Tìm về căn cứ kháng chiến H2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm sâu trong lõi rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) hiện vẫn còn nhiều chứng tích hào hùng của quân và dân vùng đất kiên trung, bất khuất. Đây là nơi thành lập Huyện ủy và Huyện đội H2 (nay là các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa).

Thăm chiến trường xưa

Bắt đầu từ trung tâm xã Ia Rsai, sau hơn 1 giờ rong ruổi trên những chiếc xe máy độ chế “chuyên dụng” đi rừng, chúng tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi xuyên qua những cánh rừng già để tìm về nơi thành lập Huyện ủy và Huyện đội H2. Có những đoạn thót tim khi một bên là rừng, một bên là vực sâu thăm thẳm.

Dừng xe, đoàn tiếp tục đi bộ gần 2 giờ đồng hồ, vượt qua những con suối, bãi đá, vách núi cheo leo, trơn trượt. Khi cả đoàn thấm mệt cũng là lúc đến được chân thác Trắng. Dòng thác có độ cao hàng chục mét, nước đổ trắng xóa xuống dòng chảy hướng về các buôn thuộc xã Ia Rsai và Chư Rcăm.  

 Đoàn khảo sát trên hành trình tìm lại các dấu tích của căn cứ kháng chiến H2. Ảnh: M.C
Đoàn khảo sát trên hành trình tìm lại các dấu tích của căn cứ kháng chiến H2. Ảnh: Minh Châu


Cùng đi trong đoàn có ông Kpă Xuân và ông Rahlan Bin-những người lính đã từng sống và chiến đấu tại khu căn cứ H2. Vị trí này hiện nằm trong lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai. Mùi hương của rừng hòa với tiếng lá cây xào xạc trong gió, tiếng chim hót, tiếng suối chảy đưa ông Kpă Xuân ngược dòng thời gian trở về ký ức, nơi ông đã dành trọn cả tuổi thanh xuân để chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Ông Kpă Xuân nói: “Tôi may mắn sống sót nên hôm nay mới có dịp được trở lại đây. Phong cảnh vẫn vẹn nguyên như vậy, núi rừng hùng vĩ, mát mẻ, nhiều cảnh đẹp không khác xưa. Có lẽ đây là lần cuối tôi trở lại nơi này vì tuổi cao, sức yếu rồi, khó có thể đi thêm lần nữa”.

Theo lời cựu chiến binh già, cũng bởi địa hình hiểm trở nên nơi này trở thành căn cứ kháng chiến an toàn, bí mật. Ông bồi hồi nhớ: “Thời kỳ kháng chiến khó khổ lắm, gạo thì ít nên bữa cơm độn mì với bắp là chủ yếu. Huyện đội khi ấy vừa chiến đấu, vừa sản xuất, may mắn là được bà con Jrai trong vùng giúp đỡ rất nhiều”.

Sau thời gian nghỉ chân, theo sự chỉ dẫn của 2 ông, chúng tôi tiếp tục băng qua con đường mòn, nơi từng in dấu chân của những người lính năm xưa, len lỏi qua những tán cây rậm rạp để đến nơi trước đây là trụ sở Huyện ủy và các ban, ngành huyện H2. Theo các cựu chiến binh, đây là nơi từng diễn ra các cuộc họp bàn tác chiến, có khu ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và địa điểm rèn vũ khí.

Chúng tôi cũng đến thăm khu vực Huyện đội H2 gồm nhà bếp, địa điểm đóng quân. Trải qua gần nửa thế kỷ, những chứng tích của cơ quan đầu não huyện H2 đã bị thời gian xóa nhòa, nhưng câu chuyện qua ký ức của 2 người lính già đã vẽ nên diện mạo đầy đủ của khu căn cứ trong kháng chiến. Giữa rừng núi trùng vây hiểm trở, sự đoàn kết, ý chí quật cường, khát vọng tự do đã giúp những người đứng đầu đưa ra quyết sách đúng đắn, phù hợp, lãnh đạo quân dân chiến đấu, sản xuất, vượt qua muôn ngàn khó khăn để làm nên mùa xuân đại thắng 1975.

Trong hành trình tìm thăm lại chiến trường xưa, đoàn còn tìm đến địa điểm dựng trụ bia bằng bê tông tại thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm. Ông Nay Phá (Ama Sơn, trú buôn Nu) là người từng tham gia trận đánh đồn Mlah, trận đánh lừng lẫy đã làm tiêu hao sinh lực địch, góp phần làm thất bại chiến tranh xâm lược của giặc Pháp trên chiến trường Tây Nguyên. Ông Nay Phá cho rằng, trụ bia có thể do Pháp dựng lên để đánh dấu một thất bại trên đất Gia Lai năm 1954. Trên bia có khắc 2 thứ tiếng Pháp và Việt. Tuy nhiên, hiện tại, chữ trên bia đã bị thời gian bào mòn, gần như không còn dấu tích.

Không thể lãng quên

 

Bình yên ở vùng đất anh hùng Ia Rsai. Ảnh: Minh Châu
Khung cảnh yên bình ở vùng đất anh hùng Ia Rsai. Ảnh: Minh Châu
Theo “Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa”: “Huyện Krông Pa là địa bàn chiến lược, cửa ngõ của tỉnh Gia Lai và Đak Lak, núi rừng hiểm trở, nơi tiếp giáp của 3 tỉnh Phú Yên, Đak Lak, Gia Lai. Trong kháng chiến, vùng Đông Cheo Reo (còn gọi là H2) là địa bàn thuận lợi làm đầu mối hành lang và đứng chân của các lực lượng của trung ương và tỉnh, phát triển phong trào ra các địa bàn xung yếu, đặc biệt là Nam Tây Nguyên. Được sự chỉ đạo của Khu ủy và 2 tỉnh Đak Lak, Gia Lai, Đảng bộ Krông Pa đã xây dựng căn cứ địa vững chắc ở vùng Đất Bằng, Ia Rsai cùng với tỉnh xây dựng căn cứ Dleiya tồn tại trong suốt 2 cuộc kháng chiến”.

Chị Trần Thị Mỹ Hiền-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Pa-nhận định: Chiến tranh đã lùi xa nhưng địa điểm thành lập Huyện ủy và Huyện đội H2 còn mãi nhắc nhớ về truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng của dân tộc mà thế hệ hôm nay không được phép lãng quên. Do đó, cần có phương án khôi phục các giá trị lịch sử của “địa chỉ đỏ” này.

Chị Hiền cho hay: “Được sự hỗ trợ, tư vấn của Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), chúng tôi đã tổ chức một đoàn khảo sát, trong đó có mời các nhân chứng lịch sử cùng về khu căn cứ để tìm kiếm một số chứng tích còn lại, trên cơ sở đó đề xuất lập hồ sơ khoa học di tích lịch sử đối với khu căn cứ huyện H2. Huyện Krông Pa có nhiều vùng đất được công nhận anh hùng, trong đó có xã Ia Rsai. Chúng tôi mong muốn những chứng tích chiến tranh ấy sớm được công nhận là di tích lịch sử, trở thành những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ, đồng thời cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn với địa hình rừng núi hoang sơ. Hơn nữa, việc lập hồ sơ để công nhận di tích lịch sử đối với căn cứ kháng chiến H2 còn là sự tri ân đối với thế hệ đi trước”.

Theo chị Hiền, từ kết quả chuyến khảo sát, đoàn đã xác định được tọa độ một số vị trí là nơi đứng chân của Huyện ủy, Huyện đội H2 như: chỗ ăn ở, sinh hoạt, nhà bếp, địa điểm phòng họp, nơi rèn vũ khí, khu vực sản xuất, phơi nông sản ở khu vực suối Trăn.

Tham gia đoàn khảo sát, ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: “Nếu tiếp tục tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ thêm nhân chứng lịch sử thì sẽ xây dựng được hồ sơ bảo đảm các tiêu chí để trình UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh đối với bia tưởng niệm của người Pháp và căn cứ H2”. 

MINH CHÂU-NGUYÊN ANH

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

(GLO)- Từ trụ sở UBND xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) du khách theo con đường bê tông di chuyển khoảng 6 km về phía Đông Nam sẽ đến suối Đak Hyam. Tiếng nước lao xao đổ vào phiến đá mang theo hơi gió mát lành giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ níu chân lữ khách.
Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

(GLO)- Cùng với việc UBND tỉnh Gia Lai công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở một số khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Ia Pa, dự án xây bờ kè chống sạt lở cũng được triển khai nhằm ổn định đời sống người dân.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.