Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - Bài 17: Khẩn trương, khẩn trương hơn nữa…

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giữa nắng nóng oi bức của tiết trời tháng 6, kéo thêm gió phơn Tây Nam thổi từng hồi bỏng rát khiến khu vực Rú Đụn trở thành “hỏa diệm sơn”. Thời tiết khắc nghiệt nhưng những công nhân ngành điện vẫn cần mẫn, hối hả với đợt cao điểm thi công nước rút để sớm đưa dự án về đích.
Công nhân căng mình giữa nắng nóng lắp đặt từng cấu kiện cột 329. Ảnh: Cảnh Huệ

Công nhân căng mình giữa nắng nóng lắp đặt từng cấu kiện cột 329. Ảnh: Cảnh Huệ

Khi người dân đồng thuận

Có mặt tại Rú Đụn lúc mặt trời còn đứng bóng, từ dưới chân núi nhìn lên dốc cao thẳng đứng khiến bất cứ ai cũng chùn chân khi muốn leo lên công trình cột 329 thuộc gói thầu 35 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu. Chị Lê Thị Lan - Ủy viên BTV huyện Đoàn Nam Đàn (Nghệ An) nghĩ tôi ngần ngại nên đùa vui: “Anh cứ leo lên chỗ công trường, không mệt đâu, chỉ ngồi thở dốc khoảng nửa tiếng thôi”… Tôi cùng chị Lan, anh Huỳnh Quốc Thái (Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung) lên công trường. Nhìn dốc cao, đá sỏi lởm chởm, bụi bay mù mịt tôi càng thêm cảm phục những công nhân hàng ngày, hàng tháng đã “chinh chiến” trên vùng núi này.

Để quên đi mệt nhọc, tôi hỏi chuyện anh Thái và anh cho biết, anh được cơ quan tăng cường từ Đà Nẵng ra Nghệ An vào tháng 2/2024 với nhiệm vụ phụ trách giải phóng mặt bằng hành lang tuyến tại huyện Nam Đàn. Đến nay, đã gần 5 tháng nhưng anh mới một lần về thăm nhà. “Mỗi vị trí có một khó khăn riêng, nhiệm vụ của chúng tôi là phối hợp với chính quyền sở tại, giải phóng mặt bằng để công trình không bị gián đoạn. Thật may mắn khi tôi đảm nhận khu vực mà toàn bộ hộ dân đều đồng thuận cao. Chỉ cần chúng tôi đến phân tích tầm quan trọng của đường điện 500kV mạch 3 là người dân vui vẻ đặt bút ký tên. Bát nước chè xanh, củ khoai củ sắn người dân đon đả mời khiến tôi thêm yêu mảnh đất yên bình này”, anh Huỳnh Quốc Thái cho biết.

Thực hiện thi công đại công trình đường dây 500kV mạch 3, công nhân ngành điện đã miệt mài làm việc từ những ngày đông lạnh giá đến ngày hè nắng nóng khốc liệt. Dẫu khắc nghiệt về thời tiết nhưng họ, bằng trách nhiệm, niềm yêu nghề vẫn miệt mài lao động, dựng nên công trình kỳ vĩ kết nối nguồn điện mang ánh sáng đến khắp mọi miền Tổ quốc.

Sau khi Ban giải phóng mặt bằng thỏa thuận, ký kết với người dân thì khoảng 15 - 20 ngày là các hộ dân sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Và chính lúc ấy, tinh thần xung kích của tuổi trẻ Nghệ An đã phát huy điểm mạnh của mình. Huyện Đoàn Nam Đàn cùng đoàn viên, thanh niên ở các xã đã tiếp tục đến vận động người dân sẵn sàng giúp họ dỡ bỏ tài sản, chặt cây khỏi khu vực ảnh hưởng của đường điện. “Chị Nguyễn Thị Đường ở xóm Hợp Tân, (xã Thượng Tân Lộc) phải dỡ một nhà ở và công trình phụ thuộc hành lang tuyến từ VT 322 - 323. Biết được gia đình chị có hoàn cảnh khó khăn, chồng bị khuyết tật phải ngồi xe lăn, con còn tuổi ăn học. Đoàn viên thanh niên đã đến thăm và chia sẻ, vận động gia đình. Chỉ trong 5 ngày, màu áo xanh tình nguyện đã phụ giúp gia đình chị Đường giải phóng mặt bằng. Vợ chồng cụ Lưu Quốc Hoa tuổi đã cao, việc giải phóng trên 500 cây tràm sẽ chậm trễ, nên đoàn viên thanh niên đã đến hỗ trợ. Cứ thế, áo xanh vẫn len lỏi từng xóm thôn, núi đồi góp sức nhỏ cho dự án được nhanh hơn”, chị Lê Thị Lan cho hay.

Trụ cột điện ở địa hình hiểm trở, máy móc không thể vào, công nhân phải làm việc thủ công

Trụ cột điện ở địa hình hiểm trở, máy móc không thể vào, công nhân phải làm việc thủ công

Hối hả công trường

Hơn 20 phút mỏi mệt vượt dốc cao lên đỉnh Rú Đụn, nhìn hàng chục công nhân đang cặm cụi, chăm chú công việc giữa trời đổ lửa khiến chúng tôi quên đi mệt mỏi. Vị trí 329 là cột néo vượt sông Lam và có khối lượng lớn nhất với hơn 420 tấn sắt thép của gói thầu 35 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu. Nằm trên đỉnh núi nên việc thi công càng trở nên khó khăn hơn khi vận chuyển vật liệu, di chuyển máy móc bị hạn chế. Đặc biệt, Nghệ An những ngày này gió phơn Tây Nam hầm hập nóng. Trên đỉnh đồi, chúng tôi có thể cảm nhận được sự khốc liệt thiêu đốt của thời tiết. Nhìn lên cột điện đang được công nhân lắp ghép cao dần, mắt chạm ánh mặt trời khiến ai nấy đều cảm phục.

Sự hỗ trợ của đoàn viên, thanh niên tình nguyện giúp cho công tác giải phóng mặt bằng càng thuận lợi. Trên công trường đại dự án 500kV mạch 3, với khối lượng công việc đồ sộ, nhưng có sự đồng lòng của chính quyền, người dân và quyết tâm của những người thợ điện lành nghề, không lâu nữa, công trình sẽ sớm cán đích.

Gặp anh Vũ Duy Đôn - Cán bộ kỹ thuật, Công ty cổ phần đầu tư xây lắp điện Hải Phòng tại công trường. Anh Đôn cho hay, cột 329 có 20 công nhân đang chạy đua với thời gian, đối chọi thời tiết nắng nóng, tăng tốc đẩy nhanh tiến độ. Hằng ngày, nhóm công nhân bắt đầu làm việc từ 6 giờ đến 11giờ, buổi chiều từ 14 giờ đến khi trời tối. Vì khối lượng công việc lớn nên công ty phải huy động thêm công nhân của địa phương và các công ty vệ tinh khác. Dự án đường dây 500kV mạch 3, Công ty cổ phần đầu tư xây lắp điện Hải Phòng phụ trách thi công 10 vị trí cột, (năm vị trí cột kép, năm vị trí cột đơn), trong đó, bảy vị trí đã hoàn thành, ba vị trí còn lại thi công hơn 50%, dự kiến sẽ đúng tiến độ đề ra. Ngày 27/6, công ty cho kéo dây từ cột 323 đến cột 326. Để đạt được điều này, ngay từ đầu, những người thợ điện đã xác định tầm quan trọng của dự án thế nên một lực lượng công nhân tinh nhuệ được điều động vào Nghệ An làm việc từ trước Tết Nguyên đán và triển khai thực hiện xây lắp đặt xuyên Tết. Ngoài vấn đề thời tiết, theo anh Vũ Duy Đôn, việc chậm cung cấp vật liệu là một nguyên nhân khiến tiến độ thi công của nhà thầu “chưa được như mong đợi”.

Cột 329 đang dần hoàn thiện trong giai đoạn nước rút. Ảnh: Cảnh Huệ

Cột 329 đang dần hoàn thiện trong giai đoạn nước rút. Ảnh: Cảnh Huệ

“Hơn 22 năm trong nghề điện, tôi đã đi khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, được thi công những công trình điện lớn như đấu nối 500kV Nghi Sơn, 500kV Phong Vĩnh Tân. Ngay khi thực hiện xong đường điện 220kV đấu nối nhiệt điện Vân Phong thì anh, em lại tề tựu về đây thực hiện công trình này. Đúng tính chất của đại công trường, địa hình thi công đường điện 500kV mạch 3 rơi vào địa hình đồi núi hiểm trở khó khăn nhất. Bình thường mỗi cột thi công khoảng 10 ngày thì có cột thi công khoảng 30 ngày mới xong”, anh Vũ Duy Đôn chia sẻ.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.