Từ Yahoo!360 đến Facebook: Người dùng không còn là "thượng đế"!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bão táp từ bên ngoài và từ trong nội bộ Facebook một lần nữa cho thấy, mạng xã hội này dưới văn hóa dẫn dắt của CEO Mark Zuckerberg đang gây phản ứng mạnh mẽ.

 Facebook đang trong sóng gió dư luận khi ngày càng bị phản đối nhiều hơn. Ảnh chụp màn hình.
Facebook đang trong sóng gió dư luận khi ngày càng bị phản đối nhiều hơn. Ảnh chụp màn hình.


Sau sự cố “sập mạng” đêm ngày 4.10, sự phản ứng đối với Facebook đang bùng lên trên nhiều bình diện, như từ người dùng tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, từ các cơ quan làm chính sách và quản lý ở Mỹ, từ giới truyền thông, và mới nhất từ nữ nhà báo đoạt giải thưởng Nobel Hòa Bình người Philippines là Maria Ressa.

Và hiện tại, nhân vụ cựu nữ nhân viên Facebook là Frances Haugen điều trần trước Quốc hội Mỹ tiết lộ những sự thật về Facebook trong đó có nội dung cho rằng, mạng xã hội này cố thu lợi từ sự an toàn của người dùng, vụ bê bối Cambridge Analytica vỡ lở vào tháng 3.2018 tại Facebook lại được nhắc đến, nhấn mạnh đến tình trạng Facebook trục lợi từ dữ liệu, thông tin người dùng.

Bài học đối với người dùng nói chung và người dùng Việt nói riêng chưa bao giờ hết thời sự trong khi sử dụng các dịch vụ mạng xã hội.

Hơn chục năm về trước, mạng xã hội Yahoo!360 là một điển hình tại Việt Nam. Một hình thức dịch vụ mới mẻ sau khi được người dùng Việt sử dụng rộng rãi lên đến hàng triệu người trong một khoảng thời gian ngắn, chủ sở hữu nền tảng đã đưa ra các chính sách thay đổi, ép người dùng phải chuyển đổi sang Yahoo!360 Plus mặc cho việc chuyển dữ liệu (bài viết, hình ảnh…) rất khó khăn, thậm chí dữ liệu của người dùng bị rơi rụng, hoặc mất hẳn dữ liệu…, nhưng không hề được chủ sở hữu và vận hành nền tảng quan tâm tới.

Sau khi Yahoo!360 plus “chết”, các mạng xã hội Việt không đủ sức hấp dẫn để thay thế, Facebook trở thành mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam và lượng người dùng không ngừng tăng lên.

Tới thời điểm này, Facebook đã có hơn 60 triệu người dùng tại Việt Nam (xếp thứ 7 thế giới), vô hình chung được trao cho quyền lực về truyền thông và kết nối xã hội rộng rãi và mạnh mẽ, từ đó quay lại kiểm soát, chèn ép người dùng.

Những phát ngôn từ phía Facebook thời gian qua và hiện nay (với việc mới đây nhất Mark Zuckerberg đã viết một bài rất dài “giãi bày” trên trang cá nhân của mình) nói về việc bảo vệ người dùng hay người dùng là trung tâm không còn được dư luận tin và thậm chí, đa phần người dùng đang nghĩ ngược lại.

“Trong chăn mới biết chăn có rận”, câu nói này đúng với trường hợp cựu nhân viên của Facebook – cô Frances Haugen. Cựu nhân viên này đã cung cấp cho các nhà lập pháp Mỹ cả chồng hồ sơ, tài liệu thể hiện Facebook dưới sự dẫn dắt của Mark Zuckerberg đã luôn đặt lợi nhuận và sự thu lợi lên hàng đầu trên cả sự an toàn và quyền riêng tư của người dùng.

Khi Facebook đã có một lượng người dùng quá lớn, khoảng 3 tỉ người tương đương với khoảng 40% dân số hành tinh xanh, họ đã được trao cho một quyền lực quá lớn, và vì lợi ích riêng xung đột với lợi ích của người dùng.

Hơn 10 năm trước, Mark Zuckerberg được Time bình chọn và vinh danh là nhân vật của năm. Nhưng trong số ra gần đây, bìa 1 vẫn là hình ảnh của vị CEO này, nhưng chèn lên trên gương mặt là câu hỏi “delete  Facebook?” (có nên xóa Facebook?), và con trỏ đã chọn ô “delete” (xóa).

Tất nhiên tại thời điểm này không phải người dùng nào cũng nhìn về Facebook là hoàn toàn đen tối hay xấu xí, hoặc không phải ai cũng đủ dũng khí để từ bỏ một mạng xã hội mà nó đã ăn quá sâu vào đời sống tinh thần trên không gian ảo của họ.  

 

https://laodong.vn/ban-doc/tu-yahoo360-den-facebook-nguoi-dung-khong-con-la-thuong-de-962130.ldo

Theo Thế Lâm (LĐO)

Có thể bạn quan tâm