Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 8: Áo xanh thánh thót giọt mồ hôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bên cạnh màu áo cam của công nhân ngành điện, công trường đường dây 500kV mạch 3 thấp thoáng bóng áo xanh tình nguyện. Với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, họ miệt mài tháo dỡ, di dời hàng trăm công trình nhà ở, cây cối, mở đường cho công tác kéo dây, đóng mạch.

Dỡ nhà, gặt lúa để tạo mặt bằng thi công

Hai bên quốc lộ 39A, đoạn qua xã Hồng Lĩnh (huyện Hưng Hà, Thái Bình), những cột trụ thuộc đường dây 500kV mạch 3 đã được dựng lên cao vút. Tại đây có vị trí 177, 179 là hai vị trí néo góc; mỗi vị trí có 2 cột trụ, nằm đối diện nhau qua quốc lộ. Trên hành lang lưới điện qua khu vực này có nhiều nhà, cây cối. Trong đó, xã Hồng Lĩnh có 5 công trình kiên cố phải tháo dỡ, di dời để nhường chỗ cho đường điện 500kV mạch 3 đi qua. Kể từ khi phát động phong trào, Đoàn thanh niên xã Hồng Lĩnh đã hỗ trợ người dân tháo dỡ gần hết. Hôm nay, Đoàn thanh niên xã Hồng Lĩnh, Huyện Đoàn Hưng Hà quyết tâm hoàn thành nốt phần việc để kết thúc đợt thi đua.

Đoàn thanh niên xã Hồng Lĩnh (Thái Bình) tham gia tháo dỡ, di dời vật dụng, giải phóng mặt bằng

Đoàn thanh niên xã Hồng Lĩnh (Thái Bình) tham gia tháo dỡ, di dời vật dụng, giải phóng mặt bằng

8h sáng, chúng tôi có mặt tại nhà bà Nguyễn Thu Hương, ở xã Hồng Lĩnh, đang có công trình phải di dời. Thời tiết tháng 6, đầu giờ sáng đã nắng chói chang. Trên mái nhà cấp 4 đang có tốp áo xanh miệt mài tháo vít, dỡ từng tấm tôn, cẩn thận đưa xuống. Phía dưới, 2 tốp thanh niên khác đồng thanh “hai ba” di chuyển từng tấm đan đúc bằng bê tông. Nhóm khác dùng xe rùa xúc hết trạc thải đổ ra ngoài. Dưới nắng gắt, những chiếc áo xanh đẫm mồ hôi nhưng trên khuôn mặt lớp thanh niên vẫn rạng rỡ.

Anh Nguyễn Huy Tuấn, Bí thư Đoàn xã Hồng Lĩnh cho biết, từ ngày 3/6, Đoàn thanh niên xã phối hợp với thanh niên các xã lân cận đã tham gia hỗ trợ các hộ dân di dời tài sản. “Có khoảng 50 đoàn viên thuộc xã Hồng Lĩnh và các xã lân cận tham gia thường xuyên. Mỗi ngày, chúng tôi chia làm 2 ca để thực hiện các công việc. Các đoàn viên vừa hỗ trợ được người dân, vừa thực hiện được phần việc của mình. Ngoài tháo dỡ ở đây, chúng tôi còn hỗ trợ các hộ dân gặt lúa. Đến thời điểm này, mọi phần việc hỗ trợ của Đoàn thanh niên xã gần như đã hoàn tất”, anh Tuấn chia sẻ.

Đoàn thanh niên xã Nghĩa Lạc (Nam Định), tham gia hỗ trợ người dân di dời, chuẩn bị kéo dây điện

Đoàn thanh niên xã Nghĩa Lạc (Nam Định), tham gia hỗ trợ người dân di dời, chuẩn bị kéo dây điện

Anh Nguyễn Quang Huy, Bí thư Huyện Đoàn Hưng Hà cũng đang có mặt tại đây cùng thực hiện công việc với Đoàn thanh niên xã Hồng Lĩnh. Anh Huy cho hay, địa bàn huyện có 28 cột thuộc đường dây 500kV mạch 3 đi qua. Có 19 thửa đất ở, đất canh tác của 15 hộ gia đình thuộc diện giải phóng mặt bằng. Riêng địa bàn xã Hồng Lĩnh có đến 7 cột, 5 căn nhà ở của hộ gia đình trong diện cần di dời, tháo dỡ. Khi Tỉnh Đoàn Thái Bình phát động chiến dịch 30 ngày cao điểm triển khai các hoạt động chung tay hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3, các đội tình nguyện ở các xã được thành lập.

Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình cho hay, sau 10 ngày phát động “30 ngày cao điểm triển khai các hoạt động chung tay hỗ trợ thi công đường dây 500 kV mạch 3” đi qua địa phận tỉnh Thái Bình, việc triển khai các hoạt động đã phát huy tốt vai trò xung kích, tình nguyện, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên. Việc này cũng được chính quyền, địa phương, và nhân dân ghi nhận. Trong đợt cao điểm đã có gần 400 đoàn viên thanh niên thuộc nhiều đội hình thanh niên tình nguyện chung tay hỗ trợ 4 hộ gia đình di dời tài sản, phá dỡ nhà cửa, phát quang cây xanh nhằm hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3 qua địa bàn tỉnh Thái Bình.

Hôm nay, ông Phạm Cao Quân, Chủ tịch huyện Hưng Hà cũng dành thời gian về thăm, động viên phong trào thanh niên tại xã Hồng Lĩnh. Ông Quân cho hay, công tác giải phóng mặt bằng trên toàn huyện đã cơ bản hoàn thành. Công tác hỗ trợ xây dựng đường dây 500kV mạch 3 được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Trong đó, hoạt động hỗ trợ của Đoàn thanh niên có vai trò quan trọng, tăng cường đoàn kết, thu hút, tập hợp thanh niên đóng góp vào công việc xây dựng đường dây “huyết mạch quốc gia”.

Sẵn sàng hỗ trợ kéo dây

Rời xã Hồng Lĩnh, theo cung đường của tuyến 500kV mạch 3 đi qua, chúng tôi di chuyển hơn 60 km về xã Nghĩa Lạc (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Dọc tuyến, trên các công trường giữa những bóng áo cam, thấp thoáng những bóng áo xanh tiếp nước cho công nhân. Trên các tuyến, áo xanh còn hỗ trợ người dân tháo dỡ công trình nhà ở. So với tỉnh Thái Bình, phong trào thi đua 30 ngày đêm tham gia cùng ngành Điện xây dựng đường dây 500kV mạch 3 của thanh niên Nam Định cũng sôi nổi không kém. Tại đây, 18 đội hình với 216 đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ công tác hậu cần, hướng dẫn, phân luồng giao thông, cảnh báo, giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại các điểm, nút giao thông có đường dây đi qua. Các nhóm tình nguyện còn hỗ trợ di dời các công trình, kiến trúc trong phạm vi di dời và hành lang tuyến…

Anh Nguyễn Văn Huy, Bí thư Đoàn xã Nghĩa Lạc cho biết, nhằm đảm bảo hậu cần và tăng cường hỗ trợ thi công công trình, tại xã Nghĩa Lạc đã có 2 đội “Tình nguyện hỗ trợ thi công đường điện 500kV”, từ 10- 15 thành viên. Công việc của nhóm là thường xuyên đi khảo sát toàn bộ các vị trí cột để nắm bắt khối lượng thi công còn lại, sẵn sàng hỗ trợ thi công kéo dây.

Anh Huy cho hay, mấy ngày qua, toàn bộ cây cối, công trình trên hành lang đường dây chạy qua đều được đoàn thanh niên xã hỗ trợ phát quang, dọn dẹp sạch sẽ, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc kéo dây. “Xã Nghĩa Lạc có 12 vị trí cột được xây dựng, nhiều nhất huyện Nghĩa Hưng. Vì thế công tác giải phóng mặt bằng cũng có lúc khó khăn. Chúng tôi phối hợp cùng các đoàn thể, tiểu ban giải phóng mặt bằng xuống tuyên truyền, động viên người dân về chủ trương của dự án. Có lúc, người dân chưa nắm bắt được hết thông tin dự án, hoặc do giá đền bù còn chênh lệch giữa các hộ... Nhưng sau buổi tuyên truyền, họ hiểu và đồng thuận. Đến nay, tất cả 15 hộ trên địa bàn đã đồng ý phương án đền bù, tự giác tháo dỡ, di dời”, anh Huy chia sẻ.

Chúng tôi theo chân Bí thư Đoàn xã ra công trường, ở các vị trí cột có các đoàn viên đang tham gia hỗ trợ cán bộ kỹ thuật phân loại thanh, cột trong phạm vi thi công và tiếp tế nước. Đến vị trí cột 11, 12, 24/26 dây đã được đơn vị thi công kéo xong. Ở đây, nhóm thanh niên tình nguyện tham gia phân luồng, điều tiết giao thông. “Công nhân lo việc trên cao, bên dưới đã có anh em hỗ trợ”, anh Huy nói.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.