Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 14: Người dân đồng thuận, chính quyền quyết liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với ý nghĩa đặc biệt của Dự án đường dây 500kV mạch 3, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hoá đã quyết liệt trong chỉ đạo, mềm dẻo trong công tác dân vận, giải quyết khối lượng công việc lớn, nhanh chóng bàn giao mặt bằng để triển khai công trình.

Thu xếp nơi ở tạm, bàn giao mặt bằng

Gia đình ông Lê Vinh Tri ở thôn Tam Sơn, xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) có diện tích nguyên thửa là hơn 3.500m2, trong đó có hơn 860m2 (tại khoảng cột T49-T50A) bị ảnh hưởng bởi hành lang Dự án đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa. Hiện trạng thửa đất có nhà ở, công trình, kiến trúc và trồng cây lâu năm. Do diện tích đất còn lại của gia đình không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thị xã Nghi Sơn đã tuyên truyền, động viên, giải quyết cơ chế hỗ trợ bồi thường và tái định cư cho gia đình.

“Sau khi được các cấp tuyên truyền, động viên, ngày 29/5, gia đình tôi đã nhận thức được trách nhiệm của mình và đồng tình bàn giao mặt bằng cho dự án thi công, thu xếp nơi ở tạm. Các cấp, ngành đã hỗ trợ việc tháo dỡ, di chuyển tài sản, tạo điều kiện về nơi tái định cư có điều kiện tốt hơn nơi ở cũ cho gia đình”- Ông Lê Vinh Tri chia sẻ.

Công nhân thi công tại Trạm biến áp 500kV tại xã Thiệu Tiến và Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hoá (Ảnh chụp ngày 4/6)

Công nhân thi công tại Trạm biến áp 500kV tại xã Thiệu Tiến và Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hoá (Ảnh chụp ngày 4/6)

Dự án là Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa có chiều dài 19,7km, đi qua 5 xã với 42 vị trí cột. Tổng diện tích bị ảnh hưởng lên tới 57,8ha, liên quan đến 138 hộ gia đình và 3 tổ chức. Thị xã Nghi Sơn đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, cùng sự ủng hộ của nhân dân, nên địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng, cùng với cả tỉnh hoàn thành nhiệm vụ theo cam kết với Chính phủ để nhà thầu thi công.

Tại huyện Nga Sơn có tới 22,5km đường dây dự án đi qua, với 55 vị trí móng cột. Tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án hơn 11ha, trong đó có 101 hộ thuộc diện phải thu hồi đất ở để giải tỏa hành lang. Đây là một trong những địa phương đầu tiên trong số các tỉnh có dự án đi qua hoàn thành công tác GPMB.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn Nghiêm Phú Lâm chia sẻ: Trong thời gian qua, huyện đã huy động nhân lực, triển khai tất cả các phương án, vận dụng mọi cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người dân khi nhường đất cho dự án. Cùng với đó, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân vùng dự án để hoàn thành nhiệm vụ GPMB dự án có ý nghĩa cấp bách và quan trọng này.

Giao ban nhanh, nắm chắc tình hình

Từ đầu năm 2024 đến nay, là thời gian dự án bắt đầu chính thức khởi động, ngoài các cuộc giao ban của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, của Bộ Công Thương, thì tỉnh Thanh Hóa thực hiện đều đặn 2 tuần / một lần giao ban nhanh, nắm bắt tiến độ GPMB.

Theo đó, những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB liên quan đến đất, vật kiến trúc; triển khai các dự án tái định cư; cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thuê nhà, ổn định cuộc sống cùng các quyền lợi khác đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn và tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã trực tiếp tới hiện trường khảo sát, lắng nghe đề xuất, nguyện vọng của người dân, chỉ đạo cụ thể hướng tháo gỡ đối với từng trường hợp. Do đó, đã tạo sự đồng thuận cao trong công tác GPMB để dự án được triển khai thi công thuận lợi.

Công nhân thi công tại vị trí xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc.

Công nhân thi công tại vị trí xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc.

Công nhân thi công ở vị trí 34 đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa. Đơn vị thi công Công ty điện lực Cần Thơ Ảnh chụp ngày 4/6/2024.

Công nhân thi công ở vị trí 34 đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa. Đơn vị thi công Công ty điện lực Cần Thơ Ảnh chụp ngày 4/6/2024.

Với 131km đường dây đi 11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, với quyết tâm cao độ, chỉ đạo quyết liệt và sự đồng lòng của toàn dân, đến ngày 29/5, Thanh Hóa đã hoàn thành toàn bộ công tác GPMB đường dây 500kV mạch 3, bàn giao mặt bằng sạch 299 vị trí chân móng cột và 137 khoảng néo, sớm hơn so với thời hạn mà tỉnh Thanh Hóa đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ là ngày 30/5.

Khẩn trương

Đầu tháng 6, dưới thời tiết nắng nóng, công nhân tại công trường Trạm biến áp 500kV (ở xã Thiệu Tiến và Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hoá) vẫn miệt mài trong công việc của mình. Mồ hôi nhễ nhại, anh Phạm Văn Lành (Ban chuẩn bị sản xuất Trạm biến áp 500kV Thanh Hoá) chia sẻ nhanh, thời tiết diễn biến thất thường, khi nắng gay gắt, khi mưa lớn gây khó khăn không ít cho công nhân, người lao động. Tuy vậy, với sự quyết tâm hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ chung, không khí trên công trường luôn nhộn nhịp, khẩn trương, anh em động viên nhau trong từng ca, kíp.

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tú, Phó Ban Điều hành dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu- Thanh Hóa, Phó phòng kỹ thuật Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho biết: “Do thời tiết nắng nóng, mưa bất thường, trong khi đó có những công nhân, người lao động sinh sống và làm việc chủ yếu ở phía Nam chưa kịp làm quen với thời tiết ở Thanh Hoá, nên đơn vị thi công đã linh hoạt trong việc bố trí ca, kíp giờ làm việc cho phù hợp. Cụ thể như, những ngày nắng nóng công nhân, người lao động làm việc từ lúc 4h sáng đến 10h30-11h; buổi chiều từ 15h đến 19-20h. Vào những ngày làm ca đêm, các đơn vị có phương án bố trí thiết bị chiếu sáng tại công trường cho công nhân thi công”.

Còn tại công trường thi công ở xã Đại Lộc (huyện Hậu Lộc), Dương Văn Thương, Chỉ huy công trường thi công, nhà thầu Công ty TNHH Phương Hạnh cho biết, vị trí thi công (ở xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) được xem là một trong những đoạn tuyến thi công khó khăn, bởi nơi đây phải thực hiện việc kéo đường dây vượt tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam. Do đó, đơn vị phải đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện lưu thông trên đường. Với phương châm cột xong đến đâu, kéo dây đến đó, vậy nên đơn vị đang khẩn trương kéo dây tại các vị trí cột đã hoàn thành.

Để tiếp sức và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường dây 500kV mạch 3, vừa qua, các Tổng Công ty Điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã huy động hơn 1.500 kỹ sư, công nhân tham gia thi công dựng cột, kéo, dây thuộc dự án. Số nhân lực này được huy động từ 5 Tổng công ty Điện lực, đây cũng là những kỹ sư, công nhân có tay nghề để tăng cường, tiếp sức cho dự án.

Ông Lê Thế Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Phương Hạnh cho biết, với mục tiêu hoàn thành đoạn tuyến trước ngày 30/6, chúng tôi làm việc không ngừng nghỉ, xuyên dịp nghỉ lễ. Đến nay tại một số vị trí thi công cột xong, cho tiến hành kéo dây luôn, đương nhiên đơn vị luôn xác định lấy chất lượng và an toàn là trên hết.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.