Trước những cuộc đi xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
1. Chị bạn tôi vừa mất con gái. Cô gái trẻ tuổi ba mươi tròn, đang bước vào tuổi chín chắn của cuộc đời, chọn cho mình một thế giới khác sau thời gian trầm cảm kéo dài.

Chị kể, nghĩ lại mới thấy con bé là người rất tinh tế. Con chủ động tới mức đã chuẩn bị sẵn từ những cách ứng xử, những việc làm để mẹ ở lại không quá đau lòng khi mình ra đi. Cách đây hơn một năm, con từ miền Bắc trở về nhà cùng gia đình, con chủ động xúi mẹ học vẽ, trở thành người thầy đặc biệt dạy vẽ cho mẹ. Đối thoại của hai mẹ con nhiều khi là qua những đường nét, sắc màu, bằng sự vô ngôn. Và chị nhận thấy sự kỳ diệu, ấm áp lạ thay có trong sự vô ngôn ấy.

Có những chuyện trong cuộc đời dường như là sự sắp xếp trước. Khi chị đi sinh con, ôm hình hài con trên tay, chênh chếch phía trước mặt là ngôi sao Hôm. Kỳ lạ thay, khi chị ôm con trước bụng mình để mang con lên chùa, tiễn con một chặng đường cuối, vẫn là ngôi sao Hôm lung linh sáng trước mắt mình. Những ngày còn sống, đôi khi con tỏ ra khó chịu với mọi người dù con vốn là cô bé trong sáng, hiền ngoan, có lẽ vì con không muốn khi mình đi, sẽ để lại nhiều luyến tiếc. Hết thảy những điều con đã chuẩn bị ấy, cho một cuộc đi xa mà chị không hay biết. Chính lúc này, khi con ra đi, những kỷ niệm ấy cho chị cảm giác vẫn kết nối với con, neo giữ chị thăng bằng hơn mà không bị sụp ngã. Chị giấu chặt nỗi đau trong lòng mình để con gái an nhiên bước về cõi khác như tâm nguyện của con.

2. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm về mẹ, vào khoảnh khắc mẹ tôi trong một lần suýt chết, chỉ vài tuần trước khi mẹ ra đi mãi mãi. Mẹ bị u đường mật. Đặc trưng của căn bệnh này là đôi khi bất ngờ bệnh nhân sẽ bị hành hạ bởi một cơn rét mật. Nghĩa là cơn rét không phải do thời tiết, cũng không phải do đổ mồ hôi lạnh mà từ mật ra. Đắp chục cái chăn bông, đốt luôn lò sưởi vẫn chẳng thể hết rét. Cơn rét ấy có thể khiến bệnh nhân cách đó vài phút còn tươi cười, bỗng uể oải, nhận ra mình nhanh chóng xìu đi như quả bóng hết hơi và run lên từng cơn lật bật. Run đến mức không còn chút sức lực nào vẫn cứ rung cả giường. Và người bệnh hoàn toàn có thể kiệt sức chết trong một cơn rét mật.

Trong một lần sức tàn lực kiệt dần vì một cơn rét mật như thế, mẹ bám tay vào tay tôi, giọng thều thào: “Nói với bố, mẹ chết khỏe lắm”. Lúc ấy bố đang đi làm. Tôi vừa đau lòng vừa thấy thật phi lý. Làm gì có cái chết nào gọi là chết khỏe?

Nhiều năm về trước, lâu lâu tôi lặp lại câu hỏi với mẹ: “Hồi mẹ và bố lấy nhau không có yêu nhau à?”. Mẹ ừ, thời ấy nam nữ gặp nhau, quý mến nhau tính chất phác thật thà, lại là đồng hương đi làm xa nhà nên thấy hợp nhau là cưới. Vậy thôi, không yêu đương, không hẹn hò… Những khái niệm ấy xa lạ với những cô gái chàng trai lớn lên từ bùn đất thôn quê như bố mẹ.

Lần bố tôi đi xuất khẩu lao động về, bị lừa trắng tay, ôm cục hận to đùng về với vợ con, bố đá thúng đụng nia, dễ nổi giận đùng đùng với bất cứ điều lớn nhỏ gì khi trái ý. Bố uống rượu say bí tỉ, đốt thuốc lá khói mù mịt phủ khắp nhà từ sáng tới tối. Đó là những ngày căn nhà của mẹ con sau 10 năm vắng bố, từ tổ ấm trở thành tổ lạnh. Tôi cau có nói với mẹ: “Mẹ bỏ bố đi, bố như thế, sao mẹ chịu được?”. Mẹ nói: “Bố sẽ thay đổi. Bản chất, bố là người tốt”. Và quả thực, từng tháng từng năm, mẹ tôi kiên nhẫn thay đổi bố. Nói chính xác là giúp bố tìm lại chính mình của ngày trước, là người thật thà, yêu lao động. Khi tôi đùa mẹ, người ta yêu thì mù quáng, mẹ không yêu sao mẹ có thể chấp nhận bố thời gian đó? Mẹ nói, đó là vì con, vì gia đình mình.

Thực lòng, đã có thời gian dài, tôi không nghĩ giữa những cặp đôi như bố mẹ mình, có điều gì đó gọi là tình yêu. Về sau, tôi nghĩ, tình yêu chồng vợ với những người như mẹ tôi đồng nghĩa với yêu gia đình, vì con cái. Suy nghĩ của tôi thay đổi từ khi mẹ nói - “Nói với bố, mẹ chết khỏe”. Câu nói ấy, vào thời điểm ấy cả mẹ lẫn tôi và những người xung quanh đều nghĩ là những lời cuối cùng mẹ tôi trăn trối. Ở những giây tưởng như cuối cùng, điều mà mẹ muốn nhắn gửi, là đừng để bố phải lo âu, day dứt. Mẹ vẫn nghĩ và thương bố đến tận những giây phút cuối, bởi hiểu, ở tuổi gần bảy mươi, với tính cách nóng nảy, ưa tự do như bố, thật khó để hòa nhập với cuộc sống gia đình con cái, nhưng cũng thật khó để sống một mình với sự luyến nhớ người đồng hành bao năm đã đi xa. Vì thế, mẹ chỉ mong bố giữ suy nghĩ mẹ ra đi nhẹ nhàng để không quá phiền lòng trong những tháng năm đơn côi ở lại.

3. Khi cuộc sống bình thường mới trở lại sau một năm thành phố bị “cơn lũ dữ” Covid-19 quét, tôi vẫn ám ảnh câu chuyện của một chàng trai 8X xăm trên bắp tay mình, phía gần trái tim bên ngực trái tin nhắn của bố: “Bố khỏe, con có ổn không?”. Nước mắt tôi rơi khi nhìn dòng tin ngắn được xăm trên cánh tay cậu trai trẻ ấy. Một hình xăm ấn tượng nhất mà tôi nhìn biết. Cậu ấy nói với bạn bè rằng, xăm tin nhắn của bố ở vị trí ấy để thấy ông vẫn luôn bên mình, để nhắc nhớ dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất bố vẫn muốn mình không âu lo, bi lụy, muốn mình mạnh mẽ.

Bố của cậu ấy trước đó điều trị tích cực trong bệnh viện và mãi mãi không thể trở về như nhiều người dân TPHCM đã mất vì Covid-19 năm đó. Ông gửi tin nhắn cho con vào những ngày cuối cùng đời mình. Tin nhắn ấy là nỗi đau cũng là động lực để người con hiểu trách nhiệm bước tiếp thật mạnh mẽ. Tôi nghĩ chắc chắn cậu ấy cảm thấy điều đó, khi mà những người biết câu chuyện, dù không liên quan như tôi, cũng cảm thấy rõ hơn trách nhiệm cuộc đời mình khi tiếp tục được sống.

Một nhà văn cũng là đồng hương của tôi, anh Nguyễn Quốc Trung vào những ngày trước khi rời cõi đời này vì Covid-19 cũng nhắn cho nhiều người thân quen của mình tin nhắn báo rằng mình khỏe, dặn mọi người phải coi trọng sức khỏe lên hàng đầu. Và cho tới giờ, khi chúng tôi ngồi dự tính về chương trình kỷ niệm 2 năm ngày mất của anh, vẫn nhớ sự lạc quan, ấm áp của nhà văn khoác áo lính ấy.

* * *

Ai rồi cũng đi đến cuối con đường đời mình. Ai cũng có thể chọn thái độ sống, cách sống và cả cách nghĩ về cái chết, thậm chí cách đối diện cái chết. Nhưng tôi nghĩ, trước lúc đi xa, cách mà một người con, người bố, người vợ, người mẹ, hay người bạn chọn để ứng xử với người thân yêu của mình, để lại cho họ một sự an ủi, ấm áp, sẻ chia cuối cùng khi mình rời đi - điều ấy chính là cách để sự sống và cái chết không thể cách xa khi tình yêu thương được tiếp nối.

Có thể bạn quan tâm

Ký ức yêu thương

Ký ức yêu thương

(GLO)- Những ngày trời lạnh như thế này, tôi thường có thói quen co ro trong chăn ấm và để ký ức thức dậy cùng biết bao kỷ niệm thời thơ ấu. Ký ức ngọt ngào, chan chứa yêu thương ấy luôn khiến lòng tôi mềm mại, ấm áp đến lạ kỳ.

Cây sẽ cho lộc

Cây sẽ cho lộc

Không chỉ cây lá mới cho lộc, mà bất cứ công việc gì nếu như mình làm bằng tất cả yêu thương và say mê, chắc chắn sẽ hái quả ngọt

Hoài niệm Tết xưa

Hoài niệm Tết xưa

Không chỉ những người cao tuổi luôn nhớ Tết xưa, mà trẻ thuộc thế hệ Gen Y, Z cũng hoài niệm về Tết với những hương vị, sắc màu, phong tục đậm chất Việt Nam.

Minh họa: Huyền Trang

Gió qua sông…

(GLO)- Tôi ngồi trên một cù lao giữa thênh thênh sông nước miền Tây. Bốn bề ngăn ngắt màu xanh cây trái phủ sẫm cả một vùng. Con sông rộng mênh mông, phải nheo mắt mới nhìn thấy dáng phố xa xa khuất lấp sau những miệt vườn. Gió chênh chao lướt qua mặt sông.

Lên núi trồng cây

Lên núi trồng cây

(GLO)- Tây Nguyên bước vào mùa khô với bầu trời trong vắt, gió lùa qua thảo nguyên và từng đám mây nhẹ trôi. Trên những đỉnh núi của cao nguyên bạt ngàn nắng gió, mùa xuân sắp chạm ngõ với tấm áo mới rạng ngời.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Những ngày cuối năm

(GLO)- Vậy là đoàn tàu thời gian đã đến ga “tháng Chạp”. Có lẽ vì là ga cuối nên cuộc hành trình dường như chậm lại trong biết bao nỗi niềm bâng khuâng của lữ khách.

Thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý

Phố núi tình thân

(GLO)- Pleiku đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Vẻ đẹp hoang sơ và tình cảm của con người nơi đây khiến không ít người tìm đến Pleiku như là một điểm dừng chân thú vị.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Hoài niệm Tết

(GLO)-Tết vừa gợi nên biết bao yêu thương nhưng cũng là nỗi lo của người lớn. Nhưng Tết hiện diện trong suy nghĩ của trẻ con thì khác, nó háo hức, chộn rộn trong tiếng cười, trong tiếng vỗ tay reo vui khi thấy mẹ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và mua bánh kẹo. Và, Tết luôn đầy màu sắc, đầy tiếng cười vui.

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Mùi Tết

(GLO)- Có một ngày, tôi bỗng ngồi nhớ nhung mùi Tết, để rồi tự hỏi mùi của Tết là gì? Phải chăng đó là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục ở góc sân đêm 29 Tết hay là mùi thơm nồng của dưa hành dưa kiệu mới ngấu?

“Mùa đi cùng tháng năm”

“Mùa đi cùng tháng năm”

(GLO)- Rồi thời gian cũng sớm vẫy mùa xuân trở lại. Tôi đoán thế khi đang đứng ở hành lang một dãy phòng học nhìn ra buổi sáng mà mọi vật như còn bỡ ngỡ với “cơn nắng se ngang trời đông”. Như thể ngày hôm qua và cả hôm kia nữa, chưa hề gió lạnh.

Thơ Bùi Việt Phương: Dốc mùa xuân

Thơ Bùi Việt Phương: Dốc mùa xuân

(GLO)- "Dốc mùa xuân" là một bài thơ đượm sắc xuân và tình quê của Bùi Việt Phương. Ở đó, xen lẫn giữa kỷ niệm là những xúc cảm hoài niệm của một người con xa xứ về không khí Tết đầm ấm, yên vui ở quê nhà.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.