Trên đại công trường 500kV mạch 3- Bài 4: Chạy đua với thời gian

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với phương châm “chỉ bàn làm không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, “ba ca, bốn kíp”, dù vất vả, khó nhọc và có cả hiểm nguy nhưng vì nhiệm vụ cao cả, những công nhân vẫn ngày đêm quyết bám trụ trên công trường thi công đường điện 500kV để đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Quyết tâm

Tại tỉnh Nghệ An, dự án đường dây 500kV mạch 3 với 2 dự án thành phần có tổng chiều dài gần 100km. Toàn bộ có 202 vị trí móng cột kéo dài qua các địa hình từ đồng ruộng đến núi đồi. Trong đó, đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài hơn 82,3 km đi qua các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu; đoạn Quỳnh Lưu - Thanh Hóa dài khoảng 17,5. Tỉnh Nghệ An đã khẩn trương chuyển đổi mục đích sử dụng gần 6,5ha rừng, đất rừng nằm trong phạm vi móng trụ và hoàn thành việc bàn giao 100% vị trí móng cột để các đơn vị triển khai thi công. Các cơ quan chức năng cũng tổ chức làm đường tạm, bãi tập kết vật liệu để phục vụ công trình một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất.

Những cây cột điện 500kV mạch 3 đang dần hình thành trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Những cây cột điện 500kV mạch 3 đang dần hình thành trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm tăng cường năng lực lưới truyền tải 500kV, giúp nâng cao ổn định vận hành hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giúp nâng cao khả năng truyền tải điện từ miền Trung và miền Bắc lên khoảng 5.000 MW, gấp đôi so với hiện tại. Những ngày qua, trên khắp các công trường xây dựng cột điện 500kV ở tỉnh Nghệ An, từng đội công nhân đang khẩn trương làm việc. Nắng nóng, khối lượng công việc nhiều nhưng trên khuôn mặt ai nấy đều thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng làm việc để sớm hoàn thiện, đưa dự án vào hoạt động.

Ông Quách Đình Dương (61 tuổi, trú tỉnh Hòa Bình) đội trưởng đội xung kích hỗ trợ thi công tại cột 370 qua xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An)

Ông Quách Đình Dương (61 tuổi, trú tỉnh Hòa Bình) đội trưởng đội xung kích hỗ trợ thi công tại cột 370 qua xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An)

Để hỗ trợ các đơn vị thi công đường điện 500kV mạch 3 qua địa bàn tỉnh Nghệ An, Công ty Điện lực tỉnh Nghệ An điều động 2 đội hình với hơn 20 cán bộ công nhân viên tham gia vào đội hình xung kích. Trong đó, một đội hình hỗ trợ tại huyện Nam Đàn và 1 đội hình hỗ trợ tại huyện Nghi Lộc. Các công nhân sẽ triển khai xây lắp cột, dựng hình các cấu kiện, kéo đường dây… “Tất cả cùng vào cuộc quyết tâm, huy động tối đa lực lượng thi công để sớm hoàn thành dự án đường điện 500kV mạch 3 về đích đúng tiến độ”, lãnh đạo Công ty Điện lực Nghệ An chia sẻ.

Tính đến ngày 7/6, 1.177 vị trí móng của Dự án đã cơ bản hoàn thành và bước sang giai đoạn dựng cột. Lực lượng thi công đã hoàn thành và đang dựng 879 cột; kéo dây 63 khoảng néo.

“Không cho phép sai sót dù chỉ một con ốc”

Tính đến ngày 7/6, 1.177 vị trí móng của Dự án đã cơ bản hoàn thành và bước sang giai đoạn dựng cột. Lực lượng thi công đã hoàn thành và đang dựng 879 cột; kéo dây 63 khoảng néo.

Cẩn thận kiểm tra lại từng con ốc vít lắp trên các cấu kiện, ông Quách Đình Dương (61 tuổi, trú tỉnh Hòa Bình) vừa hô hào, vừa động viên anh em khẩn trương làm việc cho kịp tiến độ. Dù là người đội trưởng nhưng bất kể việc nặng hay nhẹ, ông Dương cũng xắn tay đến hỗ trợ để cùng anh em sớm hoàn thành công việc. “Mình là đội trưởng nên vừa giám sát, vừa động viên nhưng cũng phải lao vào làm cùng anh em để tạo khí thế cho mọi người cùng làm. Ai cũng như ai, cố gắng về đích sớm”, ông Quách Đình Dương nói. Ngày 31/5, công ty đã điều động nhóm của ông vào công trình cột điện số 370 ở xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) để hỗ trợ xây lắp, dựng cột. Ngày mới nhận thông báo nhiệm vụ, ông Dương có chút lo lắng, bởi gần 30 năm trong nghề, khó khăn vất vả nào người công nhân cũng đã từng nếm trải, nhưng với nhiệm vụ dựng cột 500kV được đặt ra bản thân ông và anh em trong đội có chút bỡ ngỡ vì chưa bao giờ làm công trình nào lớn đến vậy.

Tại công trường, các công nhân khẩn trương làm việc để kịp tiến độ

Tại công trường, các công nhân khẩn trương làm việc để kịp tiến độ

Người biết chỉ cho người chưa biết, người biết nhiều chỉ cho người biết ít. Cứ thế, với kinh nghiệm và tinh thần chịu khó, ông Dương cùng nhóm công nhân xung kích đã nhanh chóng bắt nhịp cùng công việc. Từng khoảng cột điện cao thế bắt đầu được dựng lên thành khung, thành hình. “Hàng ngày anh em dậy từ 4h30 sáng. Ít phút vệ sinh cá nhân, ăn uống vội rồi lên đường ra công trường cho kịp. Anh em phải làm sớm để tránh nắng, chứ ở Nghệ An mùa gió Lào nắng kinh khủng. Buổi chiều tối khi mát trời, cả đội tận dụng thời gian gắng làm thêm, vừa đỡ công việc cho ngày mai, vừa tranh thủ lúc trời mát. Chỉ đến khi trời tối không còn nhìn rõ đường, anh em mới rời công trường về chỗ nghỉ”, ông Dương nói và cho hay, công việc tuy không khó nhưng nhiều cấu kiện nặng cần sức máy, sức người vận chuyển. Trong khi đó thời tiết quá khắc nghiệt khiến công nhân nhanh mất sức. “Mấy hôm nhiệt độ nắng đến hơn 40 độ C, đề phòng mất nước, công nhân phải nghỉ uống nước lấy sức liên tục. Nếu thời tiết mát mẻ thì công việc chắc chắn sẽ làm nhanh hơn, đảm bảo về đích trước kế hoạch. Cột điện này cao hơn 70m, chúng tôi làm được gần 10 ngày rồi. Chỉ còn ít ngày nữa sẽ xong và sau đó di chuyển ngay đến vị trí khác”, ông Dương chia sẻ.

Tại mỗi vị trí cột điện 500kV, ngoài đội xung kích thì đội ngũ công nhân xây lắp được xem là quan trọng nhất. Đây là những người thợ chính trực tiếp dựng cột, lắp ghép từ dưới đất lên cao đến khi hoàn thành. Đã có hơn 27 năm đi khắp Bắc Nam để xây dựng đường điện cao thế, người đội trưởng đội xây lắp của Công ty Sông Đà 11, ông Trần Hữu Tuấn (49 tuổi, trú xã Hiến Sơn, Đô Lương, Nghệ An) không còn xa lạ với việc ghép nối những chiếc cột điện khổng lồ. Thế nhưng lần này tiến độ được đưa ra trong thời tiết khắc nghiệt nên ông cảm thấy vất vả hơn trước. Nhờ sự quan tâm của địa phương, sự động viên của công ty, các đoàn thể, lực lượng đoàn viên thanh niên đến hỗ trợ kịp thời nên ông Tuấn cùng anh em công nhân luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.

“Mấy chục năm qua, tôi đi khắp từ miền Bắc vào miền Nam. Khó nhọc nhiều, vất vả cũng nhiều, công trình này yêu cầu thi công với tiến độ nhanh hơn nên lực lượng công nhân phải gắng hết sức mình để sớm đưa dự án về đích. Dù thời tiết nắng nóng hay mưa gió, vất vả, mệt nhọc đến mấy thì chúng tôi cũng động viên nhau phải cố gắng hết sức mình”, ông Tuấn chia sẻ và cho hay dù tiến độ cấp thiết được đề ra nhưng anh em công nhân luôn đảm bảo tính chính xác, cẩn thận trong từng chi tiết, bởi điều quan trọng nhất an toàn trong lao động. “Mệt lắm nhưng mình phải tập trung, không cho phép sai sót dù chỉ một con ốc. Vì nếu sai một tý, hậu quả sẽ khôn lường”, ông Tuấn nói.

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Nghệ An, Ban chỉ huy chiến dịch tình nguyện Hè tỉnh đã thành lập 74 đội hình thanh niên tình nguyện với 1.100 đoàn viên thanh niên tham gia đợt thi đua cao điểm “30 ngày, đêm tình nguyện vượt nắng, thắng mưa tham gia hỗ trợ thực hiện công trình đường dây 500 kV mạch 3 qua địa bàn tỉnh Nghệ An”.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.