Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - Bài 15: Áo xanh 'dân vận khéo'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ trên công trường mới thấy được công nhân “vượt nắng, thắng mưa” cho dự án đường dây 500kV.

Mà ở các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh còn có hình ảnh màu áo xanh tình nguyện luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân giải tỏa vật cản, đảm bảo việc thi công đường dây siêu cao áp như mục tiêu đề ra.

Lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ giải phóng hành lang

Lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ giải phóng hành lang

Đồng thuận

Giữa cái nắng chang chang của buổi trưa hè, anh Phan Văn Trí - Bí thư Đoàn xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) một mình cưỡi chiếc xe máy đã ngả màu, đi về các ngõ xóm - nơi có những căn nhà nằm trong hành lang lưới điện 500kV đang xây dựng. Nhiều tháng qua, cuộc vận động tháo dỡ, di dời vật cản cho đường dây siêu cao áp được nam Bí thư Đoàn xã cùng chính quyền địa phương thực hiện, góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước.

“Xã Cẩm Mỹ có 17 hộ dân ảnh hưởng trực tiếp, phải di dời nhà cửa, đến khu tái định cư. Dự án cần gấp mặt bằng và hành lang an toàn để triển khai thi công, trong khi một số nhà dân chưa hoàn thiện di dời, nên dù trưa hay tối mình đều đến nhà tuyên truyền, vận động và kêu gọi lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ người dân”, anh Trí bày tỏ.

Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Luật Kinh tế, anh Trí được nhận làm ở một số Văn phòng luật tại Thủ đô. Thế nhưng, với mong muốn góp sức xây dựng quê hương, chàng trai trẻ quyết bỏ khoản lương khá ở “miền đất hứa” để về quê, bắt đầu niềm tin phục vụ xã hội từ màu áo xanh tình nguyện. Hơn 10 năm qua, với kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức vốn có, Bí thư Đoàn xã Cẩm Mỹ đã đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Khi dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu triển khai, qua rà soát có 17 hộ dân của xã nằm trong diện di dời cùng nhiều cây trồng của người dân cần phát quang, bảo đảm an toàn hành lang lưới điện, anh Trí là “ngọn cờ đầu” trong việc vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới. Đến nay, với những cố gắng không ngừng nghỉ, các hộ dân chịu ảnh hưởng của đường dây 500kV đã nhận tiền đền bù, chuyển đến nơi ở mới. Với những hộ chưa di dời, đội xung kích tình nguyện luôn có mặt để hỗ trợ.

Chị Nguyễn Thị Thủy (47 tuổi, thôn Mỹ Lâm, xã Cẩm Mỹ) cho biết, gia đình sinh sống bao thế hệ trên mảnh đất rộng hơn 1.700m2 của cha ông để lại. Tuy nhiên, dự án đường dây 500kV đi qua nên gia đình sẽ phải di dời đến nơi ở mới. Dù khá tiếc nuối với mảnh đất gắn bó bao đời nay và pha lẫn sự lo lắng ở khu tái định cư song với chị Thủy, mỗi người dân cần phải ủng hộ với mục tiêu phát triển đất nước, quê hương. Nhiều ngày qua, vợ chồng chị Thủy đã chủ động di dời tài sản đến nhà người thân cạnh đó và nhận đất tái định cư từ chính quyền, sớm xây dựng nơi ở mới. “Tất cả mọi việc Nhà nước làm là để phục vụ cho nhân dân, chẳng có lý do gì mà mỗi chúng ta không ủng hộ”, chị Thủy nói.

“Bà con xa mảnh đất mà họ gắn bó bao năm ai chẳng tiếc xót nhưng không vì thế mà làm ảnh hưởng khiến dự án trọng điểm bị chậm lại. Đoàn xã đã thực hiện hỗ trợ tháo dỡ, di dời tài sản để các hộ sớm ổn định cuộc sống. Nhìn thấy họ yên vui, sung túc ở nơi ở mới, ai cũng mừng”.

Anh Phan Văn Trí – Bí thư Đoàn xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh)

Anh Phan Văn Trí – Bí thư Đoàn xã Cẩm Mỹ “dân vận khéo”

Anh Phan Văn Trí – Bí thư Đoàn xã Cẩm Mỹ “dân vận khéo”

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn từ Quảng Trạch - Phố Nối dài 518,14 km, qua 9 tỉnh (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên). Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng; góp phần nâng cao năng lực truyền tải hệ thống điện quốc gia, cấp bách đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc. Để thực hiện dự án, cả hệ thống chính trị của tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc quyết liệt, góp phần đưa đường dây siêu cao áp sớm vận hành.

Ông Dương Thanh Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn qua Hà Tĩnh dài hơn 141km với 285 vị trí móng cột, 284 khoảng cột/113 khoảng néo thuộc 9 huyện, thị xã. Được đánh giá với khối lượng công việc lớn nhất, địa hình khó khăn nhất trong các tỉnh có đường dây đi qua, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết liệt trong giải phóng mặt bằng dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ đầu tháng 2/2024, tỉnh đã hoàn thành bàn giao 285/285 vị trí móng cột; đến 31/5, 284/284 khoảng cột trong hành lang đường dây cũng được bàn giao. Đặc biệt, ngày 5/6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương trong vùng dự án huy động các nguồn lực đảm bảo hậu cần và tăng cường hỗ trợ thi công đường dây 500 kV mạch 3 đoạn qua địa bàn.

Để đồng hành với dự án, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, các đơn vị thi công huy động lực lượng thanh niên, đoàn viên phát huy tinh thần xung kích, tham gia công tác hậu cần, hỗ trợ xây dựng công trình.

Dự án đường dây 500kV đang dần hoàn thiện

Dự án đường dây 500kV đang dần hoàn thiện

Anh Nguyễn Hoài Nam - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của T.Ư Đoàn về việc hỗ trợ đẩy nhanh thi công dự án đường điện 500 kV mạch 3, Tỉnh Đoàn đã thành lập 99 tổ tình nguyện xung kích tại chỗ (mỗi tổ từ 15 - 20 đoàn viên thanh niên) tại 9 huyện, thị Đoàn có dự án đường điện 500 kV mạch 3 đi qua; chủ động thành lập 18 đội hình chi viện từ các đơn vị đoàn trực thuộc khác. “Sau 2 tuần triển khai, các tổ tình nguyện xung kích đã hỗ trợ 29 hộ gia đình di dời nhà cửa (trên tổng số 57 hộ), di dời 23 chuồng trại, vật kiến trúc (tổng 30 chuồng trại) nằm trong hành lang tuyến; hỗ trợ phát quang 37 ha cây cối tại các địa bàn đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự kiến việc giải phóng sẽ hoàn thành trước 18/6”, anh Nam nói.

Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, dự án 500 kV mạch 3 bước vào giai đoạn “nước rút”, những ngày qua lực lượng thanh niên tình nguyện cũng kịp thời phối hợp, hỗ trợ đơn vị thi công thuê xe tải, máy cẩu và hỗ trợ công tác hậu cần khi có nhu cầu để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, đoàn thanh niên các địa phương cũng đã huy động 180 đoàn viên thanh niên hỗ trợ các hộ gia đình thi công, xây dựng nhà cửa, chỉnh trang khuôn viên tại khu vực tái định cư.

Đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB - chủ đầu tư dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu) đánh giá Hà Tĩnh là 1 trong những địa phương có đường dây đi qua có địa hình đèo dốc và thời tiết khó khăn. Song, đây cũng là tỉnh hỗ trợ giải phóng mặt bằng 285 móng cột sớm nhất.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.