Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - Bài 16: Thâm nhập 'bộ não' điều hành ở Phố Nối

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trạm biến áp 500kV Phố Nối (Hưng Yên) - điểm cuối cùng của công trình 500kV mạch 3 đã hoàn tất việc lắp đặt, sẵn sàng đón điện từ miền Nam kéo ra.

Việc điều tiết cấp phát điện được thực hiện thông qua một trung tâm điều khiển hiện đại đóng tại đây…

Những nội quy đặc biệt

Trạm biến áp 500kV Phố Nối nằm biệt lập giữa cánh đồng lúa. Chúng tôi đến khi cơn mưa rào nặng hạt ập đến bất chợt. Dưới đường điện cao thế những tưởng yên tĩnh, nhưng càng tiến đến gần đường điện, tiếng kêu ro ro phát ra càng rõ. “Tiếng kêu này xảy ra do sự phóng năng lượng từ dây dẫn khi cường độ điện trường trên bề mặt dây dẫn lớn hơn cường độ bẻ vỡ không khí xung quanh nó. Điều này tạo ra ảnh hưởng của điện áp cao lên không khí xung quanh đường dây điện cao thế. Nó diễn ra phổ biến trong thời tiết ẩm ướt”, vị chỉ huy công trường dẫn chúng tôi vào trạm biến áp lý giải.

Kiểm tra thiết bị trong Trạm biến áp Phố Nối.

Kiểm tra thiết bị trong Trạm biến áp Phố Nối.

Trạm trưởng Trạm biến áp Phố Nối Phạm Văn Cường đưa chúng tôi vào phòng điều khiển. Điều đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn khi vào khu vực trạm biến áp chính là độ an toàn. Ở đây có bảng quy định thời gian làm việc cho phép trong một ngày đêm, phụ thuộc vào cường độ điện trường. Để nắm bắt sự biến động của cường độ điện trường, các kỹ sư sẽ phải liên tục theo dõi thông số của máy đo được đặt ngay trong phòng. “Nếu cường độ điện trường dưới 5kV/m thì sẽ không hạn chế thời gian làm việc, nếu ở mức từ 20-25kV/m thì thời gian làm việc tối đa chỉ 10 phút và phải trang bị đồ bảo hộ, quần áo từ trường. Và nếu cường độ điện trường trên 25kV/m thì thời gian làm việc là bằng 0”, anh Cường cho hay.

“Tất cả các khâu chúng tôi đều phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngoài các công việc phải kiểm tra thường xuyên, phòng điều khiển luôn phải có người trực. Khi có sự cố, các thiết bị bảo vệ sẽ tự động cắt các điểm sự cố, sau đó sẽ hiển thị trên màn hình tại trạm. Bên trạm sẽ ghi nhận, tổng hợp, đánh giá thời tiết,... để báo cáo lên cấp trên”.

Anh Lê Văn Hưng, Phó Trạm trưởng Trạm biến áp Phố Nối

Xung quanh phòng điều khiển là hệ thống các sơ đồ nối điện chính của trạm biến áp 500kV Phố Nối. Ở giữa có 3 người ngồi trực trước hệ thống màn hình máy tính. Hệ thống máy tính này có nhiệm vụ điều khiển các thiết bị đóng, cắt điện trong trạm biến áp. Cấp điều độ điện quốc gia cũng có thể tham gia điều khiển hệ thống này và mọi trạng thái thông tin của trạm cũng sẽ được kiểm soát.

Mở sơ đồ trung chuyển điện của trạm biến áp trên màn hình máy tính, Phó Trạm trưởng phụ trách kĩ thuật Trạm biến áp Phố Nối Lê Văn Hưng giới thiệu: “Tại đây có thể nhìn các thông số về dòng điện, điện áp, công suất tải của từng đường dây. Đường hiển thị màu xanh lá cây trên màn hình là nguồn điện 500kV, màu đỏ là 220kV và xanh dương là 110kV. Khi công suất âm là trạm đang nhận điện 500kV từ nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Thăng Long về. Sau đó, một phần điện chúng tôi sẽ đẩy xuống trạm biến áp ở Thường Tín, Hà Nội; phần còn lại sẽ đẩy sang trạm biến áp AT1, AT2 để giảm xuống 220kV. Đường màu đỏ này là sơ đồ hệ thống trạm biến áp 220kV và được cấp qua biến áp AT3 xuống 110kV nữa. Trạm 110kV sẽ cấp đi điện lực các tỉnh. Tới đây, cùng với dự án 500kV mạch 3, hệ thống lưới điện 500kV, 220kV, 110kV sẽ được nối một mạch vòng khép kín. Về đường dây 500kV, mạch 1 đưa điện từ Bắc vào Nam; mạch 2 đưa điện từ Nam ra miền Trung, còn mạch 3 đưa tiếp điện từ miền Trung ra miền Bắc. Miền Bắc dùng nhiều thì miền Nam đẩy ra, miền Nam dùng nhiều thì miền Bắc đẩy vào, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh tần số theo hệ tải”.

Bên trong phòng điều khiển Trạm biến áp Phố Nối.

Bên trong phòng điều khiển Trạm biến áp Phố Nối.

Nói tiếp về việc điều tiết điện, Trạm trưởng Phạm Văn Cường cho biết, có hai cấp điều độ. Cấp điện áp 500kV là do Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) điều khiển; cấp điện áp 220kV và 110kV là quyền điều khiển của Trung tâm điều độ hệ thống điện miền (A1). Việc thay đổi kết dây, đảo chiều do nhà máy điện thực hiện. Nhà máy nào phát, tăng, giảm điện sẽ do Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) chỉ đạo. Vừa nói, anh Cường chỉ tay lên bàn trực về phía các điện thoại để bàn, được đánh số A0, A1 vừa cho biết, đó là đường dây để trao đổi từ Trung tâm cấp trên xuống trạm biến áp. Nhiệm vụ của trạm là điều khiển khi có lệnh. Khi muốn sửa chữa một thiết bị thì phải xin lệnh điều khiển từ A0, A1 để tách ra và xử lý.

Phó trưởng Trạm biến áp Phố Nối Lê Văn Hưng chỉ dẫn sơ đồ trung chuyển điện.

Phó trưởng Trạm biến áp Phố Nối Lê Văn Hưng chỉ dẫn sơ đồ trung chuyển điện.

Anh Cường dẫn giải: “Giống như khi ráp nối đường dây 500kV mạch 3 chẳng hạn. Theo quy trình, A0 đưa ra phương thức đóng điện bằng phiếu thao tác. Xuống trạm chỉ thực hiện theo phiếu mà trung tâm đã lập kế hoạch từ trước đó. Kế hoạch đó sẽ có phương thức đóng điện, lấy điện từ đâu. Hiện các thiết bị trong trạm đã sẵn sàng chờ ráp nối đường dây 500kV mạch 3 để hoàn thiện mạng lưới”.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối

Để hoàn thành công đoạn này, công tác chuẩn bị cũng được thực hiện rất cẩn trọng. “Toàn bộ thiết bị đều đã được kiểm tra, nghiệm thu. Sau khi lắp đặt, chúng tôi phải thí nghiệm xem các thiết bị đã đảm bảo vận hành, thời gian đóng cắt… trong giới hạn cho phép chưa mới tiến hành đóng điện”, anh Lê Văn Hưng, Phó Trạm trưởng Trạm biến áp Phố Nối nói.

Anh Hưng cho biết thêm, việc nghiệm thu phải lập hội đồng họp để xem xét toàn bộ thiết bị, quy trình theo tiêu chuẩn quy định. Biên bản được lập gửi lên cấp điều độ, khi có lệnh mới được cấp phiếu thao tác. Phiếu này được fax xuống trạm mới thực hiện mệnh lệnh.

Trong phòng điều khiển ngoài lãnh đạo trạm còn có 15 thành viên thực hiện 3 ca, 5 kíp trực. Mỗi kíp trực có 3 thành viên gồm trực chính và 2 trực phụ. Trước khi giao, nhận ca, những kỹ sư, công nhân tại đây sẽ phải đối chiếu lại tình trạng công việc của ca trước, sơ đồ kết dây như thế nào, có gì bất thường, có đội công tác sửa chữa nào không rồi mới bàn giao ca.

Dưới tấm kính của mặt bàn điều khiển có tấm giấy thể hiện các công việc được phân chia cụ thể theo ngày, tuần, tháng, quý, 6 tháng và năm. Dựa vào đó, các thành viên có thể nhìn vào lịch và làm những công việc cụ thể. Từ những công việc yêu cầu phải làm hàng ngày như kiểm tra thiết bị quét mã QR, tình trạng làm việc, áp, dòng của công tơ, vận hành kênh truyền rơ le bảo vệ… đến các hệ thống chống sét van, bơm cứu hỏa, đồng bộ rơ le và nhiều các việc liên quan đến các thiết bị khác, dù là nhỏ nhất.

Tạnh mưa, anh Hưng đưa chúng tôi đi tham quan một vòng trạm. Phó Trạm trưởng trấn an chúng tôi về độ an toàn và tiết lộ trên các cột, thiết bị đều được lắp đặt hệ thống chống sét. “Trên là hệ thống chống sét, bên dưới sẽ có hệ thống tiếp địa, đảm bảo an toàn cho hệ thống. Sự cố trong trạm gần như tuyệt đối không được xảy ra”, anh Hưng chia sẻ.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.