Tu bổ, tôn tạo di tích lăng mộ ông nội Hoàng đế Quang Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 6.2, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Lăng mộ hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt (thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, H.Tây Sơn, Bình Định) do Sở VH-TT làm chủ đầu tư.

Theo đó, dự án được thực hiện trên khu đất rộng 2.353 m2 (trong đó đất hiện trạng di tích 898,5 m2), dự kiến tổng mức đầu tư hơn 6,3 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2025 - 2026. Dự án gồm nhiều hạng mục, trong đó mộ hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt giữ lại như cũ, chuyển bia mộ từ Bảo tàng Quang Trung (TT.Phú Phong, H.Tây Sơn) sang đặt ở vị trí cũ. Dự án sẽ xây dựng mới 4 trụ biểu lối vào mộ, hoàn thiện hoa văn họa tiết truyền thống cho 4 mặt trụ biểu (long, lân, quy, phụng; tùng, trúc, cúc, mai), xây mới nhà bia, lư hương và ban thờ được làm bằng đá xanh…

Lăng mộ hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt tại thôn Phú Lạc(xã Bình Thành, H.Tây Sơn, Bình Định). ẢNH: NGUYỄN VĂN NGỌC
Lăng mộ hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt tại thôn Phú Lạc(xã Bình Thành, H.Tây Sơn, Bình Định). ẢNH: NGUYỄN VĂN NGỌC

Theo tài liệu của Bảo tàng Quang Trung, năm 1990, trong quá trình cải tạo đồng ruộng, người dân phát hiện tấm bia bị chôn vùi dưới đất, cách ngôi mộ cổ tại thôn Phú Lạc chừng 6 m về phía bắc. Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp Bảo tàng Quang Trung tiến hành khai quật, nghiên cứu gốc tích tấm bia và đưa về trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung.

Bia mộ nói trên được khắc trên tảng đá nặng khoảng 200 - 250 kg, cao 125 cm, rộng 69 cm, dày 13 cm. Chân bia có mộng cắm vào đế đá bia của lăng mộ. Mặt bia khắc chìm 3 dòng chữ Hán. Dòng chữ lớn ở giữa "Việt cố hoàng hiển tổ khảo cương nghị mưu lược minh triết công chi lăng" được dịch nghĩa: Lăng mộ ông nội đã qua đời của nhà vua nước Việt, ông là một vị minh triết, cương nghị, mưu lược. Trong đó, các chữ "Việt cố hoàng hiển tổ khảo" có dấu vết bị đục xóa. Dòng chữ bên trái "Tuế thứ Kỷ Hợi trọng xuân cốc nhật", được dịch nghĩa: Ngày lành tháng hai năm Kỷ Hợi. Dòng chữ bên phải "Ngự chế" nghĩa là: Nhà vua tạo lập.

Ngôi mộ cổ nằm theo hướng bắc - nam, chất liệu vôi, dài 1,6 m, có thành nội, thành ngoại với khoảng cách 60 cm và cách mộ chừng 4 - 5 m có dấu vết thành thứ 3. Vị trí ngôi mộ cách di tích Gò Lăng (khu vườn cũ của vợ chồng ông Hồ Phi Phúc, thân sinh của Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) khoảng 200 m về hướng đông nam.

Từ bia mộ cùng với khảo chứng về gia hệ và các sự kiện lịch sử nhà Tây Sơn, các nhà nghiên cứu xác định đây là mộ ông nội anh em nhà Tây Sơn, tức ông Hồ Phi Tiễn. Sau khi lên ngôi, tháng 2.1779 (năm Kỷ Hợi), Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc của nhà Tây Sơn đã tu tảo phần mộ tổ tiên tại quê hương Phú Lạc, xây dựng lăng mộ ông nội (hiển tổ khảo). Sau khi nhà Tây Sơn mất, nhiều di tích của gia đình Tây Sơn tam kiệt bị san bằng. Bia mộ ông nội của Tây Sơn tam kiệt bị đục khoét một số chữ chính và được tháo gỡ đem chôn phía trước lăng mộ với mục đích che mắt chính quyền nhà Nguyễn.

Lăng mộ hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt được UBND tỉnh Bình Định công nhận di tích cấp tỉnh năm 2012.

Theo Hoàng Trọng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.

Giữ lửa văn hóa Cơ Tu

Giữ lửa văn hóa Cơ Tu

Cơm rừng, rượu trời, nói lý hay múa tung tung da dá,...là nét đặc sắc trong văn hóa người đồng bào Cơ Tu, đã và đang được TP Đà Nẵng cố gắng bảo tồn.

Từ trái sang: 4 chị em người Bahnar Đinh Thị Hiền, Đinh Thị Hồng, Đinh Thị Hà, Đinh Thị Hương. Ảnh: M.C

Bốn chị em người Bahnar tâm huyết với văn hóa truyền thống

(GLO)- Cả 4 chị em gái trong một gia đình người Bahnar ở làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đều là thành viên nòng cốt của đội cồng chiêng nữ và câu lạc bộ dệt thổ cẩm của làng. Họ vừa là hạt nhân, vừa là chất xúc tác giúp cộng đồng giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa.

Tác giả bên khối đá có nguồn gốc từ phế tích Chăm An Phú tại nhà thờ Phú Thọ. Ảnh: X.H

Phế tích Chăm ở An Phú: Bí ẩn vẫn còn nằm trong lòng đất

(GLO)- Phế tích Chăm ở xã An Phú (TP. Pleiku) được Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh khai quật khảo cổ học vào năm 2023 và năm 2024. Kết quả khai quật đã phác thảo diện mạo của một đền tháp Chăm cổ, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn chờ được khám phá.

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.