của Châu và Hùng có 20 trưởng nhóm và 579 nhân viên. Châu, Hùng giữ vai trò chủ mưu, trực tiếp tổ chức việc thực hiện tội phạm.

Trong vụ án này, luật sư Lê Thị Tuyết hưởng lương 15 triệu đồng/tháng và không tham gia điều hành hoạt động của nhóm phạm tội do Châu và Hùng cầm đầu nên không bị xử lý hình sự.

Sau khi nhận các khoản nợ khó đòi, quá hạn của 7 tổ chức (ngân hàng và tổ chức tín dụng), Châu và Hùng yêu cầu những người dưới quyền dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay theo "tháp giải pháp" thu nợ.

"Tháp giải pháp" mà Châu và Hùng vạch ra cho thuộc cấp thực hiện có 3 cấp độ. Các trưởng nhóm trực tiếp hướng dẫn thành viên thực hiện. Cấp độ 1: gọi điện nhắc nhở và chửi bới, đe dọa để khách trả tiền; cấp độ 2: gọi điện đe dọa sẽ giết người thân, ghép hình đăng lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm; cấp độ 3: đặt vòng hoa tang, bình gas, xăng, thực phẩm… đem đến nhà, cơ quan nơi khách hàng vay hoặc người thân của khách hàng vay đang làm việc để đe dọa, uy hiếp buộc trả tiền vay.

Bằng thủ đoạn trên, từ ngày 1.1.2021 đến ngày 14.2.2023, Châu và Hùng cùng các thuộc cấp đã đòi nợ bằng cách cưỡng đoạt của 172.629 người vay, thu tổng số tiền hơn 456,7 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 168,5 tỉ đồng.

Theo Bắc Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

(GLO)- Vi phạm trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, 3 cơ sở nha khoa trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) vừa bị Sở Y tế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 142,5 triệu đồng.