Trại giam Gia Trung: Phạm nhân vỡ òa niềm vui trước ngày đặc xá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những ngày này, Trại giam Gia Trung-Bộ Công an (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đang tất bật chuẩn bị cho lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh 2-9. Nhìn ánh mắt của các phạm nhân, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc, sự phấn khởi của họ khi được đặc xá, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù để sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng nhờ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

 Phạm nhân N.T.T.U. (SN 1973, trú huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vui mừng trước ngày về đoàn tụ với gia đình. Ảnh: Hà Phương
Phạm nhân L.V.T. (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) tâm sự cùng phóng viên trước ngày được đặc xá. Ảnh: Lê Anh

Ngày 1-9, cánh cửa nhà tù sẽ ở lại sau lưng hàng chục con người lầm lạc đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Gia Trung. Tất cả họ đều muốn quên đi quá khứ để trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đếm ngược thời gian, chờ ngày đoàn tụ với gia đình, những đêm cuối cùng trong tù với họ đan xen nhiều cung bậc cảm xúc.

Biết mình có tên trong danh sách được đặc xá lần này, phạm nhân N.T.T.U. (SN 1973, tỉnh Phú Yên) đã vui mừng không cầm được nước mắt. Sau 5 năm 4 tháng nỗ lực cải tạo, chị được đặc xá trước thời hạn 2 năm 3 tháng. Niềm vui ùa về khiến chị không ngủ được, chỉ mong thời gian trôi nhanh để đến ngày được trở về gặp lại gia đình, người thân. Đưa ánh mắt nhìn về phía cổng trại giam, chị vội gạt đi dòng nước mắt rồi kể về cuộc đời và những suy nghĩ nông cạn đã đưa chị đến con đường phạm tội: "Từ ngày chồng mất, cuộc sống của 
tôi cùng 2 đứa con trai ngày càng khó khăn, nợ nần. Vì muốn có tiền để trả nợ và lo cho con nên tôi đã nghe theo lời bạn bè, lao vào buôn bán cây cần sa. Sau khi bị bắt, tôi bị xử phạt với bản án 7 năm 6 tháng tù và vào trại chấp hành án từ ngày 19-4-2017. Những ngày ở trong trại, tôi rất hối hận về hành vi của mình và quyết tâm cải tạo tốt để mong sớm được về với gia đình. Được đặc xá dịp này, tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã có chính sách khoan hồng cho những người lầm lỗi như tôi. Tôi cảm ơn cán bộ giám thị trại đã giáo dục, giúp đỡ tôi vượt qua những khó khăn để quyết tâm cải tạo tốt và sớm được về với gia đình".

“Ở trong trại, tôi được cán bộ dạy nghề may. Sau khi về với gia đình, tôi sẽ tiếp tục theo nghề này để kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Tôi quyết sẽ sửa chữa và quên đi những lỗi lầm trước đây, không làm điều gì sai nữa. Tôi sẽ dạy các con đừng làm gì vi phạm pháp luật giống như tôi”-chị U. tâm sự.


Cũng như chị U., những tháng ngày ở trong trại của phạm nhân L.V.T. (tỉnh Hà Tĩnh) là quãng thời gian dài nhất mà anh cảm nhận trong đời mình. Phạm nhân T. phạm tội khai thác lâm sản trái phép với mức án 2 năm 10 tháng tù. Do quá trình cải tạo tốt và đã chấp hành án phạt tù gần 2/3 thời gian nên dịp này, phạm nhân T. được giảm hết án. “Được xét đặc xá vào dịp này, tôi vui mừng lắm. Ngày nào tôi cũng mong cho thời gian qua thật nhanh để đến ngày được về với gia đình"-anh T. nói.

Tâm sự với P.V, phạm nhân T. không kìm được những giọt nước mắt hối hận về hành vi phạm tội của mình: “Khi vào đây, tôi được cán bộ quản giáo, Giám thị trại giam giúp đỡ và giáo dục. Tôi hứa sau khi ra trại về với gia đình sẽ tích cực lao động bằng chính nghề mộc đã được học trong trại để lo cho gia đình. Tôi mong các bạn tù còn đang cải tạo ở trại hãy tích cực lao động thật tốt, chấp hành nghiêm các quy định để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm trở về với gia đình và cộng đồng".

 Phạm nhân L.V.T. (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) tâm sự cùng phóng viên. Ảnh: Hà Phương
Ban Giám thị Trại giam Gia Trung trao quyết định giảm án cho các phạm nhân. Ảnh: Hà Phương


Cũng trong tâm trạng chờ đến ngày trở về cùng gia đình, phạm nhân L.T.H. (SN 1964, tỉnh Đak Lak) chia sẻ: “Tôi rất vui mừng vì mình được giảm án 8 tháng tù trong đợt này. Tôi xin hứa sau khi ra trại trở về địa phương sẽ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và không tái phạm, tích cực chăm lo làm ăn. Tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã có chính sách khoan hồng dành cho những người lầm lỗi”.

Ngoài chính sách đặc xá về tha tù trước thời hạn thì giảm chấp hành án phạt tù cũng là một trong những chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người từng lầm lỗi. Đại tá Đào Ngọc Sỹ-Giám thị Trại giam Gia Trung-thông tin: Dịp Quốc khánh năm nay, Trại giam đã gửi hồ sơ đề nghị 69 phạm nhân được xét giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù; 13 phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Những phạm nhân được đặc xá là những người chấp hành tốt nội quy, quy chế của trại, luôn tích cực lao động, học tập; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên và có nơi cư trú rõ ràng. Sau khi các phạm nhân được trao giấy chứng nhận đặc xá, Ban Giám thị trại sẽ cấp tiền tàu xe để về với gia đình. Ngoài ra, sau khi các phạm nhân nhận quyết định đặc xá sẽ mang về trình với chính quyền địa phương; đối với những phạm nhân đã học nghề ở trong trại thì được cấp chứng chỉ nghề của các cơ sở giáo dục để về địa phương xin việc làm. Niềm vui của phạm nhân được đặc xá cũng chính là niềm vui của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Chúng tôi rất hạnh phúc khi thấy những con người đã từng lầm lỗi nhưng trải qua quá trình giáo dục, rèn luyện đã nhận ra lỗi lầm, quyết tâm cải tạo tốt để được về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.

 “Mỗi phạm nhân được hưởng đặc xá và thân nhân cần thấy rõ chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, sau khi trở về đoàn tụ cùng gia đình, phải chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất để sớm ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội”-Giám thị Trại giam Gia Trung nhấn mạnh.

Cũng trong dịp 2-9 năm nay, tại Trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai có 8 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được đề nghị hưởng chính sách giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù và được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Trong số những phạm nhân mà chúng tôi gặp trước ngày đặc xá, mỗi người một nẻo đường phạm tội, mỗi một bản án và mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng trong họ đều ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ của người sắp được trở về với cuộc sống tự do, đoàn tụ với gia đình. Được hưởng chính sách khoan hồng mang đậm tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, tin rằng họ sẽ sớm hòa nhập với cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

 

HÀ PHƯƠNG-LÊ ANH

 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.