Tưới tiết kiệm nước cho cây ăn quả: Lợi ích nhiều mặt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn cây ăn quả. Cách làm này không những tiết kiệm được công lao động mà còn giảm lượng nước tưới cho cây trồng, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
Năm 2018, gia đình ông Nguyễn Văn Kiểm (tổ 6, thị trấn Phú Túc) quyết định mua 1.000 cây bưởi da xanh với giá 35.000 đồng/cây về trồng trên 3,8 ha đất rẫy. Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ông đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Sau hơn 3 năm, vườn bưởi chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Theo ông Kiểm, cây bưởi rất thích hợp với điều kiện khí hậu nắng nóng tại vùng “chảo lửa” Krông Pa. Tuy nhiên, việc canh tác trên diện tích lớn là không đơn giản. Cũng giống nhiều loại cây trồng khác, bưởi thường bị sâu bệnh gây hại, đặc biệt là nhện đỏ. Ngoài ra còn có sâu vẽ bùa, bọ cánh cứng. Trong điều kiện nắng nóng tại địa phương, các loại sâu bệnh này phát triển rất nhanh. Thuốc hóa học chỉ sử dụng được trong một thời gian ngắn, lâu dài sâu bệnh nhờn thuốc, sinh sản nhanh hơn. Vì vậy, ông Kiểm chủ yếu dùng thuốc sinh học để tiêu diệt sâu bệnh ngay từ trong trứng, hạn chế mầm bệnh phát triển, chất lượng quả không bị ảnh hưởng, đảm bảo được nguồn trái cây sạch cung cấp ra thị trường.
Ngay khi chuẩn bị triển khai trồng cây ăn quả, vấn đề nước tưới được ông Kiểm nghiên cứu rất kỹ. Sau khi tham khảo kinh nghiệm từ nhiều chủ vườn cây ăn quả có múi, ông quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho toàn bộ diện tích với giá 25 triệu đồng/ha. Ông cho biết: “Tuy kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng nó mang lại nhiều lợi ích. Hiện nay, ông chỉ việc bật công tắc tưới trong vòng 3-4 giờ với mật độ 1 lần/tuần, lượng nước tưới nhờ vậy được tiết kiệm đáng kể. Với lượng nước chỉ khoảng 60 lít/giờ nên nước từ từ thấm vào đất, gốc cây không bị xói mòn, bộ rễ phát triển nhanh, cho trái to và nhiều”.
Nhờ mô hình tưới tiết kiệm nước, vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Kiểm (tổ dân phố 6, thị trấn Phú Túc) phát triển nhanh, ra trái sum suê. Ảnh: Vũ Chi
Nhờ mô hình tưới tiết kiệm nước, vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Kiểm (tổ 6, thị trấn Phú Túc) phát triển nhanh, ra trái sum suê. Ảnh: Vũ Chi
Hiện tại, vườn bưởi của ông Kiểm bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi quả đạt trọng lượng hơn 2 kg. Với giá bán 30 ngàn đồng/kg, ước tính thu nhập năm đầu tiên hơn nửa tỷ đồng. Dự kiến sau 5 năm, mỗi cây đạt hơn 1 tạ quả/năm. Nhiều thương lái đã liên hệ ông đặt mua khi bưởi cho thu hoạch. Ông cũng đang tìm hiểu đăng ký chứng nhận VietGAP cho vườn cây để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cũng quyết định chọn cây ăn quả để phát triển kinh tế gia đình, năm 2017, ông Nguyễn Trường Thọ đầu tư trồng 2 ha xoài Đài Loan tại buôn Dù, xã Ia Mlah. Để giảm chi phí thuê nhân công cũng như đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Thọ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho toàn bộ diện tích. Theo ông Thọ, nếu như tưới bằng phương pháp truyền thống, vợ chồng ông phải giăng dây, kéo ống rất vất vả. Trong khi với phương pháp tưới tiết kiệm, chỉ cần bật công tắc rồi đi kiểm tra một vòng, xong có thể tranh thủ làm được nhiều việc khác. Bên cạnh đó, nhờ hòa tan phân trong nước tưới nên cây thấm hút nhanh, tươi tốt quanh năm, thuận lợi cho việc ra hoa trái vụ, giá bán cao hơn.
Trao đổi với P.V, ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hiện nay, mô hình tưới tiết kiệm được người dân sử dụng trên nhiều loại cây trồng, trong đó, dưa hấu 1.000 ha, thuốc lá 2.000 ha, mía trên 200 ha, riêng cây ăn quả khoảng 30 ha. Năm 2021, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, huyện đã triển khai canh tác 12 ha cây ăn quả kết hợp tưới tiết kiệm tại các xã: Ia Mlah, Uar và thị trấn Phú Túc. Năm 2022, huyện triển khai thêm 10 ha, chủ yếu là xoài và bưởi. Dựa trên tiềm năng phát triển cây ăn quả trên địa bàn, Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; UBND huyện ban hành kế hoạch phát triển cây ăn quả giai đoạn 2021-2030.
“Trên cơ sở khảo sát điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện xây dựng kế hoạch canh tác 100 ha cây ăn quả kết hợp tưới tiết kiệm giai đoạn 2021-2025. Khí hậu Krông Pa nắng nóng quanh năm nên việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nhằm giúp người dân giải quyết bài toán nan giải về nguồn nước khan hiếm vào mùa khô, tiết giảm chi phí, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.