Tín hiệu vui từ cánh đồng Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện nay, công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã hoàn thành các hạng mục như: hồ chứa, đập đầu mối và các tuyến kênh chính. Để phục vụ người dân tiếp cận sản xuất lúa nước, các đơn vị liên quan đã khảo sát xây dựng 10 tuyến kênh nhánh dẫn nước về một số cánh đồng. Đây là bước tạo đà giúp người dân vùng biên canh tác lúa 2 vụ trong năm.

Mở hướng sản xuất lúa 2 vụ

Công trình thủy lợi Ia Mơr được đầu tư xây dựng từ năm 2005 với mục tiêu khai thác tiềm năng đất đai của 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak. Sau khi hoàn thành, công trình cung cấp nước tưới cho 12.500 ha đất sản xuất nông nghiệp gồm 8.500 ha của Gia Lai và 4.000 ha tại tỉnh Đak Lak. Ngoài ra, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt cho 50 ngàn hộ dân.

Một tuyến kênh nhánh dẫn nước giúp dân làng Klăh sản xuất lúa vụ mùa 2022. Ảnh: Nguyễn Diệp
Một tuyến kênh nhánh dẫn nước giúp dân làng Klăh sản xuất lúa vụ mùa 2022. Ảnh: Nguyễn Diệp


Đến nay, công trình đã hoàn thành các hạng mục như: hồ chứa, hạ tầng công trình đầu mối và một số tuyến kênh chính nhưng chưa khai thác dẫn nước tưới. Nguyên nhân là do vùng tưới khoảng 8.500 ha đất rừng chưa chuyển đổi. Để gỡ “nút thắt” cho vùng tưới, năm 2021, từ nguồn vốn kết dư giai đoạn 2 của dự án hơn 22 tỷ đồng, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát xây dựng 10 tuyến kênh nhánh trên kênh chính Đông qua những khu vực sản xuất cũ nhằm giúp người dân canh tác khoảng 850 ha lúa nước.

Vụ Đông Xuân 2021-2022, ông Nông Văn Hoàng-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr đã tiên phong gieo trồng 1,2 ha lúa. Nguồn nước phục vụ sản xuất được lấy từ kênh chính Đông bơm vào ruộng. “Vụ vừa rồi, gia đình thu hoạch gần 9 tấn lúa khô, bán được 46 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 20 triệu đồng. Một số hộ dân cũng làm theo tôi, năng suất lúa bình quân đạt 7 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất truyền thống”-ông Hoàng cho biết.

Ông Siu Thọ (làng Klăh, xã Ia Mơr) cho hay: Trước đây, bà con chủ yếu canh tác lúa 1 vụ dựa vào nguồn nước trời nên năng suất thấp, dễ bị thiệt hại do nắng hạn gây ra. Vừa rồi, một số tuyến kênh nhánh được xây dựng, người dân rất phấn khởi vì có thể canh tác 2 vụ lúa/năm.

Theo ông Hoàng Bình Yên-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Ia Mơr: Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 10 tuyến kênh nhánh với chiều dài hơn 10 km, không vướng vào đất có rừng, đáp ứng năng lực tưới khoảng 850 ha đất sản xuất của người dân xã Ia Mơr. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân có đất sản xuất ở khu vực có các tuyến kênh nhánh tích cực cải tạo đồng ruộng để canh tác theo năng lực tưới của từng tuyến.

“Đòn bẩy” phát triển vựa lúa vùng biên

Sau khi 10 tuyến kênh nhánh được hoàn thiện, huyện Chư Prông tập trung hướng dẫn người dân xã Ia Mơr canh tác lúa nước và hoa màu các loại. Vụ mùa 2022, người dân gieo sạ khoảng 400 ha lúa nước, trong đó, cánh đồng làng Klăh khoảng 100 ha, cánh đồng khu vực suối Khôn 300 ha. Sắp tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sẽ triển khai thí điểm mô hình sản xuất 10 ha lúa nước chất lượng cao tại cánh đồng Klăh để người dân học tập.

Bộ đội Biên Phòng và người dân trong xã Ia Mơr cùng hỗ trợ thu hoạch lúa Đông Xuân 2021-2022. Ảnh: Nguyễn Diệp
Lực lượng bộ đội biên phòng giúp người dân xã Ia Mơr thu hoạch lúa Đông Xuân 2021-2022. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Rơh Mah Him-Bí thư Chi bộ làng Klăh-chia sẻ: Làng có hơn 200 hộ dân, trong đó, người Jrai chiếm khoảng 70%. Những năm qua, bà con được bộ đội Biên phòng và cán bộ nông nghiệp huyện, xã hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước. Năm nay, có kênh dẫn nước về cánh đồng, dân làng rất phấn khởi, hy vọng có thể sản xuất 2-3 vụ lúa/năm.

Còn theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Ia Mơr: Để 10 tuyến kênh nhánh phát huy hiệu quả, thời gian tới, đơn vị sẽ đề xuất với địa phương thành lập hợp tác xã và tổ dịch vụ thủy nông cùng phối hợp cung cấp, điều tiết nước tưới đến chân ruộng. Bên cạnh đó, xây dựng một số mô hình sản xuất để đồng bào dân tộc thiểu số học tập, áp dụng nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Vũ Tú-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho hay: Hiện công trình thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thành. Người dân mong muốn Nhà nước cho chuyển mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng vùng tưới nhằm khai thác hiệu quả công trình, tạo đà cho vùng biên giới Ia Mơr phát triển mạnh trong những năm tới.

 

 NGUYỄN DIỆP 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.