Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình nói gì trong cuộc hội đàm cuối?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 16-11 cam kết sẽ làm việc với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Đó là tuyên bố của ông Tập trong cuộc hội đàm cuối cùng với Tổng thống Joe Biden về các vấn đề bất đồng lớn từ tội phạm mạng đến thương mại, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và Nga trước khi ông Trump nhậm chức.

Ông Biden đã có cuộc gặp với ông Tập trong khoảng hai giờ đồng hồ bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Lima – Peru. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai lãnh đạo sau 7 tháng.

Chủ tịch Tập cho biết mục tiêu của Trung Quốc về một mối quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững với Mỹ vẫn không thay đổi sau cuộc bầu cử Mỹ dù thừa nhận có "những thăng trầm" giữa hai nước. Trung Quốc sẵn sàng làm việc với chính quyền mới của Mỹ để duy trì liên lạc, mở rộng hợp tác và xử lý những vấn đề bất đồng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại APEC hôm 16-11. Ảnh: Tân Hoa Xã
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại APEC hôm 16-11. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ông Tập Cận Bình phát biểu trong cuộc gặp: "Khi hai nước đối xử với nhau như đối tác và bạn bè, tìm kiếm tiếng nói chung trong khi gác lại những khác biệt và giúp nhau thành công, mối quan hệ của chúng ta sẽ đạt được tiến triển đáng kể. Nhưng nếu chúng ta xem nhau là đối thủ hoặc kẻ thù, theo đuổi sự cạnh tranh khốc liệt và tìm cách làm tổn thương lẫn nhau, chúng ta sẽ làm xáo trộn mối quan hệ hoặc thậm chí là cản trở nó".

Ông Biden cho rằng hai nhà lãnh đạo không phải lúc nào cũng đồng quan điểm nhưng các cuộc thảo luận của họ rất thẳng thắn. Ông Biden cũng nhấn mạnh với ông Tập Cận Bình về nhu cầu duy trì sự ổn định, rõ ràng, khả năng dự đoán được giữa Mỹ và Trung Quốc trong tiến trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ.

Ông Shen Dingli, học giả về quan hệ quốc tế tại Thượng Hải, nhận định Trung Quốc muốn cuộc họp này giúp làm giảm căng thẳng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Ông Shen cho biết Trung Quốc chắc chắn không muốn mối quan hệ với Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn trước khi ông Trump chính thức nhậm chức.

Theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng con người nên đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chứ không phải trí tuệ nhân tạo (AI). Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh phải xem xét cẩn thận những rủi ro tiềm ẩn và phát triển công nghệ AI trong lĩnh vực quân sự một cách thận trọng và có trách nhiệm.

Hiện chưa rõ liệu tuyên bố trên có dẫn đến các cuộc đàm phán hoặc hành động tiếp theo về vấn đề này hay không.

Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính hồi năm ngoái rằng Trung Quốc sở hữu 500 đầu đạn hạt nhân hoạt động và có thể triển khai hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030. Trong khi đó, con số này của Mỹ và Nga lần lượt là 1.770 và 1.710. Lầu Năm Góc nói thêm vào năm 2030, phần lớn vũ khí của Bắc Kinh có thể sẽ được duy trì ở mức độ sẵn sàng cao hơn.

Theo Xuân Mai (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

(GLO)- Sau nhiều lần phát hiện thiết bị bay không người lái bay trên các cơ sở quân sự mà không được cấp phép, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật sửa đổi Đạo luật An ninh Hàng không, cho phép lực lượng vũ trang nước này bắn hạ các máy bay không người lái xâm nhập trái phép.