Tốt gỗ, phải tốt cả nước sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ lâu, thế giới đã có hẳn một ngành công nghiệp: công nghiệp bao bì; có hẳn một ngành mỹ thuật ứng dụng: nghệ thuật design (thiết kế) bao bì sản phẩm.
Với Việt Nam, lâu nay, sự chú ý đến hình thức bao bì sản phẩm như cách trình bày, màu sắc, độ hấp hẫn, thân thiện, bắt mắt… còn rất thấp. Thậm chí, với Trung Quốc, những cơ sở xuất khẩu Việt Nam vẫn coi đây là thị trường dễ tính”, mình cứ chở hàng xuất khẩu “trần như nhộng” lên biên giới, bán sang được bên kia là… xong. Nhưng Trung Quốc bây giờ đã siết chặt các quy định về bao bì nhãn mác hàng nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ “té ngửa” khi hàng hóa bị chính “thị trường dễ tính” này không chấp nhận, trả về.
Thiết kế, trình bày bao bì, nhãn mác không hề là chuyện dễ làm, không phải muốn làm sơ sài thế nào cũng được.
Thiết kế, trình bày bao bì, nhãn mác không hề là chuyện dễ làm, không phải muốn làm sơ sài thế nào cũng được.
Việc 1 mặt hàng trái cây là nhãn Việt Nam bị Australia dừng thông quan mới đây cho thấy, việc làm bao bì nhãn mác sơ sài, không đáp ứng tiêu chuẩn khoa học của bên nhập khẩu là tai hại cho bên xuất khẩu đến thế nào! Bộ Nông nghiệp Australia đã gửi thư cho phía Việt Nam nhắc lại các điều kiện đóng gói bao bì, như: với thùng carton kín phải đóng gói trong thùng carton có nắp được đậy chặt và không có lỗ thông hơi. Nếu thùng carton có lỗ thông hơi thì các lỗ này phải được che bằng lưới và kích thước không quá 1,6 mm, độ dày của lưới không nhỏ hơn 0,16 mm hoặc các lỗ thông hơi phải được dán lại. Mục đích của các điều kiện này là để tránh hàng hóa bị nhiễm bẩn hoặc tái nhiễm sau khi chiếu xạ... Đó là những yêu cầu mang tính khoa học nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa mà bên xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt. Ngược lại, bên xuất khẩu sẽ phải chuốc lấy hậu quả tai hại khi hàng bị trả về, vừa mất uy tín, vừa lỗ vốn.
Thiết kế, trình bày bao bì, nhãn mác không hề là chuyện dễ làm, không phải muốn làm sơ sài thế nào cũng được. Đó là câu chuyện thuộc về marketing, thuộc về mỹ thuật ứng dụng, thuộc về sự sáng tạo và khả năng nắm bắt thị hiếu của khách hàng nước ngoài. Mà với khách nước ngoài thì mỗi nước lại có thị hiếu riêng, có những sự chấp nhận nghệ thuật cùng màu sắc riêng. Không nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, khoa học, đúng tinh thần Global Marketing (tiếp thị toàn cầu) thì sẽ không đưa hàng hóa Việt vươn xa được.
Với tem truy xuất nguồn gốc, với logo in rõ các tiêu chuẩn sản phẩm, từ VietGAP tới GlobalGAP, rồi organic… cũng đòi hỏi phải thực hiện một cách hết sức nghiêm túc và trung thực, nếu muốn bán hàng lâu dài. Sự cẩu thả hay thói dễ dãi hoàn toàn không có đất sống trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Ngay màu sắc của bao bì cũng là một chuyện quan trọng khi người mỗi nước có sở thích khác nhau. Phải “vừa lòng khách” tới từng chi tiết nhỏ mới mong bán được hàng, dẫu hàng của mình “xịn”, tốt thực.
Để có được tầm nhìn, tâm thế và thói quen đưa sản phẩm hoàn hảo từ chất lượng tới hình thức ra thị trường, nhất là thị trường quốc tế đòi hỏi nhận thức của người sản xuất và doanh nghiệp bán hàng Việt phải được nâng lên một bình diện mới. Không chỉ vài ba doanh nghiệp theo được tiêu chuẩn “tốt gỗ, tốt cả nước sơn” này, mà tất cả các nhà sản xuất, các doanh nghiệp bán hàng đều phải thực hiện để sản phẩm của mình đạt tới cùng lúc 2 tiêu chuẩn ấy. Chất lượng hàng tốt là điều bắt buộc, nhưng hình thức bao bì nhãn mác mẫu mã tốt, đẹp, bắt mắt, thân thiện với môi trường cũng phải được chú trọng. Như bây giờ, sản phẩm không chỉ xuất khẩu mà bán trong thị trường nội địa cũng tiến dần tới hạn chế rồi nói “không” với các loại bao nhựa, từ nhỏ tới lớn. Tôi để ý, người tiêu dùng Việt bây giờ cũng bắt đầu xa lánh các loại bao bì nhựa, điều đó các doanh nghiệp từ sản xuất tới bán hàng cần hết sức quan tâm, nếu không muốn hàng hóa của mình bị tẩy chay ngay ở thị trường trong nước. 
Chính sự tìm tòi thiết kế những sản phẩm văn minh sẽ khiến Việt Nam phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chuyên về design bao bì, trình bày bao bì đạt tầm quốc tế. Rất cần vươn tới tầm cao như vậy để bảo đảm sản phẩm Made in Việt Nam trở nên quen thuộc một cách văn minh, thân thiện trên các thị trường thế giới.
 Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.