Tình yêu tròn của người mẹ “khuyết”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dẫu mang trên mình những khiếm khuyết, nhưng những người mẹ khuyết tật vẫn luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, để lao động chăm sóc, nuôi dạy các con khôn lớn. Tình yêu các chị dành cho con luôn tròn đầy.

Con là quan trọng nhất

Mấy ngày qua, căn nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Cúc Huệ (29 tuổi), ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức), đã không còn hiu quạnh, mà trở nên ấm áp, rộn rã tiếng nói cười. Chị Huệ vừa trở về thăm quê sau một thời gian dài mưu sinh tại TP.Hồ Chí Minh. Dẫu đôi chân di chuyển khó khăn, chị Huệ vẫn cố gắng dùng chiếc nạng nhích từng bước để cổ vũ con gái đang thi kéo co với bạn.

Vốn là một người khỏe mạnh, nhưng đến năm 20 tuổi, chị Huệ không may bị tai nạn giao thông. Khi đó, chị Huệ lại đang mang thai đứa con đầu lòng được 5 tháng. Vụ tai nạn giao thông khiến cuộc sống chị Huệ đã khó khăn lại càng rơi vào bế tắc. “Đó là một buổi chiều tháng 7 cách đây 9 năm, khi đang chờ sang đường, tôi thấy một chiếc xe container lao về phía mình. Trong lúc hoảng hốt ấy, tôi chẳng kịp nghĩ nhiều, chỉ vội thả tay lái, ôm nhanh lấy chiếc bụng bầu, để bảo vệ con của mình. Mọi thứ diễn ra quá chớp nhoáng, khiến tôi không nhớ những gì diễn ra sau đó. Khi tỉnh lại cũng là lúc tôi đang nằm trên giường bệnh với chằng chịt dây truyền dịch, truyền máu. Tôi vội vàng sờ bụng mình, liên tục hỏi tình hình của em bé trong bụng. Khi bác sĩ bảo em bé vẫn ổn, tôi mới có thể bình tĩnh lại, mặc dù lúc đó tôi biết chân phải của tôi đã bị cưa bỏ”, chị Huệ xúc động nhớ lại.

tinh-yeu-tron-cua-nguoi-medd.jpg
Chị Nguyễn Thị Cúc Huệ, ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức), luôn cố gắng vượt qua khiếm khuyết của cơ thể để lao động, nuôi dạy con.

Chuỗi ngày điều trị hoại tử vết thương ở bệnh viện, chị Huệ lúc nào cũng mang tâm trạng lo lắng, sợ ảnh hưởng đến đứa con trong bụng của mình. Chị Huệ thà cắn răng chịu đựng những cơn đau nhức hành hạ kéo dài, chứ nhất định không chịu điều trị bằng thuốc kháng sinh. Chị sợ con bị dị tật, do quá trình dùng thuốc của mình.

Nỗi đau mất mát thể xác chưa kịp vơi, thì cũng là lúc chị Huệ bị người chồng “đầu gối, tay ấp” bỏ rơi. Trong sâu thẳm trái tim mình, dẫu vô cùng đớn đau, nhưng chị Huệ luôn cố tỏ ra là một người mạnh mẽ. Vượt qua quãng thời gian điều trị chân xong cũng là lúc chị Huệ đến ngày sinh nở. Ngày nhập viện để mổ lấy thai, bao nhiêu mạnh mẽ gắng gượng trước đó của chị Huệ đã không còn mà nhường chỗ cho những giọt nước mắt, cho những buồn vui lẫn lộn. Mãi đến giây phút được ôm con gái vào lòng, chị Huệ mới nở được nụ cười hạnh phúc, nụ cười mà bấy lâu chị mong mỏi. “Ngày con chào đời là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi. Khi ôm con trên tay, sờ thấy con lành lặn, khiến tôi xúc động nghẹn ngào”, chị Huệ nói.

Lần đầu làm mẹ, chị Huệ gặp vô vàn khó khăn, lúng túng trong việc chăm sóc con. Với người bình thường đã khó nhọc, với người khuyết tật như chị Huệ lại càng vất vả gấp bội. Dẫu vậy, chị vẫn luôn cố gắng làm tốt vai trò của người mẹ, nỗ lực chăm con thật tốt.

Vài năm sau, chị Huệ may mắn được một người chị tốt bụng dạy nghề và nhận vào làm công nhân may ở TP.Hồ Chí Minh. Dẫu xa con, nhưng vì cuộc sống, chị Huệ đành gửi con gái cho mẹ ruột ở quê nhà. Nhờ luôn nỗ lực làm lụng, sau hơn 5 năm mưu sinh nơi đất khách, đến nay, cuộc sống của chị Huệ đã dần ổn định, chị đã có tiền trang trải cuộc sống và lo cho con ăn học đủ đầy.

Lạc quan, yêu đời

Thoạt nhìn, ít ai nghĩ với phong thái tự tin cùng lối nói chuyện hài hước, cởi mở, chị Đặng Thị Thảo (44 tuổi), ở thôn An Chỉ Đông, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), lại là một người bị khuyết tật vận động, không thể đi đứng bằng 2 chân. Dẫu cuộc đời của mình không may mắn, nhưng chị Thảo vẫn luôn mỉm cười với số phận. Sự lạc quan, yêu đời của chị Thảo chính là sợi dây gắn kết một người đàn ông lành lặn nguyện trọn đời mang lại hạnh phúc cho chị.

2tinh-yeu-tron.jpg
Chị Đặng Thị Thảo, ở thôn An Chỉ Đông, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), rạng ngời niềm vui khi các con khôn lớn, trưởng thành.

Sau khi kết hôn, chị Thảo luôn ước mong được làm mẹ, nhưng phải đến gần 3 năm ước mong ấy mới trở thành hiện thực. Khi biết mình đang mang trong người sinh linh bé nhỏ, chị Thảo vừa vui nhưng cũng không khỏi băn khoăn lo lắng, vì sức khỏe của mình vốn yếu ớt, di chuyển lại khó khăn. Chính tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp chị vượt qua tất cả. Hai năm sau ngày con trai chào đời, chị Thảo lại một lần nữa vỡ òa hạnh phúc khi tiếp tục được lên thiên chức làm mẹ. “Chồng tôi đi làm xa nhà, mấy tháng mới về một lần, nên mọi công việc trong nhà, chăm sóc, nuôi dạy con cái, tôi đều cố gắng cáng đáng. Có thể tôi không phải là một người mẹ hoàn hảo, nhưng tôi luôn yêu con bằng một tình yêu hoàn hảo nhất”, chị Thảo bộc bạch.

"Có thể tôi không phải là một người mẹ hoàn hảo, nhưng tôi luôn yêu con bằng một tình yêu hoàn hảo nhất”.

Chị ĐẶNG THỊ THẢO

Nhìn chị Thảo cố gắng ghì chặt 2 chiếc nạng để thay đôi chân điều khiển chiếc máy may và lấy điểm tựa vững để ngồi may, khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Chị Thảo vẫn thường tranh thủ thời gian rảnh, cặm cụi thiết kế, cắt may để tạo ra những sản phẩm thời trang đẹp mắt, rồi chụp ảnh, đăng bán trên mạng xã hội. Công việc này vừa giúp chị Thảo thỏa đam mê, lại có thêm thu nhập phụ chồng nuôi nấng 2 con.

Bao la tình mẹ

Mới đây, trong dòng người đông đúc tại buổi trưng bày các gian hàng sản phẩm đặc trưng của TP.Quảng Ngãi, chúng tôi khá ấn tượng với một người phụ nữ khuyết tật vận động, bị teo tay, lệch miệng, nhưng vẫn kiên trì giới thiệu sản phẩm nhang quế của mình đến khách hàng. Hỏi ra mới biết, chị là Mai Thị Trúc Lệ (38 tuổi), ở thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi).

Chị Lệ quê ở tỉnh Tiền Giang, nhưng lại nên duyên với anh Đặng Văn Tấn, ở xã Tịnh Thiện, một người đàn ông bị teo tứ chi. Hai con người không lành lặn đã bổ khuyết cho nhau, để cùng xây đắp hạnh phúc.

3tinh-yeu-tron.jpg
Chị Mai Thị Trúc Lệ (bên trái), ở thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi), luôn nỗ lực lao động, để lo cho con có cuộc sống đủ đầy.

Không lâu sau ngày kết hôn, chị Lệ vô cùng hạnh phúc khi biết tin mình được làm mẹ. Kể từ giây phút đó, chị Lệ biết mình cần phải nỗ lực nhiều hơn. Dù sức khỏe yếu, lại đang mang thai, nhưng người mẹ khuyết tật không nề hà bất cứ việc gì. Hằng ngày, trên chiếc xe 3 bánh dành cho người khuyết tật, chị Lệ vẫn rong ruổi khắp các ngả đường để bán hàng rong, mong chắt chiu thêm tiền để lo chi phí sinh đẻ, nuôi con. Ngày sinh con, chị Lệ không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc, khi đứa con trai sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, không mang những khiếm khuyết như cha mẹ.

Để lo cho con có cuộc sống tốt hơn, chị Lệ nhận thấy bản thân chị cần phải mạnh dạn tìm hướng đi mới. Thế là chị đã mày mò nghiên cứu và tận dụng những nguyên liệu thiên nhiên sẵn có ở địa phương để sản xuất nhang sạch. Sau hơn 3 năm kiên trì, mọi vất vả của chị đã được đền đáp, sản phẩm của chị được nhiều khách hàng tìm mua. Giờ đây, chị Lệ không phải vất vả sớm hôm như trước, mà có nhiều thời gian chăm lo, nuôi dạy con tốt.

Trải lòng về hành trình vượt khó của mình, chị Lệ chia sẻ, tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Sự khiếm khuyết trên cơ thể của tôi không phải là bất hạnh, chỉ là bất tiện, khó khăn hơn người bình thường. Tôi xem khiếm khuyết của cơ thể là đòn bẩy để mình nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. Chỉ cần nhìn thấy con lớn khôn, chăm ngoan, học giỏi thì bao mệt mỏi, khó nhọc, tôi đều cố gắng đánh đổi.

Khi nghe chúng tôi hỏi về tình cảm dành cho mẹ, hai mắt em Đặng Quang Nhật, con trai chị Lệ, đỏ hoe. Dù chỉ mới 11 tuổi, nhưng Nhật rất hiểu chuyện, biết đỡ đần phụ giúp mẹ công việc nhà và luôn nỗ lực đạt thành tích xuất sắc trong học tập. “Con chưa bao giờ mặc cảm vì mẹ con bị khuyết tật, mà ngược lại con luôn tự hào vì có một người mẹ luôn dành cho con tình yêu bao la. Đáp lại tình cảm của mẹ, con luôn nói những lời yêu thương và cố gắng chăm ngoan, học giỏi", Nhật xúc động nói.

Bằng nghị lực vượt khó và sức mạnh thiêng liêng của tình mẫu tử, những người mẹ khiếm khuyết vẫn luôn nỗ lực tiến về phía trước. Họ đã đánh đổi những vất vả, khó nhọc, dành tất thảy những yêu thương chỉ mong con mình khôn lớn, trưởng thành, sống một cuộc đời bình an.

Theo Bài, ảnh: HẢI CHÂU (baoquangngai.vn)

Có thể bạn quan tâm

Tết giữa đại dương

Tết giữa đại dương

Trong khi người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với gia đình, thì ở cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), các ngư dân miền Trung cũng đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày và đón một cái Tết nữa giữa đại dương.

Nghề “cõng” hoa Tết

Nghề “cõng” hoa Tết

Cuối tháng Chạp, thương lái đổ về “thủ phủ” hoa cúc ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) lấy hàng phục vụ thị trường, đây cũng là lúc hàng chục lao động làm nghề “cõng” hoa vào thời điểm mưu sinh với hy vọng có được cái Tết đủ đầy.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.