Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 11: Những sợi cáp đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi cuộn dây dẫn có chiều dài 2.000-2.400m, nặng gần 5 tấn. Để rải dây, treo dây, ngoài sức người còn phải sử dụng các loại máy cày, máy tời. 

Đây là giai đoạn khó khăn, công việc này đòi hỏi người công nhân vừa có sức khỏe, vừa có kinh nghiệm thực chiến khi phải liên tục vượt qua các địa hình đồi núi, sông hồ.

Xẻ núi, băng rừng

11 giờ trưa, mặt trời đứng bóng, không khí nóng rực như muốn “nướng khô” tất cả, nhưng từng nhóm công nhân của Công ty CP Thương mại Xây lắp công nghệ Thăng Long cùng tổ đội xe vận tải cả chục chiếc vẫn nối đuôi nhau, “cõng” từng thanh sắt, ngược lên đỉnh cao chót vót của dãy Hoành Sơn để kịp dựng lắp các cột điện cho dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.

Vị trí cột số 43, đoạn qua phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nằm gần như trên đỉnh Hoành Sơn. Từ đây nhìn xuống, xa xa về phía biển là khu nhà máy với những cột khói cao chọc trời, cạnh đó còn có các khu dân cư sầm uất, nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1A chạy dọc về Khu kinh tế Vũng Áng.

Những cột điện cao chót vót trên dãy Hoành Sơn

Những cột điện cao chót vót trên dãy Hoành Sơn

Ông Trần Ngọc Tạo - Công ty CP Thương mại Xây lắp công nghệ Thăng Long cho biết, đơn vị thực hiện xây lắp gói thầu XL14 của đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu. Gói thầu có 6 vị trí móng cột (từ cột 37-43).

Chỉ tay về đoàn xe đang cố bò qua từng khúc cua tay áo dọc đường công vụ, ông Tạo nói rằng từ chân núi men theo đường công vụ lên vị trí cột dài chưa đầy 3km nhưng phải mất cả tiếng xe chở vật liệu mới có thể leo đến nơi. Để đảm bảo an toàn, các xe phải đi một lượt, về cùng lúc vì không có khoảng tránh dọc đường. Mỗi ngày, dù liên tục ngược xuôi nhưng đoàn vận tải cũng chỉ có thể cõng 3-4 chuyến thép lên đỉnh đồi.

Khó khăn do địa hình cũng khiến việc tập kết vật tư, lắp dựng các cột kéo dài hơn. Song, nỗi lo lớn nhất của đơn vị thi công là những khi trời mưa dông sẽ khiến con đường độc đạo lầy lội, trơn trượt không thể di chuyển. Mỗi lần như vậy, nhà thầu lại phải điều động máy đào, máy ủi san gạt đi lớp bùn non, vá lại những đoạn đường xói lở và chờ nắng vài ngày mới có thể tiếp tục cõng thép lên đồi.

Công nhân miệt mài kéo dây cáp điện

Công nhân miệt mài kéo dây cáp điện

Gạt vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm, anh Nguyễn Trung Hiếu (SN1981, cán bộ Truyền tải điện Hà Tĩnh) nói, cái nắng khắc nghiệt của miền Trung như đang vắt kiệt sức của những người thợ xây lắp điện trên đường dây siêu cao áp.

Con đường cheo leo, dốc dựng đứng ngược lên các trụ điện cao hàng trăm mét của dãy Hoành Sơn (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), ngày ngày, từng nhóm công nhân vẫn miệt mài vận chuyển vật tư, thiết bị. Cạnh đó, những chiến binh “áo cam” đang bung sức kéo từng sợi cáp to bằng cổ tay, sớm hoàn thiện đường dây siêu cao áp.

21 năm gắn bó với ngành điện, từng thực hiện nghiệm thu, quản lý vận hành đường dây 500kV mạch 2 qua Hà Tĩnh song với anh Hiếu, đây có lẽ là lần đầu anh cảm nhận được “sức nóng” của dự án đường dây siêu cao áp về cả tiến độ lẫn thời tiết.

Thế nhưng, với người cán bộ truyền tải điện và những công nhân đang thi công trên từng vị trí cột, họ chưa bao giờ nao núng. Trong tâm thức luôn là sự quyết tâm, “hết việc chứ không hết giờ” để sớm hoàn thành dự án như kỳ vọng. Điều này thể hiện rõ khi mặt trời đã đứng bóng, cái nắng như đốt của chảo lửa miền Trung nhưng không khí làm việc vẫn diễn ra hết sức nhộn nhịp trên công trường.

Những sợi cáp đầu tiên

Đoàn xe chở thép vượt đồi cao đưa thiết bị đến công trường
Đoàn xe chở thép vượt đồi cao đưa thiết bị đến công trường

Chưa đầy 4 tháng, dưới sự nỗ lực của hàng nghìn kỹ sư, cán bộ công nhân ngành điện, những cột đỡ cao chót vót hàng chục mét đã cắm thẳng xuống từng cánh rừng, sườn núi, đồng ruộng.

Những ngày tháng 6 khắc nghiệt của miền Trung, từng nhóm công nhân vẫn bám trụ trên các cây điện giữa không trung, họ len lỏi qua từng cánh rừng hay vượt hồ nước lớn, thực hiện giai đoạn kéo dây cáp. Đối với những người thợ, đây cũng là khoảng thời gian khó khăn và thử thách nhất.

Anh Lương Thành Trung (Công ty Cổ phần PC01 Hà Nội) cho biết, đơn vị đang thực hiện kéo dây tại các vị trí cột từ 164-167. Đây là một trong những vị trí kéo dây cáp đầu tiên trên đường dây 500kV mạch 3 qua Hà Tĩnh.

Theo các công nhân ngành điện, mỗi cuộn dây dẫn đường điện có chiều dài 2.000-2.400m, nặng gần 5 tấn. Để rải dây và treo dây ngoài sức người còn cần sử dụng các loại máy cày, máy tời đường dây.

Theo đánh giá, rải dây, treo dây là giai đoạn khó khăn của ngành điện, công việc này đòi hỏi người công nhân vừa có sức khỏe dẻo dai, vừa có kinh nghiệm thực chiến khi phải liên tục vượt qua các địa hình đồi núi đến sông hồ. Nếu việc kéo không đảm bảo sẽ khiến hệ thống dây dẫn bắt chéo nhau khi lên cột, không đáp ứng yêu cầu đề ra.

Kỹ sư, công nhân leo trèo trên cột cao để néo dây cáp dẫn

Kỹ sư, công nhân leo trèo trên cột cao để néo dây cáp dẫn

Ban đầu, những người thợ điện sẽ rải sợi dây có đường kính 5mm loại nhẹ dọc theo đường đi, nối từ cột nọ sang cột kia để làm dây mồi. Sợi dây mồi này sau đó được căng lên trụ rồi mới buộc vào cáp điện 500kV to như cổ tay người lớn để kéo lên. Toàn bộ sẽ được kéo nổi, băng qua từng cánh rừng, con đường, mặt sông hồ. Dây vướng vào đâu, người thợ lại cheo leo ở khu vực đó để gỡ ra.

“Với các trụ có địa hình “dễ chịu” thì không sao. Nhưng nếu ngăn cách ở giữa là sông hồ, núi cao thì thực sự là khốn đốn. Rồi nắng nóng như nung, cái đai đeo an toàn cũng nóng rực nhưng nhiệm vụ là không để đai ốc nào bị lệch, không để đoạn cáp nào bắt chéo”, ông Trần Văn Hiền (SN 1981, trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) nói khi vừa đáp đất sau buổi sáng leo cột điện buộc sợi cáp lòng thòng.

Gặm vội miếng bánh mỳ khi nắng đã lên quá đỉnh đầu, ông Hiền nói dựng cột, kéo dây ở nơi rừng núi còn đỡ hơn những vùng sông nước miền Tây. Hơn 20 năm kinh nghiệm, nếm trải bao nhiêu ngọt bùi, vất vả của nghề nhưng với “gã thợ điện” đã ngoài 40, dù khó khăn đến đâu, ở địa hình nào thì vẫn luôn tự hào và cố gắng để góp chút sức lực, trí tuệ của mình vào việc xây dựng, hoàn thiện con đường ánh sáng của đất nước.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.