Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 13: Một ngày ở trụ điện nguy hiểm nhất đường dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trụ điện số 9 này có thể nói là nguy hiểm nhất, khó nhằn nhất đường dây 500kV mạch 3.

Nó nằm giữa hai đường điện 220kV và 500kV, bị nhiễm từ ngay khi dựng thanh thép đầu tiên; còn gió ở đây thì quật liên hồi như bão, không cẩn thận là mất mạng như chơi - Anh Nguyễn Phú Hoà, công nhân thi công trụ số 9 nằm trên đỉnh Đèo Ngang, tâm sự.

Hiểm nguy rình rập tứ bề

Mặc dù có hẹn trước, nhưng khi ra đến cuối Quảng Bình, trời vừa rạng sáng, điện thoại nhờ người dẫn đường đến một số trụ điện đang thi công thì được phía Ban quản lí Dự án… trả lời: “Anh thông cảm, anh em đã ra công trường từ sớm, giờ này không còn ai trực ở nhà. Anh muốn đến trụ điện thi công khó nhất thì chịu khó lên đỉnh Đèo Ngang, trụ số 9 nhé, anh em đang làm trên đó”.

Từ dưới chân Đèo Ngang nhìn lên, lẫn giữa màu xanh của nền trời, của cây rừng, lấp loáng ánh bạc của những thanh thép đang dần nhô lên dưới ánh mặt trời ban sớm. Đường đến trụ số 9 không khó, hóa ra nó nằm cạnh Di tích lịch sử văn hóa Hoành Sơn Quan, xe cẩu và xe chở vật liệu vào được đến chân công trình.

Gió giật liên hồi khiến việc thi công trụ điện số 9 rất khó khăn, vượt qua cả giới hạn cho phép

Gió giật liên hồi khiến việc thi công trụ điện số 9 rất khó khăn, vượt qua cả giới hạn cho phép

“Sao lại là trụ điện nguy hiểm nhất?” - Nguyễn Phú Hoà (quê Quảng Bình) đang kiểm tra những con ốc cuối cùng trong mảng ghép trước khi cẩu lên để lắp ghép nhanh nhảu trả lời câu hỏi của tôi: “Anh không nhìn thấy hai đường dây điện kẹp hai bên đấy à? Bên này là đường dây 500kV, bên kia là đường dây 220kV, nguy hiểm lắm, nhiễm từ ngay khi dựng thanh thép đầu tiên.

Bọn em phải khắc phục bằng cách dùng tiếp địa di động để triệt tiêu luồng điện phóng ra từ hai đường dây này. Mặc dù khắc phục được điện giật, nhưng không thể khắc phục được bị nhiễm từ vào người. Làm ở trụ điện này, toàn anh em trẻ cả đó, nhưng đêm về trong người mệt mỏi rã rời” - anh Hoà cho biết.

Theo hướng chỉ tay của anh Hoà, đúng là trụ điện số 9 bị kẹp ở giữa 2 đường dây đang vận hành truyền tải điện, nhưng chỉ cách nhau mươi lăm mét. Anh Hoà cho biết, trụ số 9 cao 86m, nhưng nặng gần 260 tấn vì là trụ kép. Có nghĩa, những trụ bình thường chỉ ghép nối bằng những thanh thép đơn, nhưng riêng trụ điện này phải ghép bằng những thanh thép kẹp đôi, nên gọi là trụ kép.

“Cái khó của lắp ghép trụ kép là trọng lượng nặng gấp đôi, đặc biệt đòi hỏi các thanh thép định hình phải chuẩn đến từng milimet, chỉ cần lệch một vài li là mất cả ngày để khắc phục, hoặc chờ cả tuần để thay thế mới” - anh Hoà chia sẻ.

Có thể nói, nắng và gió Lào là đặc sản của vùng Đèo Ngang, và oái oăm thay, trụ điện số 9 này lại nằm ngay luồng gió. Gió ở đây giật liên hồi, ràn rạt cuốn bụi bay mù mịt.

“Tôi thi công nhiều trụ điện siêu cao áp khắp cả nước và cả trụ điện gió cao chót vót nhưng chưa gặp gió nơi nào khó chịu như ở đây. Gió không chỉ to mà còn xoáy và giật liên hồi, không cẩn thận là bị gió cuốn văng ra khỏi trụ điện.

Thông thường, thi công ở độ cao như này, gió vượt quá 10m/giây là dừng thi công, nhưng ở đây gió thường xuyên vượt 20m/giây. Cẩu các thanh thép lên để lắp ráp, nhiều khi gió cuốn xoay như chong chóng, không cẩn thận là va vào người, gây tai nạn” - anh Hoà cho biết thêm.

Nhiều thử thách phải vượt qua

Chỉ khoảng hơn 8 giờ sáng nhưng cái nóng bắt đầu ran người. Không một gợn mây, ánh mặt trời chói chang xuyên thẳng vào người, báo hiệu lại một ngày nóng gay gắt tiếp theo.

Đảm nhiệm thi công trụ điện số 9 này là Công ty Xây lắp điện 4. Anh Nguyễn Hải Quân, người quản lí thi công trụ số 9 cho biết, chính thức đi vào thi công hơn chục ngày nay nhưng ở đây chưa một ngày nào ngưng gió, ngưng nắng. Để đảm bảo sức khỏe cho anh em, anh Quân đã linh hoạt trong bố trí nhân lực và giờ làm việc.

Mặc dù nguy hiểm, vất vả nhưng những công nhân ở đây vẫn luôn tươi cười, lạc quan về tiến độ của trụ số 9

Mặc dù nguy hiểm, vất vả nhưng những công nhân ở đây vẫn luôn tươi cười, lạc quan về tiến độ của trụ số 9

“Gió thì không tránh được nhưng để tránh nắng thì tôi đốc thúc anh em ra công trường rất sớm. Thường ngày từ 4 giờ sáng dậy ăn, khi ra đến công trường cũng là lúc trời còn tờ mờ. Bắt tay vào công việc ngay, làm cật lực cho đến khoảng 10 giờ thì cho anh em nghỉ để tránh nắng. Ca làm buổi chiều bắt đầu từ 14 giờ cho đến tối mịt.

Tranh thủ cơm nước xong là anh em lại ra công trường làm những công việc phù hợp. Trời tối không thể trèo lên cao thì tôi bố trí anh em lắp ghép định hình dưới đất, xiết ốc vít, khắc phục lỗi của các thanh định hình trong quá trình sản xuất hoặc vận chuyển, để sáng ra chỉ việc cẩu lên để lắp ghép trên cao” - anh Quân nói.

Như hôm nay, anh Quân quyết định cho 1/3 anh em công nhân nghỉ để dưỡng sức vì thay cần cẩu. Không đủ cẩu lớn để phục vụ thi công cùng lúc hàng trăm cột điện và nhằm tiết kiệm chi phí, bình quân để hoàn thành một trụ điện tối thiểu thay cẩu 2 lần tuỳ vào độ cao của trụ điện đó.

“Mỗi lần thay cẩu cũng rất mất thời gian. Như cần cẩu thay lần này là 130 tấn, cao 88m, thao tác lắp ghép cần phụ cũng mất cả buổi, nên tôi cho một số anh em nghỉ dưỡng sức để còn chiến đấu dài ngày” - anh Quân tâm sự.

Ở trụ số 9 này, ngoài khó khăn, nguy hiểm từ nắng, gió, nhiễm từ thì anh em thi công trụ số 9 còn có rất nhiều thử thách khác phải vượt qua. Do chạy đua với tiến độ nên bộ phận vận chuyển linh kiện từ nhà máy về công trường có một số không đồng bộ.

Trụ đơn còn đỡ, chứ trụ kép đòi hỏi chính xác từng li. Những lúc gặp phải trường hợp như thế, anh em công nhân ở đây mất rất nhiều công sức để khắc phục, hoặc phải chờ đổi nên rất mất thời gian. Nhiều khi chỉ một thanh thép nhưng chờ mất cả tuần mới đổi được.

Anh Quân cho biết: Để hoàn thành lắp ghép trụ điện số 9 chắc chắn phải cắt điện để đảm bảo an toàn, hiện nay đang đề xuất phương án. “Biết cắt điện trong thời điểm hiện nay là rất ảnh hưởng nhưng không thể không cắt. Vì càng lên cao, nhiễm từ càng mạnh. Rồi đường dây của đường dây 500kV mạch 3 tại trụ điện số 9 này vượt trên đường dây 500kV hiện có, nếu không cắt điện thì không thể kéo dây” - anh Quân cho biết.

Trụ điện số 9 bị kẹp giữa 2 đường dây 500kV và 220kV khiến việc thi công thêm bội phần khó khăn và nguy hiểm

Trụ điện số 9 bị kẹp giữa 2 đường dây 500kV và 220kV khiến việc thi công thêm bội phần khó khăn và nguy hiểm

Ông Nguyễn Đình Thọ, Phó giám đốc Ban Quản lí dự án (BQLDA) các công trình điện miền Trung chia sẻ thêm: Ông được giao phụ trách thi công đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đi Quỳnh Lưu (Nghệ An), với chiều dài 225km. Có thể nói đây là đoạn đường dây khó thi công nhất trong toàn tuyến vì địa hình đồi núi phức tạp.

Đặc biệt là mấy chục cột đoạn qua Đèo Ngang, qua rừng đặc dụng Kẻ Gỗ và vượt hồ Kẻ Gỗ. Nhưng với tinh thần “vượt nắng thắng mưa” để kịp đóng điện vào 30/6, toàn lãnh đạo BQLDA và anh em công nhân đang gắng sức bằng hai, bằng ba để không phụ tâm huyết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sự mong mỏi của nhân dân.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.