Tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giải ngân vốn đầu tư công được coi là động lực để nền kinh tế cả nước bứt phá trong quý 4, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm nay.
 Thi công mở rộng cầu Cao Bồ trên tuyến đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình - phân đoạn quan trọng của tuyến cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Thi công mở rộng cầu Cao Bồ trên tuyến đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình - phân đoạn quan trọng của tuyến cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Giải ngân đầu tư công được xem là giải pháp có thể nắm trong tầm tay, chỉ cần quyết liệt đốc thúc thực hiện, thi công và giải ngân đúng tiến độ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Bắt đầu từ tháng 8, giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực so với những tháng đầu năm. Nhiều dự án quan trọng quốc gia được khẩn trương hoàn thành thủ tục và đi vào triển khai nhằm tạo tác động lan tỏa, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định xã hội. Đây chính là động lực để nền kinh tế bứt phá trong quý 4, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm nay.
Vẫn chậm nhưng nhiều chuyển biến
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2020 chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 9 tháng tăng tới 33% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016 trở lại đây.
Theo Bộ Tài chính, nếu trong 8 tháng năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì kết thúc tháng 9, tỷ lệ giải ngân đã đạt trên 57% nhờ giải ngân hơn 33.915 tỷ đồng và 23 địa phương giải ngân trên 60% kế hoạch vốn.
Nhiều bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân rất ấn tượng như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đạt 100% kế hoạch, Ngân hàng Chính sách xã hội trên 95,2%, tỉnh Hưng Yên trên 87,73%, Ninh Bình trên 82,46%, Thái Bình trên 79,5%…
Cùng với đó, tại thời điểm này, nhiều dự án chậm tiến độ được điểm tên trong Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, như dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án mở rộng hai cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều tăng tốc thực hiện.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, vẫn còn 11 bộ, ngành và một địa phương kết thúc 9 tháng của năm mới giải ngân được dưới 20% kế hoạch.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, cho rằng 9 tháng đã trôi qua, giải ngân mới đạt 57% kế hoạch, dù không đạt như kỳ vọng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhưng kết quả này hết sức ấn tượng vì cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
“Nếu đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đây chính là động lực để nền kinh tế bứt phá trong quý 4, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm nay," ông Thúy cho biết.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong cả nước vẫn đạt thấp so kế hoạch đề ra. Mức tăng tốc giải ngân chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.
Nguyên nhân chính vẫn là do chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên; tình trạng lãng phí, thất thoát, chất lượng công trình thấp trong đầu tư và xây dựng chưa được xử lý triệt để.
Một trong những nguyên nhân khác cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đó là do tác động ảnh hưởng từ những biến động của tình hình kinh tế chính trị, kinh tế thế giới ảnh hưởng tình hình kinh tế trong nước, dẫn đến việc huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác phục vụ cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn cũng như tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, các tồn tại, bất cập về đầu tư công trong giai đoạn trước chưa thể xử lý dứt điểm ngay trong ngắn hạn (số vốn ứng trước từ năm 2016 trở về trước nhiều), các dự án chuyển tiếp từ các năm trước chuyển sang cần phải tiếp tục xử lý, sắp xếp.
“Chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, thiếu tính liên kết, đồng bộ gây lãng phí và kém hiệu quả đầu tư đặc biệt là các dự án hạ tầng. Việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ của hầu hết các dự án,” Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.
Tăng tốc để về đích
“Với tiến độ giải ngân như hiện nay, nếu không hoàn thành kế hoạch, thì ít nhất cũng đạt từ 95-97% kế hoạch vốn năm 2020 và nguồn vốn các năm trước chuyển sang. Đây là động lực vô cùng quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2020,” ông Phạm Đình Thúy kỳ vọng.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng năm 2020 từ 2,5 đến 3%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Theo đó, một trong những giải pháp được Thủ tướng nhấn mạnh là tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Để đẩy nhanh kế hoạch thực hiện giải ngân hết vốn năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020; đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 theo đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bộ này cũng đề xuất rà soát, tổng hợp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, để làm tốt giải ngân vốn đầu tư công, trước mắt, cần lưu ý đến việc trao quyền chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong giao chi tiết kế hoạch đầu tư công cho từng dự án.
Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương cho thấy, muốn đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần phải có sự quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo và trách nhiệm của người đứng đầu.
Xếp thứ 6 trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm chia sẻ, để giải ngân 71,5% kế hoạch vốn được giao như kết quả thực hiện 9 tháng vừa qua, Tỉnh ủy đã phân công các lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, từng dự án cụ thể; phân công lãnh đạo các sở, ngành, chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, giám đốc các ban quản lý dự án trực tiếp triển khai từng dự án và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân.
Các chủ đầu tư phải ký cam kết về tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và bị kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật nếu không thực hiện đúng cam kết.
Nhằm đôn đốc tiến độ giải ngân vốn, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội, ông Vương Đình Huệ cũng đã giao các quận, huyện triển khai quyết liệt Nghị quyết số 22/NQ-HĐND của Thành phố, kiên quyết giải ngân hết số vốn đã giao, bao gồm cả nguồn chuyển dự toán từ năm trước; tăng cường phân cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đẩy nhanh tốc độ giải ngân luôn đi cùng với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng và đưa ra nhiều kiến nghị để các bộ, ngành, địa phương kịp thời khắc phục bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo điều hành, quản lý dự án; đồng thời đề xuất xem xét, sửa đổi kịp thời các quy định, chính sách không phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho rằng cần nghiên cứu nguyên nhân cốt lõi gây chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay do vướng mắc cơ chế chính sách, thể chế hay vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để sớm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nếu chỉ có quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo các địa phương như gần đây là chưa đủ, vì hoạt động đầu tư công phụ thuộc rất lớn vào thể chế, hệ thống pháp luật.
Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã đề ra và nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương như hiện nay, Thứ trưởng Trần Quốc Phương hy vọng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ cao.
Câu chuyện "có tiền nhưng không tiêu được" sẽ dần được khắc phục trong giai đoạn tới, quyền chủ động của các bộ, ngành, địa phương sẽ lớn hơn nhưng đi kèm với trách nhiệm sẽ nhiều hơn.
Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

Gia Lai: Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

(GLO)- Sở Tài chính tỉnh Gia Lai vừa có văn bản về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng CNTT

Gia Lai: Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng CNTT

(GLO)- Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Nghị quyết số 95/2024/NQ-HĐND quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh

Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh

Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục vào thứ Năm và đang hướng đến tháng tốt nhất trong bảy tháng do nhu cầu trú ẩn an toàn trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ để biết manh mối về lộ trình lãi suất.