Thông qua hình ảnh vệ tinh có được, các nhà nghiên cứu đã xác định hơn 30 điểm mà các tên lửa Iran dường như đã tác động đến căn cứ không quân Nevatim ở miền Nam Israel trong vụ tấn công hôm 1-10.
Hình ảnh được Công ty Planet Labs (Mỹ) chụp một ngày sau vụ tấn công cho thấy nhà chứa máy bay, các tòa nhà, đường lăn tại căn cứ này đã bị hư hại. Ngoài ra, một hố lớn xuất hiện trên một trong các đường băng tại căn cứ này.
Trước đó, các đoạn video đăng trên mạng xã hội cho thấy căn cứ này là mục tiêu của nhiều tên lửa Iran trong vụ tấn công nói trên.
Israel và Mỹ đã giảm nhẹ tác động của cuộc tấn công trên khi cho biết phần lớn trong số 180 tên lửa đạn đạo đã bị đánh chặn. Riêng quân đội Israel cho biết không có máy bay nào tại Căn cứ không quân Nevatim bị phá hủy trong cuộc tấn công và căn cứ này vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Dù vậy, ông Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey (Mỹ) và là người đứng đầu cuộc phân tích, cho biết nghiên cứu của ông cho thấy một bức tranh phức tạp hơn. "Chúng tôi thấy hơn 30 hố và các tòa nhà bị hư hại. Điều này cho thấy hơn 30 tên lửa đã đánh trúng căn cứ."
"Chúng tôi thấy hơn 30 miệng hố và tòa nhà bị hư hại, qua đó cho thấy hơn 30 tên lửa đã đánh trúng căn cứ" - ông Lewis nói với trang tin NPR.
Tên lửa Iran cũng tấn công Căn cứ Không quân Tel Nof ở miền Trung Israel. Ngoài ra, một số lượng nhỏ tên lửa đã rơi gần trụ sở của Cơ quan tình báo Israel.
Dựa trên các tính toán sơ bộ về những gì đã xảy ra tại Nevatim, ông Lewis tin rằng một số lượng đáng kể tên lửa của Iran có thể đã bắn trúng mục tiêu.
"Nếu Nevatim là trường hợp đại diện, điều đó cho thấy hơn một nửa tên lửa đã xuyên qua được" - chuyên gia này nhận định.
Có một số lý do khiến nhiều tên lửa Iran có thể đã xuyên thủng hệ thống phòng không của Israel. Ông Lewis chỉ ra rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt của Israel chỉ có thể đánh chặn loại tên lửa tầm ngắn, bay thấp. Đây là loại tên lửa được lực lượng Hezbollah ở Lebanon và nhóm vũ trang Hamas tại Dải Gaza sử dụng.
Để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran, Israel cần dùng đến hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh mẽ và tốn kém hơn, gọi là Arrow 2 và Arrow 3.
Theo ông Lewis, hệ thống Arrow có thể đã không hoạt động như mong đợi. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng khả năng cao hơn là Israel quyết định không bảo vệ căn cứ Nevatim và để dành tên lửa đánh chặn cho việc bảo vệ các thành phố đông dân, như Tel Aviv.
"Có thể Israel không có nhiều tên lửa Arrow 2 và Arrow 3. Nếu điều này đúng thì người Iran đã thành công trong việc làm quá tải hệ thống và người Israel đã phải đưa ra lựa chọn" - ông Lewis giải thích.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng thiệt hại do hơn 30 tên lửa Iran gây ra đối với căn cứ Nevatim là hạn chế ngay cả khi Tehran sử dụng loại tên lửa Fattah tiên tiến nhất.
Theo Hoàng Phương (NLĐO)