Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 2: 'Người nhện' trên trụ điện cao nhất đường dây 500kV

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Mặt trời ló rạng, những người thợ điện lỉnh kỉnh thắt đai an toàn, mang đồ dùng leo lên một trong những trụ điện cao nhất ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) để lắp dựng đường dây siêu cao áp 500kV mạch 3.

Ở độ cao 145m, người thợ điện cả ngày dầm mình trong nắng gió, chợp mắt vội giữa không gian mây trời và tiếp đất khi nhá nhem tối.

Người trẻ tự hào dựng cột điện lớn nhất nước

Từ xa, giữa màu xanh ngút ngàn của núi đồi, cây rừng, là vị trí móng cột 136 nằm cạnh chân hồ thủy lợi Thượng Tuy ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). Phải tinh mắt lắm chúng tôi mới có thể thấy phía chót vót trên đỉnh cột là những kỹ sư, công nhân đang miệt mài thi công, lắp dựng cấu kiện cho cây cột cao nhất tuyến.

Trụ cột cao 145m đang được lắp dựng.

Trụ cột cao 145m đang được lắp dựng.

Anh Vũ Xuân Trường - Chỉ huy trưởng Công ty Cổ phần PC1 Hà Nội (thuộc Tập đoàn PC1) cho biết, đơn vị thi công gói thầu 21 với 12 vị trí (từ cột 127-138). Vị trí trụ cột 136 là cột đỡ, vượt hồ Thượng Tuy rộng lớn. Đây là khu vực đồi núi cao với khoảng cách từ cột 135-136 hơn 1km, để đảm bảo khoảng cách an toàn nên từ đầu vị trí này được kỹ sư thiết kế trụ cột cao lên đến 145m (cột bình thường 50-80m), nặng 426 tấn, ngang với tòa nhà 30-35 tầng. Điểm đặc biệt ở cột thép tại vị trí 136 là cột ống - một công nghệ lần đầu tiên được sử dụng trong dự án đường dây 500kV tại Việt Nam.

Công nhân miệt mài thi công lơ lửng giữa đất trời.

Công nhân miệt mài thi công lơ lửng giữa đất trời.

“Với độ cao và trọng lượng của ống thép lớn, quá trình thi công yêu cầu sự hỗ trợ của nhiều loại máy móc hiện đại như các máy cẩu loại 160 tấn và 400 tấn. Cùng với máy tời thủy lực, máy lao và sự phối hợp nhịp nhàng của gần 20 công nhân để di chuyển và lắp đặt các ống thép vào cột, vặn từng đai ốc, bu lông. Càng lên cao, việc thi công càng khó khăn, đặc biệt trong điều kiện thời tiết gió to. Dù vậy, với những kỹ sư, công nhân kinh nghiệm, lành nghề, chúng tôi đã hoàn thành việc dựng cột, đang thực hiện treo đai sứ, kéo đường dây”, anh Trường nói. Là sinh viên ngành Giao thông Vận tải, gắn bó với việc xây dựng cầu đường song cơ duyên đã khiến anh Vũ Xuân Trường trở thành công nhân ngành điện. Hơn 10 năm bén duyên với nghề truyền tải, lắp đặt xây dựng các tuyến đường điện lớn nhỏ song lần đầu tiên được giao phó nhiệm vụ thi công đường dây 500KV, với chàng thanh niên quê Thanh Hóa là niềm tự hào lớn nhất.

Anh Vũ Xuân Trường kiểm tra thiết bị dựng cột.

Anh Vũ Xuân Trường kiểm tra thiết bị dựng cột.

Để hoàn thành nhiệm vụ song phải đảm bảo an toàn cho kỹ sư, công nhân thực hiện dựng lắp một trong những trụ điện cao nhất tuyến, người chỉ huy trưởng 38 tuổi đã “nhiều đêm không ngủ”, bàn bạc cùng tổ đội, lên phương án thi công phù hợp trên địa hình. Nhìn trụ điện cao chót vót, xuyên giữa không trung đã dần hoàn thiện, anh Trường nói đó là sự cố gắng lớn lao, quyết tâm mạnh mẽ của toàn đơn vị. Nhớ lại ngày đầu tiếp nhận vị trí cột cao nhất trên đường dây để thi công, nhóm công nhân 20 người của Công ty PC1 Hà Nội không giấu nổi sự lo lắng khi chứng kiến những ống thép to lớn, những đai ốc, bu lông to như cái bát nằm la liệt dưới bãi đất rộng cả hecta. Song, những khó khăn đó không làm nao núng ý chí, sự quyết tâm của những người trẻ trên công trường. Họ từng bước phân loại từng vật tư, thiết bị, đai ốc, bu lông dần cố định trên những ống thép và dựng nên trụ cột hùng vĩ này. “Bao nhiêu vất vả, hiểm nguy không thể kể hết nhưng nhìn thành quả làm được, những người trẻ như chúng tôi ai nấy đều phấn khởi, tự hào”, anh Trường bày tỏ.

Những bữa cơm giữa không trung

Chỉ mới 28 tuổi nhưng gần nửa tuổi thanh xuân, Lương Văn Hoàng (quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đi khắp mọi miền đất nước, qua mọi địa hình để dựng lắp hàng nghìn trụ điện. Đến nay, chàng trai trẻ lại được giao làm tổ trưởng tổ thi công của một trong những cột trụ cao nhất tuyến đường dây 500KV mạch 3 qua Hà Tĩnh.

“Ngày trước tôi theo những người anh, người chú ở quê đi lắp điện. Từ những trụ nhỏ đến trụ 110-220kV. Và nay, thật tự hào khi nhận nhiệm vụ dựng lắp cột trụ cao nhất, lớn nhất đường dây siêu cao áp 500kV. Đây không còn là công việc mưu sinh mà còn là cái duyên gắn tôi với ngành điện. Có lẽ không nhiều lần tôi được làm việc tại những công trình lớn như vậy”, Hoàng cho hay. Chàng trai 28 tuổi nói rằng với những công nhân lắp dựng, kiểm tra, sửa chữa đường điện, ngoài chuyên môn cần có thì điều không thể thiếu là “tinh thần thép” và kinh nghiệm trên từng trụ cột, từng đường dây, mạch điện. Công việc thường xuyên phải làm việc giữa trời, những hôm nắng gắt, nóng hầm hập, nghỉ ngơi cũng phải cheo leo trên đường dây, trên cột điện, rất dễ hoa mắt, lộn nhào xuống. Song, thợ đường dây ngại nắng không bằng ngại mưa, bởi chỉ cần thoáng thấy dấu hiệu mưa, dù đã trèo lên cao rồi nhưng cũng phải xuống ngay lập tức, phòng nguy cơ sấm sét.

“Ngồi trên cột cao hơn trăm mét, khi néo sứ hay kéo đường dây ngày thường còn đỡ chứ lúc gió lớn cứ chao đảo như đu võng giữa không trung. Nghề này vất vả thật đấy, cũng không dành cho người có bệnh lý về tim hay huyết áp đâu, nhưng có làm mới yêu, mới gắn bó thì mới thấy được cái hay. Chưa kể những chuyện ngồi ăn trưa, chợp mắt trên đỉnh cột cao thế 145m, gió vù vù bên tai cũng là cảm giác mà không mấy ai được hưởng”, anh Hoàng hài hước. Vừa dứt lời, tiếng bộ đàm mang bên người Hoàng vang lên: “Kéo cày cơm trưa tổ trưởng Hoàng ơi! Thêm ít đá lạnh vào khay nhé”. Đầu dây bên kia là anh Đinh Hữu Văn (SN 1983, quê tỉnh Nghệ An) - người được đánh giá là giỏi về chuyên môn, kinh nghiệm về nghề và rất “lỳ lợm” trên những trụ cột, đường dây chót vót.

Cuộc hội thoại ngắn ngủi từ nhóm công nhân của tổ đội Hoàng phụ trách đang cheo leo trên đỉnh cột 136 với độ cao 145m cũng là lúc đồng hồ điểm 11h30. Không để anh em đợi lâu, Hoàng cùng một số người móc néo cơm nước đã chuẩn bị sẵn vào thùng nhựa, kéo tời dây cho những “người nhện” ở trên đỉnh cột. “Hôm nay trời mát, thợ tranh thủ làm thêm rồi ăn uống, nghỉ ngơi chốc lát trên đó và tiếp tục công việc buổi chiều. Cột cao nên mỗi ngày, anh em nhận nhiệm vụ leo cột là mang đủ thứ dây đai, lỉnh kỉnh đồ nghề nên sẽ ở lại trên đó làm việc cả ngày, đến khi mặt trời lặn thì xuống nghỉ. Các công nhân khác ở dưới thì chuẩn bị vật tư, thiết bị cho công việc ngày mai. Vất vả nhưng ai cũng quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó”, Hoàng chia sẻ.

Công việc khó khăn và nguy hiểm nên với mỗi công nhân luôn phải nêu cao tinh thần an toàn, chắc chắn và không để sai sót trên từng ốc vít, bu lông, đai ốc đã vặn vào chân cột. Dù thực hiện nhiều đợt tập huấn trước khi làm việc song từng thao tác, công việc trên đỉnh cột các công nhân luôn phải tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 6: Sắc xanh tình nguyện

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 6: Sắc xanh tình nguyện

Để hỗ trợ, tiếp sức lực lượng thi công đường điện 500kV mạch 3 qua địa bàn, những ngày qua tuổi trẻ Nghệ An đã chung sức, chung lòng đồng hành với đội ngũ thi công. Dù nắng, dù mưa, màu áo xanh tình nguyện vẫn có mặt tại các công trường để hỗ trợ, góp phần đưa dự án đường điện quốc gia sớm về đích.
Rủi may nghề xoi trầm

Rủi may nghề xoi trầm

“Nhiều người trúng trầm đổi đời, mua nhà, mua xe nhưng không phải lúc nào cũng may, nếu rủi mua phải cây “rỗng” trầm thì cũng lỗ nặng vì giá mỗi cây phải từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Trăm năm xe nước bên sông

Trăm năm xe nước bên sông

Gần 50 năm vắng xa, bây giờ bờ xe nước - cỗ máy bằng tre vốn là biểu tượng bên dòng sông một thời ngày đêm quay đều mang nước tưới cho ruộng đồng xanh tốt, vẫn có một người ngày đêm dựng tạo lại, để một“kỳ quan đồng ruộng” không biến mất.
Nón ngựa miền di sản

Nón ngựa miền di sản

Mấy trăm năm thịnh suy, những đôi tay gầy guộc của người làng đã cần mẫn tạo nên một di sản. Một di sản bằng sự giữ gìn truyền thống và sáng tạo, mang nét cũ xưa và cả hơi thở hiện đại của thời cuộc vào trong chiếc nón mỏng manh, nhẹ nhàng ấy.
Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 3: 30 năm và hành trình của người lính truyền tải

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 3: 30 năm và hành trình của người lính truyền tải

“Đến giờ tôi vẫn tự hào mình là người ngành điện, để được sống, làm việc và cống hiến cho hành trình gìn giữ nguồn điện trên khắp chiều dài đất nước. Cái duyên với đường dây 500kV và những kỷ niệm về nó sẽ theo tôi suốt đời”, ông Trần Khương Tâm - cán bộ Điện lực Thừa Thiên - Huế, chia sẻ.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bút danh 'Hạ sĩ Trường Sơn'

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bút danh 'Hạ sĩ Trường Sơn'

No thành Phật, thành Tiên, đói thành ma, thành quỷ. Đánh có thắng được giặc, dân mới no, mới ấm, quân mới hùng, mới mạnh. Giữ được mùa màng, thì dân, quân mới tạm đủ ăn no để thắng giặc và xây dựng lực lượng hùng hậu. Trung tâm công tác của ta là đó. Trung tâm tư tưởng cụ thể của ta là đó.