Trên đại công trường 500kV mạch 3 - bài 5: Những câu chuyện cảm động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thường xuyên làm việc ở trên cao cách mặt đất hàng chục mét, đòi hỏi những người thợ xây lắp cột điện phải có tinh thần vững vàng, sức khỏe dẻo dai.

Vất vả, nhọc nhằn nhưng những công nhân đang ngày đêm thi công đường điện 500kV vẫn cảm thấy phấn chấn, tự tin vì đã góp sức vào công trình quan trọng của quốc gia.

Hiểm nguy

Vừa tụt xuống khỏi chiếc cầu thang kỹ thuật cao hàng chục mét, Hoàng Văn Tiến (SN 1993, trú tỉnh Hòa Bình) nhanh chân bước đến chiếc lán tạm được lập ngay ở công trường, tranh thủ nghỉ lấy sức. “Nắng quá, mới đứng trên cao có một lúc thôi mà không chịu nổi phải xuống uống nước rồi mới làm tiếp được. Mấy hôm nay thời tiết nắng khốc liệt, nhiệt độ có lúc hơn 40 độ C nên anh em làm việc nhanh mất sức lắm, phải cố gắng làm cho xong từng phần việc”, Tiến nói rồi uống vội cốc nước để tiếp tục trở lại công trường cùng tốp thợ. Cột điện lớn, cả một ekip hợp sức làm nhưng chỉ thiếu một người thì công việc sẽ bị đình trệ.

Những cây cột điện đang thành hình trên sườn núi qua xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Những cây cột điện đang thành hình trên sườn núi qua xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Tiến kể, năm 2014 khi mới ngoài 20 tuổi, anh đã theo những người chú, người anh trong làng đi làm tại các công trường dựng cột điện. Những ngày đầu, Tiến chỉ làm người phụ giúp các công việc nhỏ như khuân vác cấu kiện, lắp ốc vít dưới mặt đất theo sự hướng dẫn của các anh. Dần dần được truyền đạt kinh nghiệm, từ làm việc dưới đất, Tiến mon men từng bước lên cao. Đến nay, anh đã có gần 5 năm làm việc chuyên nghiệp trên cột điện cao thế và được xem là một trong những người thợ cứng của đội. Hoàng Văn Tiến không nhớ hết mình đã đi qua những tỉnh, thành nào và đã cùng đồng đội dựng được bao nhiêu cột điện, đường điện cao thế. “Đợt đầu chưa quen leo trèo, đứng trên cao nhìn xuống thôi là mình thấy hoa mắt rồi. Nhưng tập dần dần và được các anh đi trước bày dạy, động viên nên mình cố gắng và rồi cũng quen. Giờ thì trèo, đi trên đường dây điện thoải mái. Chỉ lo nhất là thời tiết nắng nóng quá không đứng trên cột điện được lâu”. Tiến nói và cho hay, mọi người thường đùa nghề của anh là nghề “đu cột điện”, “làm xiếc” trên dây. Tuy nhiều hiểm nguy, vất vả nhưng Tiến cho hay sẽ luôn cố gắng để nối dài những mạch điện trên khắp cả nước.

Dù công việc vất vả nhưng anh Phạm Văn Minh (SN 1973, trú Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) luôn vui vẻ vì có vợ ở bên động viên, là người hậu cần đặc biệt

Dù công việc vất vả nhưng anh Phạm Văn Minh (SN 1973, trú Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) luôn vui vẻ vì có vợ ở bên động viên, là người hậu cần đặc biệt

Có thời gian làm ít hơn Tiến nhưng anh Hoàng Văn Học (trú tỉnh Điện Biên) cũng đã rong ruổi nhiều tỉnh thành để dựng lên những cây cột điện cao thế. Thường xuyên trèo cao, chống chọi với ánh nắng mặt trời khiến làn da của anh Học sạm đen vì cháy nắng. Hàng ngày, Học được giao nhiệm vụ đứng trên cao nhận những thanh cấu kiện rồi ghép nối vào khung. Cột điện lớn có những cấu kiện nặng, buộc người thợ phải dùng sức lực nhiều. “Thời tiết ở Nghệ An nắng khủng khiếp quá nên nhanh mất sức. Những cấu kiện dựng cột điện làm từ sắt thép nên nặng hàng tạ đến cả tấn. Có những vị trí phải dùng cẩu, dùng tời kéo lên, nhưng có những cấu kiện buộc phải tự bốc vác và dùng sức người để lắp ghép”, anh Học chia sẻ.

Quên cả nhọc nhằn

Công nhân vất vả mệt nhọc khi phải làm việc trên cao, trong thời tiết khắc nghiệt, oi bức

Công nhân vất vả mệt nhọc khi phải làm việc trên cao, trong thời tiết khắc nghiệt, oi bức

Hơn 1 tuần trước, anh Nguyễn Đức Thành (SN 1989, trú thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) được điều động vào hỗ trợ công nhân xây lắp cột điện cao thế tại vị trí 309 ở xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ngày nhận công việc, anh Thành có chút lo lắng. Bởi trong nhiều năm làm nghề, chưa lần nào anh được tiếp cận những cây cột điện “khủng” đến thế. “Trước đây mình chỉ làm công tác đảm bảo đường điện trung và hạ thế ở thành phố Lào Cai. Vậy nên ngày nhận nhiệm vụ, mình cũng lo lắm. Lo chưa từng làm nên không quen việc, sợ ảnh hưởng đến tiến độ chung. Nhưng vì công trình quốc gia quan trọng, mình sẽ gắng hết sức và tự nhủ, đã quyết tâm thì khó khăn vất vả đến mấy cũng sẽ vượt qua”, anh Thành nói.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 đi qua tỉnh Nghệ An gồm 2 dự án: Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài khoảng 82,33 km, gồm có 168 vị trí móng cột tương ứng 168 khoảng cột. Dự án Quỳnh Lưu -Thanh Hóa dài khoảng 17,5 km, gồm có 34 vị trí móng cột tương ứng 34 khoảng cột.

Hôm lên đường đi công tác, vợ mua cho đủ thứ, dặn đủ điều vì lo lắng chồng vào Nghệ An làm việc trên núi sâu rừng thẳm sẽ thiếu thốn. Những ngày đầu làm việc, cứ đều đặn lúc nghỉ ngơi vợ chồng anh lại tranh thủ gọi điện để hỏi thăm sức khỏe rồi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện ở nhà, ở công trường. Công việc mệt nhọc nhưng được “hậu phương” quan tâm dõi theo, anh em đồng nghiệp hỏi thăm động viên nên Thành cũng dần quen môi trường làm việc mới. “Công việc quan trọng, khó nhọc nhưng tôi rất tự hào vì được góp chút sức lực, giọt mồ hôi hòa vào dự án trọng điểm quốc gia. Đây cũng là cơ hội để tôi có thêm kinh nghiệm quý báu, những trải nghiệm về đường dây 500kV. Mai mốt còn về kể cho vợ con, gia đình và cả đồng nghiệp nữa”, anh Thành cười nói và cho hay, chỉ mong thời tiết ủng hộ để anh em công nhân hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Chồng ra công trường, vợ đi theo phụ giúp

Anh Hoàng Văn Tiến (SN 1993, trú tỉnh Hòa Bình - áo đen) đang cùng đồng nghiệp kéo dây, dựng cột điện

Anh Hoàng Văn Tiến (SN 1993, trú tỉnh Hòa Bình - áo đen) đang cùng đồng nghiệp kéo dây, dựng cột điện

Trong số những công nhân làm việc tại cột điện ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An), trường hợp vợ chồng chị Vũ Thị Dịu (SN 1979) và anh Phạm Văn Minh (SN 1973, trú Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) khiến nhiều người cảm động. Anh Minh có 28 năm làm nghề điện tại Công ty Sông Đà 11. Hàng chục năm qua, anh đã trải qua nhiều vị trí công việc, từ công nhân đến đội phó rồi đội trưởng. Dành cả tuổi thanh xuân, những người như anh Minh đã góp sức mình hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia. Mọi vất vả khó nhọc anh đã từng nếm trải, tham gia xây dựng dự án đường dây 500 kV, với anh Phạm Văn Minh là dịp “đặc biệt”, không chỉ bởi tầm vóc to lớn của công trình mà “hành trang” mang theo còn có thêm người vợ của anh.

Ngày anh Minh vào Nghệ An nhận nhiệm vụ, chị Dịu cũng gửi 2 con cho ông bà nội. Sau khi gửi gắm đủ điều, chị Dịu lên xe vượt hàng trăm km theo chồng đi công tác. Hàng ngày, chị thức dậy từ lúc 4h30 sáng để chuẩn bị bữa ăn cho chồng và các đồng nghiệp. Khi chồng và mọi người ra công trường làm việc, chị Dịu lại tranh thủ ra chợ mua thực phẩm để chuẩn bị bữa trưa và tối. Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, chị Dịu đảm nhận công việc hậu cần cho anh em công nhân và chính người chồng của mình. “Thấy các anh em công nhân làm việc vất vả mà thương. Mình không hỗ trợ được gì trong công việc, chỉ cố gắng nấu bữa cơm thật ngon, để mọi người có sức khỏe mà leo trèo, sớm hoàn thành công việc”, chị Dịu tâm sự.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Kon Plông thức giấc

Kon Plông thức giấc

Kon Plông là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum với diện tích tự nhiên 137.000 ha. Dân số toàn huyện trên 27.850 người, chủ yếu là người dân tộc Xơ Đăng, Mơ Nâm, Ca Dong, Hre.
Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 8: Áo xanh thánh thót giọt mồ hôi

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 8: Áo xanh thánh thót giọt mồ hôi

Bên cạnh màu áo cam của công nhân ngành điện, công trường đường dây 500kV mạch 3 thấp thoáng bóng áo xanh tình nguyện. Với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, họ miệt mài tháo dỡ, di dời hàng trăm công trình nhà ở, cây cối, mở đường cho công tác kéo dây, đóng mạch.

Trên đại công trường 500kV mạch 3- Bài 7: Một ngày ở Ban Tiền phương

Trên đại công trường 500kV mạch 3- Bài 7: Một ngày ở Ban Tiền phương

Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, quản lý thi công và điều phối vật tư là những nhiệm vụ chính của Ban Tiền phương 3 trên tuyến Nam Định I - Phố Nối qua tỉnh Nam Định. Những ngày này, họ còn làm nhiệm vụ điều phối, hỗ trợ ăn, ngủ cho hơn 40 đơn vị tăng cường để gấp rút hoàn thiện dự án. Đường dây 500kV mạch 3 đi qua địa bàn tỉnh Nam Định trở thành điểm nóng nhất trên toàn tuyến Quảng Trạch - Phố Nối.
Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 6: Sắc xanh tình nguyện

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 6: Sắc xanh tình nguyện

Để hỗ trợ, tiếp sức lực lượng thi công đường điện 500kV mạch 3 qua địa bàn, những ngày qua tuổi trẻ Nghệ An đã chung sức, chung lòng đồng hành với đội ngũ thi công. Dù nắng, dù mưa, màu áo xanh tình nguyện vẫn có mặt tại các công trường để hỗ trợ, góp phần đưa dự án đường điện quốc gia sớm về đích.
Rủi may nghề xoi trầm

Rủi may nghề xoi trầm

“Nhiều người trúng trầm đổi đời, mua nhà, mua xe nhưng không phải lúc nào cũng may, nếu rủi mua phải cây “rỗng” trầm thì cũng lỗ nặng vì giá mỗi cây phải từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Nón ngựa miền di sản

Nón ngựa miền di sản

Mấy trăm năm thịnh suy, những đôi tay gầy guộc của người làng đã cần mẫn tạo nên một di sản. Một di sản bằng sự giữ gìn truyền thống và sáng tạo, mang nét cũ xưa và cả hơi thở hiện đại của thời cuộc vào trong chiếc nón mỏng manh, nhẹ nhàng ấy.
Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 3: 30 năm và hành trình của người lính truyền tải

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 3: 30 năm và hành trình của người lính truyền tải

“Đến giờ tôi vẫn tự hào mình là người ngành điện, để được sống, làm việc và cống hiến cho hành trình gìn giữ nguồn điện trên khắp chiều dài đất nước. Cái duyên với đường dây 500kV và những kỷ niệm về nó sẽ theo tôi suốt đời”, ông Trần Khương Tâm - cán bộ Điện lực Thừa Thiên - Huế, chia sẻ.