Từ chuyện phụ nữ Tây Nguyên mang gùi ra chợ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần làm cho thế giới sạch hơn, nhiều địa phương ở Gia Lai đã có sáng kiến tặng gùi đi chợ cho phụ nữ thay cho những chiếc giỏ nhựa như trước đây. Chiếc gùi xuất hiện trên vai người phụ nữ Jrai, Bahnar ra chợ mang theo bao câu chuyện về sản phẩm văn hóa đặc trưng này.

Cuối tháng 8 vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia O (huyện Ia Grai) tặng 30 chiếc gùi đi chợ cho các thành viên tham gia mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa một lần”. Những chiếc gùi do nghệ nhân đan lát thủ công, hoa văn đặc trưng, đẹp mắt. Theo chị Puih Yung-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia O, mỗi chiếc gùi có giá 200 ngàn đồng, cao hơn so với giỏ nhựa. Nhưng chiếc gùi rất bền chắc, có thể sử dụng lâu dài vào nhiều mục đích. “Các thành viên Câu lạc bộ có trách nhiệm tuyên truyền, vận động chị em hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ thói quen hàng ngày. Do đó, Hội tặng gùi đi chợ cho các thành viên để họ đi đầu, làm gương cho người dân noi theo. Hơn nữa, sử dụng gùi và các sản phẩm đan lát truyền thống như rổ, rá cũng là cách giữ gìn để nghề truyền thống cha ông không bị mai một”-chị Yung cho hay.

 Hội LHPN xã Ia O (huyện Ia Grai) tặng gùi đi chợ cho hội viên. Ảnh: Minh Châu
Hội LHPN xã Ia O (huyện Ia Grai) tặng gùi đi chợ cho hội viên. Ảnh: Minh Châu


Cũng với ý nghĩa đó, mới đây, Hội LHPN xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa) tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông và không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần” tại Chi hội buôn Krăi, đồng thời tặng 10 chiếc gùi đi chợ cho thành viên tham gia. Còn tại xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), từ năm 2021, Hội LHPN không chỉ tặng gùi cho hội viên mà còn khuyến khích chị em dùng các loại lá cây trong vườn để gói hàng hóa thay cho bì ni lông khi đi chợ. Chị H'Uyên Niê-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã còn có ý tưởng tặng hạt giống bầu hồ lô cho chị em trong xã trồng để bảo tồn giống cây bản địa, đồng thời sử dụng quả bầu già làm dụng cụ đựng nước uống. Là người có tình yêu sâu đậm với các giá trị văn hóa truyền thống, chị H'Uyên Niê chia sẻ: “Phong trào chống rác thải nhựa là cơ hội để nghề truyền thống hồi sinh. Hiện nay, xã đã hình thành tổ đan lát, dệt thổ cẩm, có thể cung cấp một số vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày từ vật liệu tự nhiên như mây, tre, nứa. Mục tiêu của chúng tôi là khuyến khích chị em hạn chế đồ nhựa mà sử dụng các vật dụng truyền thống, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo thêm việc làm cho các tổ đan lát, làng nghề”.
 

Phụ nữ xã Ia Mơ Nông đi chợ bằng gùi. Ảnh- Nhật Hào
Phụ nữ xã Ia Mơ Nông đi chợ bằng gùi. Ảnh: Nhật Hào


 Trong cuốn sách “Đến với lịch sử-văn hóa Bắc Tây Nguyên”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đã nói đến chiếc gùi trong đời sống của cư dân bản địa như sau: “Muốn khắc họa chân dung các thiếu nữ Tây Nguyên, ngoài yếu tố nhân chủng và trang phục của từng tộc người thì chiếc gùi duyên dáng trên vai cũng là một hình ảnh gây ấn tượng”. Có thể khẳng định, những chiếc gùi ra chợ của phụ nữ không chỉ góp phần lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa mà còn là gìn giữ hệ sinh thái văn hóa bản địa.  

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc phối hợp triển khai, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022. Phong trào chống rác thải nhựa qua cách làm sáng tạo của các cấp Hội Phụ nữ đã góp phần vào chiến dịch này một cách hiệu quả, phù hợp.

 

MINH CHÂU 

 

Có thể bạn quan tâm

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.
Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

(GLO)- Trường ca Xing Chơ Niếp của dân tộc Ê Đê được sưu tầm ở vùng Krông Pa (cũng có người cho rằng đây là trường ca của người Bahnar Chăm ở Krông Pa) từ những năm 80 của thế kỷ trước, cùng thời với H’mon Đăm Noi của người Bahnar được sưu tầm ở vùng Kông Chro ngày nay.
Thương lắm, nhà Rông…

Thương lắm, nhà Rông…

Đó là một trong những ngôi nhà Rông cổ và đẹp nhất nhì xứ này còn giữ lại hầu như nguyên vẹn ét xưa cũ trên cao nguyên. Nhưng ngọn lửa đã đốt trụi những gì tinh túy nhất của làng. Ngọn lửa bốc lên cháy rực bỏng rát trong tim của mỗi người làng một nỗi đau nhưng nhức.
Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Nói đến Vu Lan chính là nói đến tinh thần báo hiếu báo ân, tinh thần cứu độ của đạo Phật. Nhưng báo hiếu, tri ân theo tinh thần Phật pháp không phải là sa đà cầu cúng, đốt vàng mã theo kiểu “trần sao âm vậy” như tục lệ dân gian.
Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

(GLO)- Hiện nay, cộng đồng người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn giữ được nhiều nghi lễ độc đáo. Trong đó, lễ cúng kết nghĩa buôn làng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.