Đây là quan điểm và chính sách nhất quán, xuyên suốt, thể hiện qua các chủ trương và nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo, trong đó có Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo.
Quan điểm nhất quán của Đảng về tôn giáo
Tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật dành cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo do Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Thị Định-Báo cáo viên của Ban Tôn giáo Chính phủ-nêu rõ: “Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo, tỷ lệ người dân theo các tôn giáo chiếm 27% dân số. Cả nước hiện có hơn 27 triệu người đang sinh hoạt trong 38 tổ chức tôn giáo. Đồng thời, có gần 4.000 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo được cấp phép sinh hoạt tập trung, trong đó có 67 điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo dành cho người nước ngoài.
Đến nay, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc đạt hơn 70%. Các cơ sở thờ tự từng bước được xây dựng, tôn tạo ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân và sự phát triển chung của xã hội”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp (bìa phải) tặng lẵng hoa chúc mừng lễ Giáng sinh năm 2023 tại giáo xứ Đức An (TP. Pleiku). Ảnh: T.N |
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn tôn trọng sự phát triển của các tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã thông qua Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 về công tác tôn giáo. Để triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp yêu cầu phát triển và hội nhập, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa thành những quy định pháp luật như: Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (ban hành năm 2004), Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
Sau đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành từ năm 2018 đã tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy: Nghị quyết số 25-NQ/TW đã thể hiện đầy đủ nhận thức mới của Đảng, khẳng định cụ thể và rõ ràng hơn về sự tồn tại có tính khách quan của tôn giáo trong đời sống xã hội.
Nghị quyết nêu rõ: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận người dân. Đảng ta khẳng định thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền được sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Tỉnh ủy cũng đã ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Gia Lai có 5 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài và Baha’i với khoảng trên 400 ngàn tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số. Các tôn giáo hiện có 362 chức sắc, 1.593 chức việc và 512 nhà tu hành; có 190 tổ chức tôn giáo trực thuộc và 247 cơ sở tôn giáo.
Ông Nguyễn Văn Nô-Phó Trưởng ban Tôn giáo tỉnh: “Ban đã phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tổ chức cho chức sắc, tu sĩ và tín đồ quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân trong các tôn giáo theo đúng quy định”.
Ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: “Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên chỉ đạo MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động. Đồng thời, đề nghị toàn thể chức sắc, chức việc, tu sĩ và tín đồ chấp hành sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, phát huy tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Mặt trận các cấp trong tỉnh duy trì xây dựng, củng cố đội ngũ chức sắc, người uy tín trong đồng bào các tôn giáo. Định kỳ, MTTQ phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp duy trì tổ chức thăm hỏi, gặp mặt thân mật chức sắc, chức việc, cá nhân tiêu biểu trong các tôn giáo, phát huy vai trò tuyên truyền người theo đạo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội”.
Để đáp ứng nhu cầu tham gia sinh hoạt Phật giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, UBND tỉnh đã cho phép thành lập 3 tịnh xá tại huyện Chư Sê gồm tịnh xá Phú Cường (xã Ia Pal), tịnh xá Ngọc Đồng (xã Ia Blang), tịnh xá Ngọc Chư (xã Kông Htok).
Thượng tọa Thích Giác Duyên-Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh-chia sẻ: “Đến nay, 3 tịnh xá này có hơn 3.500 phật tử người dân tộc Jrai và Bahnar thuộc một số xã của huyện Chư Sê và Chư Pưh tham gia sinh hoạt đạo. Các tịnh xá kết hợp giữa sinh hoạt tôn giáo với phát huy bản sắc văn hóa người dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc và tôn giáo ở địa phương”.
Chi hội Tin lành Plei Châm Aneh là chi hội thứ 72 được chính thức thành lập tại tỉnh Gia Lai trực thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam). Ảnh: T.N |
Người theo đạo Công giáo và Tin lành cũng được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo đúng quy định pháp luật và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ông Phan Trung Hưng-Thành viên Ban chức việc Giáo xứ Hoàng Yên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho hay: “Giáo xứ có khoảng 2.000 giáo dân. Đáp lại sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, bà con giáo dân luôn đoàn kết sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào do địa phương triển khai, thực hiện nếp sống văn hóa và chung tay xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, giáo xứ có trên 95% số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa”.
Trong khi đó, ông Lol-Thành viên Ban Chấp sự Chi hội Tin lành Plei Châm Aneh (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) bộc bạch: “Được chính quyền địa phương cho phép, Chi hội đã được thành lập để tín hữu sinh hoạt đạo thuận lợi hơn. Tôi và mục sư cùng Ban Chấp sự có trách nhiệm hướng dẫn bà con tín hữu sinh hoạt đạo đúng pháp luật và Hiến chương của Hội thánh, phát huy tinh thần “kính Chúa-yêu nước” và đường hướng “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” do Hội thánh đề ra”.
Còn mục sư Phạm Văn Phúc-Trưởng ban Đại diện Tin lành tỉnh thì thông tin: “Chúng tôi rất phấn khởi vì địa phương luôn tạo điều kiện cho hoạt động của Hội thánh. Đến nay, tỉnh đã cho phép thành lập 72 chi hội trực thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), đồng thời duy trì hơn 200 điểm nhóm sinh hoạt.
Các chi hội xây dựng được gần 40 nhà thờ đưa vào hoạt động và nhiều công trình đang tiếp tục xây dựng. Tỉnh còn tạo điều kiện cho Hội thánh tổ chức tấn phong mục sư. Hiện nay, Gia Lai có 47 mục sư thực thụ và 24 mục sư nhiệm chức, đáp ứng nhu cầu hoạt động của Hội thánh và sinh hoạt tôn giáo”.