Triển vọng phát triển vùng dược liệu chất lượng cao tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai được đánh giá là vùng đất “vàng” để phát triển những cây dược liệu có giá trị cao. Đây cũng là một trong những vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo tỉnh lưu tâm phát triển trong chuyến công tác tại Gia Lai vừa qua. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với Giáo sư-Tiến sĩ (GS-TS) NGUYỄN MINH ĐỨC-Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

- P.V: Giáo sư đánh giá thế nào về khả năng phát triển cây dược liệu ở Gia Lai?

GS-TS NGUYỄN MINH ĐỨC: Gia Lai có điều kiện địa lý, khí hậu và đất đai thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt các loại cây dược liệu. Với độ cao trung bình 700-800 mét so với mực nước biển, cộng với khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên và lượng mưa dồi dào giúp Gia Lai có diện tích rừng phát triển chiếm gần 50% diện tích toàn tỉnh, kèm theo sự đa dạng về thực vật và động vật. Nhiều cây dược liệu có thể trồng và phát triển tốt ở Gia Lai như đinh lăng, ngũ gia bì, chân chim, bách bệnh, bạc hà, hương nhu, hoa hòe, đương quy, bạch chỉ… Những vùng có độ cao trên 1.400 mét có thể nghiên cứu trồng sâm Ngọc Linh.

 

Gia Lai có đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển cây dược liệu (ảnh minh họa).
Gia Lai có đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển cây dược liệu (ảnh minh họa).

- P.V: Xin GS cho biết những dự đoán về mức độ thành công nếu Gia Lai đầu tư nhà máy sản xuất nguồn dược liệu sạch, chất lượng cao?

GS-TS NGUYỄN MINH ĐỨC: Hiện nay, khuynh hướng sử dụng thuốc từ nguồn gốc thiên nhiên ngày càng gia tăng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì vậy, nhu cầu nguyên liệu từ nguồn dược liệu trồng trọt theo thực hành-trồng trọt-thu hoạch tốt (GACP-Good Agricultural-Collection Practices) hoặc trồng trọt hữu cơ (Organic) ngày càng cao. Bên cạnh lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng cho việc phát triển trồng trọt dược liệu, Gia Lai còn có thuận lợi là có những nông trường cao su, cà phê lớn, có thể tận dụng diện tích để xen canh, luân canh, quản lý chất lượng tập trung để tạo ra những vùng nguyên liệu bền vững có chất lượng cao. Để tạo đầu ra cho các vùng nguyên liệu và mang lại giá trị gia tăng cho cây dược liệu, Gia Lai nên nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu thu hoạch từ nguồn dược liệu sạch để cung cấp cho các nhà máy sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Gia Lai có thể nghiên cứu sản xuất những sản phẩm độc đáo, có chất lượng cao từ các dược liệu thế mạnh của tỉnh để xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu của Gia Lai. Nếu phát triển được vùng nguyên liệu sản xuất dược liệu sạch quy mô lớn, chọn đúng dược liệu thế mạnh và phát triển tốt các sản phẩm, tôi cho rằng khả năng thành công của nhà máy chiết xuất dược liệu ở Gia Lai rất cao.

- P.V: Đến nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cụ thể là Khoa Dược đã có kế hoạch hỗ trợ Gia Lai trong trồng trọt và giải quyết đầu ra cho nguồn dược liệu như thế nào, thưa GS?

GS-TS NGUYỄN MINH ĐỨC: Trong khuôn khổ chương trình hợp tác toàn diện giữa tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Khoa Dược chúng tôi với thế mạnh về đội ngũ GS, giảng viên, nghiên cứu sinh cùng tiềm lực khoa học và công nghệ có thể phối hợp, hỗ trợ Gia Lai trong việc xây dựng các vùng trồng dược liệu, chọn dược liệu có giá trị và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh để phát triển trồng trọt.

Chúng tôi có thể giúp Gia Lai xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu đạt trình độ thực hành sản xuất tốt (GMP-Good Manufacturing Practices) với quy mô phù hợp để tạo đầu ra cho nguồn dược liệu được trồng trọt tại đây. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ tìm kiếm thị trường cần cung cấp các cao chiết xuất có chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế. Nhà trường cũng sẽ phối hợp với địa phương nghiên cứu tạo ra những sản phẩm từ dược liệu độc đáo, có hàm lượng hoạt chất cao, tiến tới xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu của Gia Lai.

- Xin cảm ơn GS!

Nguyễn Giang (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.