Tượng Bác trong rừng khộp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mờ sáng, sân Đồn biên phòng Đắk Đam, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông đã ríu rít tiếng chim. Ở tuyến biên giới Đắk Nông, đa phần các đơn vị biên phòng đều nằm lọt giữa đại ngàn. Những người lính nơi đây đã xây dựng tượng đài Bác Hồ bằng đá hoa cương và địa điểm này thành điểm đến của học sinh, giáo viên.
Bác và người lính
Chiếc xe lăn bánh rời trục đường chính rẽ vào đường tuần tra biên giới và được đánh dấu là đường T14C. Càng vào sâu thì rừng khộp thưa thớt bóng lá. Trên bản đồ, vùng đất đối diện với tuyến đường vào Đồn biên phòng Đắk Đam là Senmonorom, phum Bangvay, phum Bungai thuộc vương quốc Campuchia. Con đường này thỉnh thoảng mới gặp một bóng xe đi ngược chiều, một vài nhóm đi bộ trên con đường bê tông chạy uốn khúc dẫn sâu vào trong rừng, chủ yếu là lính biên phòng cắm ở các chốt, đồn, trạm nằm dọc đường T14C.

Các em học sinh dâng hương các liệt sĩ và đặt hoa trước Tượng đài Bác Hồ. Ảnh: Văn Chương
Các em học sinh dâng hương các liệt sĩ và đặt hoa trước Tượng đài Bác Hồ. Ảnh: Văn Chương
Đồn biên phòng Đắk Đam nằm trên một gò đất cao. Trước cổng và vào tới sân đồn là những cây khộp đại thụ có chiều cao trên 30 mét. Tôi còn nhớ, những người lính từng ở đồn này nhắc chuyện khi trở lại thăm đơn vị cũ, ai cũng thường dừng thật lâu trước bóng cây đại thụ và cảm nhận một phần đời mình gắn với tán cây phủ bóng, nhìn xa như một người lính gác. Ngay lối đi vào trước khu vườn hoa của đơn vị là tượng đài Bác Hồ được làm bằng đá hoa cương màu trắng.
Thiếu tá Bùi Huy Triệu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắk Đam quê gốc Bắc Ninh. Anh kể rằng, ở tuyến biên phòng Đắk Nông phần lớn là anh em quê ở đất Bắc vào vùng đất Tây Nguyên nhận nhiệm vụ. Sau mấy chục năm, có người đã về hưu, có người ổn định gia đình tại mảnh đất biên viễn này. Khi cơ sở vật chất của đồn biên phòng được xây dựng ổn định thì tượng Bác Hồ đã trở thành điểm nhấn trong khuôn viên. Còn trước đây ảnh Bác Hồ chủ yếu là treo trong hội trường.
Ở những đơn vị khác, tượng Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng thường được làm bằng chất liệu đá có màu sậm. Còn ở tuyến biên giới Đắk Nông tượng Bác Hồ đều được làm bằng đá hoa cương từ làng đá Non Nước, thành phố Đà Nẵng. Mỗi buổi sáng, những người lính sống giữa rừng lắng nghe tiếng chim, ngắm nhìn chân dung Bác và khắc ghi những lời Bác dạy.
Rời Đồn biên phòng Đắk Đam, tới Đồn Biên phòng Nậm Na cũng nằm trên trục đường tuần tra biên giới, Thiếu tá Trần Cao Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Na chia sẻ, từ giữa tháng 2/2022, đơn vị đã có kế hoạch xây dựng tượng đài Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng bằng đá hoa cương đặt trong khuôn viên của đơn vị. Tượng Bác sẽ được chạm khắc từ đá hoa cương nguyên khối và công trình sẽ hoàn thành vào ngày 19/5/2022. Tượng đài này sẽ trở thành tiêu điểm trong khuôn viên đơn vị, góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nơi lưu dấu binh nhì

Thiếu tá Bùi Huy Triệu bên tượng đài Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng bằng đá hoa cương ở Đồn Biên phòng Đắk Đam. Ảnh: Văn Chương
Thiếu tá Bùi Huy Triệu bên tượng đài Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng bằng đá hoa cương ở Đồn Biên phòng Đắk Đam. Ảnh: Văn Chương
Hoạt động xây dựng Tượng đài Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng bằng đá hoa cương trắng trên tuyến biên phòng Đắk Nông được báo chí địa phương đưa tin đậm nét. Đồn Biên phòng Đăk Ken tổ chức khánh thành vào đúng dịp 3/3/2021, lãnh đạo UBND huyện Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô, đơn vị kết nghĩa và các thầy cô giáo đã đến dự. Tại buổi lễ, lãnh đạo các địa phương đã trân trọng dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông tin về công trình Tượng đài Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng bằng đá hoa cương được các trường học ở địa phương lên chương trình tổ chức cho các em tới thăm Đồn biên phòng và dâng hoa trước tượng đài Bác Hồ.
Đêm xuống, cánh rừng khộp lao xao tiếng lá, một chiến sĩ trẻ đứng ở bục gác ở Đồn Biên phòng Đắk Đam chỉ về Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ và cho biết, hồi đó các anh hy sinh cũng binh nhì, ở tuổi như em. Các liệt sĩ hy sinh và nằm rải rác trong rừng nhưng không tìm hết được hài cốt, đơn vị xây dựng một khu tưởng niệm để các đoàn khách đến tham quan tưởng niệm chung một chỗ.
Thiếu tá Bùi Huy Triệu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắk Đam chia sẻ, năm 2018 đơn vị đã xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động của Nhà lưu niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Đắk Đam, nơi đặt tấm bia tưởng nhớ 18 người lính đã anh dũng hy sinh trong giai đoạn bảo vệ biên giới Tây Nam 1978-1979.
Buổi sáng sớm, khi tiếng chim ríu rít vang lên khắp khuôn viên của đơn vị, tôi rảo bước ra nơi đặt Tượng đài Bác Hồ và lặng nghe tiếng vọng của rừng khộp. Con dốc dẫn từ sân đồn ra trước cổng, tuyến đường cắt ngang không có một bóng người qua lại. Một cán bộ chia sẻ, nếu muốn có được bữa ăn sáng theo kiểu phố thị phải đi 22 km. Anh nuôi bây giờ đỡ phải chạy xe đi mua bó rau, vì người dân buôn bán đã mang thực phẩm tới tận cổng đồn. Từ khi có đường tuần tra biên giới, đơn vị đỡ biệt lập hơn, vì chạy vài chục phút là tới được khu dân cư để nghe âm thanh của cuộc sống. Những người lính ở đồn đúc kết, “cuộc sống ở những đơn vị khó khăn và biệt lập như vậy, hình ảnh Bác càng trở nên thiêng liêng”.
Khi sương sớm tan dần và tiếng chim vợi đi, một chiến sĩ chạy ra Nhà bia tưởng niệm quét dọn, thắp nén hương sưởi ấm cho linh hồn các liệt sĩ. Trên tấm bia khắc tên 18 chiến sĩ đến từ nhiều miền quê: Hà Đình Vũ, binh nhất, quê ở tỉnh Thanh Hóa; Phạm Xuân Huệ, binh nhì, quê Hà Tĩnh; Nguyễn Duy Tuấn, binh nhì, quê ở Thái Bình… Thiếu tá Triệu cho biết, từ khi đặt tượng Bác, đơn vị tăng cường hơn nữa việc giáo dục cho các chiến sĩ về tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác Hồ; giáo dục về sự hy sinh của thế hệ đi trước, nên các chiến sĩ đã thấm nhuần và gắn bó hơn với nhiệm vụ cao cả nơi biên cương của người lính biên phòng.
Thiếu tá Bùi Huy Triệu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắk Đam cho biết, bệ đỡ tượng đài Bác Hồ được lát đá đen và lúc xây dựng anh em hội ý là khắc chữ màu vàng, đó là những lời dặn dò của Bác để lại cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ thiêng liêng: “Non xanh nước biếc trùng trùng/Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/Núi cao sự nghiệp càng cao/Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu…”.
Theo LÊ VĂN CHƯƠNG (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.