Báo Philippine Daily Inquirer dẫn số liệu do Hải quân Philippines công bố hôm nay 3.9 cho thấy tổng cộng có 203 tàu thuộc Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc và Lực lượng Dân quân biển Trung Quốc (CMM) cũng như tàu chiến Trung Quốc được ghi nhận hiện diện ở biển Tây Philippines từ ngày 27.8-2.9. Biển Tây Philippines là thuật ngữ Manila dùng để chỉ vùng biển Biển Đông mà họ cho là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trước đó, dữ liệu cho thấy số lượng tàu Trung Quốc cao nhất ở biển Tây Philippines là 163 trong thời gian từ ngày 20-26.8, theo Philippine Daily Inquirer.
Ảnh được Lực lượng Tuần duyên Philippines công bố ngày 3.12.2023 cho thấy các tàu Trung Quốc tập trung tại đá Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa |
Sự gia tăng tàu Trung Quốc nói trên phần lớn là do sự gia tăng đáng kể trong các đợt triển khai tại bãi Sa Bin, nơi số lượng tàu Trung Quốc tăng từ 53 trong thời gian từ ngày 20-26.8 lên 71 từ ngày 27.8-2.9. Bãi Sa Bin nằm trong cụm Bình Nguyên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Trung Quốc về số liệu do Hải quân Philippines công bố nói trên.
Hôm 31.8, AFP đưa tin phía Trung Quốc và Philippines đổ lỗi cho nhau về việc cố ý đâm các tàu hải cảnh và tuần duyên vào tàu của đối phương gần bãi Sa Bin.
Theo phát ngôn viên Lưu Đức Quân của Hải cảnh Trung Quốc, không lâu sau giữa trưa ngày 31.8 (11 giờ tại Việt Nam), một tàu của Philippines "cố ý va chạm" một tàu Trung Quốc gần bãi Sa Bin. Phát ngôn viên này cáo buộc hành động của tàu Philippines là "không chuyên nghiệp và nguy hiểm".
Trong khi đó, phát ngôn viên Jay Tarriela của Lực lượng Tuần duyên Philippines nói rằng chính tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 5205 "trực tiếp và cố ý đâm vào" BRP Teresa Magbanua, tàu tuần tra dài 97 m của Lực lượng Tuần duyên Philippines.
Theo Văn Khoa (TNO)