"Tiếp sức" cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù kết quả phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua khá ấn tượng, nhưng số hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động.

Thống kê cho thấy, số hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp thời gian qua vẫn còn thấp. Trung bình mỗi năm, trong số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh, chỉ khoảng 20-25% là từ hộ kinh doanh chuyển đổi lên. Theo ông Huỳnh Văn Huệ-Chủ hộ kinh doanh tạp hóa Huệ Phương (thị trấn Chư Prông), khi hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp thì phải thuê kế toán, nhân viên, thủ kho… rất phức tạp. Thế nhưng, việc thuê nhân sự không hề dễ dàng. Chưa kể, khi chuyển đổi mô hình hoạt động thành doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cũng cần có nguồn vốn tương xứng để phát triển kinh doanh. Trong khi đó, kinh doanh theo kiểu hộ gia đình lại đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần nộp thuế khoán là xong. Vì vậy, hầu hết các hộ đều không mặn mà với việc chuyển đổi mô hình hoạt động.

 Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Tỉnh Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp để vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy


Ông Nguyễn Văn Ân-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Chư Prông-cho biết: “Dù huyện tích cực tuyên truyền và triển khai các hoạt động hỗ trợ, nhưng thời gian qua, số hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động không nhiều. Số doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu là doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, toàn tỉnh có 960 doanh nghiệp thành lập mới (đạt 101,1% kế hoạch) với tổng vốn đăng ký hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 250 doanh nghiệp là từ hộ kinh doanh chuyển đổi lên. Thực tế cho thấy, tiềm năng phát triển doanh nghiệp từ hộ kinh doanh còn rất lớn với hơn 40.000 hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có những hộ quy mô rất lớn. Song muốn hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp cần có những chính sách hỗ trợ toàn diện. Hộ kinh doanh Huỳnh Thị Kim Quy (thị trấn Phú Thiện) cho hay: “Hiện nay, các chính sách chủ yếu ở mức hỗ trợ việc thành lập doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp, chưa đi vào chi tiết. Là một hộ kinh doanh, để chuyển thành doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ đơn vị tư vấn thuế, giới thiệu cung cấp phần mềm kế toán, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hạn chế tối thiểu việc thanh tra, kiểm tra”.

Nhiều hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi lên doanh nghiệp khẳng định họ có cơ hội làm ăn lớn hơn, có nhiều khách hàng lớn, quản lý bài bản hơn. Nhiều hộ kinh doanh sợ phải nộp thuế nhiều khi trở thành doanh nghiệp, nhưng thực tế thuế phải nộp chỉ tính trên lợi nhuận, hoạt động kinh doanh có lãi mới phải nộp. Ngoài ra, khi trở thành doanh nghiệp, các hộ kinh doanh sẽ được tham gia khai thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: Hiện nay, trên địa bàn cấp huyện có số lượng hộ kinh doanh lớn gấp nhiều lần so với số lượng doanh nghiệp. Đây là nguồn lực rất lớn để vận động, hỗ trợ chuyển đổi sang thành lập doanh nghiệp. “Sở đề nghị UBND cấp huyện triển khai một số giải pháp như: giao chỉ tiêu cụ thể phát triển doanh nghiệp cho các đội thuế trực tiếp quản lý địa bàn kinh doanh; Phòng Tài chính-Kế hoạch và Hiệp hội Doanh nghiệp đưa chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp vào nội dung đánh giá hàng tháng của địa phương. Tăng cường tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ kinh doanh có đủ điều kiện để chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho tất cả các hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn về các chính sách hỗ trợ khi chuyển đổi hoạt động sang loại hình doanh nghiệp, gồm: tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán”-ông Phước thông tin.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.