Tỉ phú Phạm Nhật Vượng sẽ giàu nhất Đông Nam Á?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh mới, đưa giá nhiều cổ phiếu đi lên khiến tài sản các tỉ phú Việt cũng tăng thêm nhiều tỉ USD.

 Cổ phiếu tăng giá giúp tài sản các tỉ phú Việt tăng mạnh - Ảnh: NGỌC THẮNG
Cổ phiếu tăng giá giúp tài sản các tỉ phú Việt tăng mạnh - Ảnh: NGỌC THẮNG



Tài sản các tỉ phú Việt tăng mạnh

Bloomberg vừa đưa tin Tập đoàn Vingroup (VIC) đang xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ đối với công ty sản xuất ô tô VinFast, dự kiến huy động khoảng 2 tỉ USD. VinFast kỳ vọng vào mức định giá ít nhất 50 tỉ USD sau khi niêm yết.

Nếu thành công, hãng xe sẽ trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết tại Mỹ. Hiện tỉ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu trực tiếp và gián tiếp hơn 40% tại VinFast. Với cơ cấu sở hữu hiện tại, một khi đợt IPO của VinFast tiến hành thành công và đạt được mục tiêu vốn hóa tối thiểu 50 tỉ USD như kỳ vọng, khối tài sản cá nhân (trực tiếp và gián tiếp) của ông Phạm Nhật Vượng có thể tăng thêm ít nhất là 20 tỉ USD. Forbes cập nhật đến ngày 16.4 tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng là 9,8 tỉ USD, xếp hạng 234 người giàu nhất hành tinh.


 

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng giàu nhất Việt Nam, ông chủ Amazon dẫn đầu thế giới



Như vậy, nếu VinFast thực hiện IPO đạt như kỳ vọng, thì người giàu nhất Việt Nam có thể sở hữu tài sản đến 30 tỉ USD, trở thành người giàu nhất Đông Nam Á cũng như đứng trong Top 50 người giàu nhất thế giới. Cổ phiếu VIC của Vingroup bắt đầu tăng mạnh từ trung tuần tháng 3 trong bối cảnh tin đồn IPO VinFast tại Mỹ. Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua 16.4, VIC đạt 143.000 đồng/cổ phiếu bất chấp thị trường chìm trong sắc đỏ, đưa vốn hóa thị trường của Tập đoàn Vingroup lên hơn 483.687 tỉ đồng, tương đương khoảng 20,7 tỉ USD. Giá của VIC đã tăng hơn 32% so với đầu năm nay. Chưa kể, các cổ phiếu liên quan với Vingroup như VHM, VRE cũng tăng. Điều đó khiến tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng (chưa tính đợt IPO của VinFast) theo ước tính của Forbes hiện nay đã cao hơn đầu năm là 2,8 tỉ USD.

Tương tự, người có tài sản tăng mạnh nhất kế tiếp phải kể đến ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, được Forbes ước tính đang có tài sản trị giá 2,7 tỉ USD. Tính đến hiện tại, tỉ phú Trần Đình Long đã vượt qua bà Nguyễn Thị Phương Thảo và vươn lên thành tỉ phú USD thứ hai tại Việt Nam.

So với cuối năm 2020, tài sản của vị tỉ phú này đã tăng thêm 700 triệu USD và hiện được xếp hạng 1.214 trên danh sách tỉ phú của Forbes. Nếu so với thời điểm được Forbes ghi nhận trong danh sách tỉ phú thế giới vào đầu năm 2018 thì đến nay tài sản của “vua” thép Trần Đình Long cộng thêm 1,4 tỉ USD. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã được nhà đầu tư chú ý và lập đỉnh cao nhất hơn một năm qua, lên mức 54.600 đồng, tăng gần 32% so với cuối năm 2020. Forbes ghi nhận Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, sau khi nhà máy thép trị giá 3 tỉ USD tại Dung Quất với công suất 5 triệu tấn/năm đã được đưa vào sản xuất.

Tài sản chủ ngân hàng, tập đoàn tiêu dùng đều tăng

Thị trường chứng khoán thăng hoa, giá trị tài sản ròng của các tỉ phú theo đó cũng bứt phá lên “tầm cao mới”.

Bắt đầu từ nửa cuối tháng 9.2020, Forbes đã ghi nhận Việt Nam có thêm 1 đại diện trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN). Hiện ông Quang được Forbes ghi nhận có tài sản đạt 1,3 tỉ USD, cao hơn 100 triệu USD so với một tháng trước. Cổ phiếu MSN của Masan đã nhảy vọt lên giá 100.100 đồng, tăng 12,5% so với cuối năm vừa qua. Tương tự trong danh sách 6 tỉ phú USD của Việt Nam năm 2021, tài sản của tỉ phú Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank, hiện có tài sản trị giá 1,7 tỉ USD, cộng thêm 100 triệu USD so với giá trị cập nhật vào đầu tháng 3 của Forbes. Cổ phiếu TCB của Techcombank hiện ở mức 40.450 đồng, tăng gần 28,5% so với cuối năm vừa qua.

Còn tài sản của tỉ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải, được Forbes ghi nhận đạt 1,6 tỉ USD, không thay đổi so với một tháng trước có thể do công ty chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn. Riêng tài sản của nữ tỉ phú USD duy nhất của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet, bị sụt giảm 100 triệu USD xuống 2,6 tỉ USD so với con số 2,7 tỉ USD mà Forbes ghi nhận trong đầu tháng 3. Dù vậy so với cuối năm 2020, tài sản của nữ tỉ phú này cũng tăng thêm 100 triệu USD. Ngành hàng không đã bị ảnh hưởng nặng nề trong hơn 1 năm qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Dù vậy cổ phiếu VJC của Hãng hàng không Vietjet cũng tăng nhẹ lên 129.000 đồng so với giá 125.000 đồng vào cuối năm 2020. Nhưng cổ phiếu HDB của Ngân hàng HDBank cũng liên quan với bà Nguyễn Thị Phương Thảo tăng được hơn 12% lên 26.650 đồng/cổ phiếu. Như vậy tài sản của 6 tỉ phú USD tại Việt Nam hiện đã đạt 16,8 tỉ USD, tăng 2,3 tỉ USD so với đầu năm nay.

Ngoài ra, ước tính giá trị tài sản của một số người giàu khác trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng đã lên gần mức tỉ USD như bà Phạm Thu Hương, vợ ông Phạm Nhật Vượng, cũng đang sở hữu tài sản trị giá hơn 21.150 tỉ đồng do cổ phiếu VIC tăng liên tục. Hay ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland, có khối tài sản trị giá hơn 21.600 tỉ đồng khi cổ phiếu NVL tăng hơn 63% so với đầu năm nay, lên 108.000 đồng...

Việt Nam sẽ có thêm nhiều tỉ phú USD

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh trong hơn nửa năm qua. Đặc biệt VN-Index liên tục lập đỉnh mới từ đầu tháng 4 đến nay và thanh khoản thị trường cũng lên mức cao kỷ lục. Hiện VN-Index đạt 1.238,71 điểm, tăng hơn 12,2% so với cuối năm vừa qua (gần bằng mức tăng 15% của cả năm 2020). Riêng HNX-Index đạt 293,11 điểm, tăng vọt hơn 44% so với cuối năm vừa qua. Hàng loạt cổ phiếu cũng lập đỉnh mới khiến tài sản các cổ đông và nhà đầu tư đều gia tăng.

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset, giá trị tài sản của các tỉ phú thế giới và tại Việt Nam hiện được ghi nhận chủ yếu theo giá thị trường của công ty trên sàn chứng khoán. Vì vậy việc giá cổ phiếu tăng cao sẽ đẩy giá trị tài sản các cổ đông lên cao. Trong đó, các ông chủ doanh nghiệp luôn là người nắm giữ phần lớn lượng cổ phiếu của công ty nên tài sản tăng nhanh là dễ hiểu. Vì vậy ngoài mục tiêu là các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết để tăng cơ hội huy động vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh thì giá trị thị trường của công ty cũng có khả năng tăng nhanh và đó lại trở thành động lực để doanh nghiệp niêm yết.

Theo dự báo của ông Lê Quang Minh, hiện thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng nhanh, tạo ra nguồn cầu nhiều nên giá các cổ phiếu sẽ còn tiếp tục tăng. Đồng thời sự hồi phục của kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 cũng như các thị trường chứng khoán thế giới cũng tăng trưởng sẽ có tác động cộng hưởng cho thị trường Việt Nam. Vì vậy ông dự báo đến cuối năm nay, VN-Index có thể chạm ngưỡng kỷ lục mới là 1.400 điểm.

“Chỉ có thị trường chứng khoán mới tạo ra được trong vòng vài tháng đẩy tài sản của nhiều doanh nhân tăng vài trăm triệu hay cả tỉ USD. Vì giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp từ đầu năm đến nay đã tăng 40 - 50% cho dù công ty chưa có nhiều hoạt động đột biến. Với dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn trong xu hướng tăng thì số người giàu tại Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn”, ông Lê Quang Minh nói.

 


Theo số liệu mới nhất của Hãng Knight Frank, số người siêu giàu tại Việt Nam năm 2020 (sở hữu tài sản có thể đầu tư trên 30 triệu USD) là 390 người, giảm so với số 405 người của năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dự kiến tới năm 2025, dân số siêu giàu châu Á sẽ chiếm 24% toàn cầu, tăng 17% so với một thập kỷ trước. Ước tính tốc độ tăng trưởng người siêu giàu tại Việt Nam đạt 31% trong giai đoạn này, với 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD vào năm 2025. Báo cáo của Knight Frank cho biết cổ phiếu chiếm khoảng một phần tư trong danh mục đầu tư của giới siêu giàu, là động lực giúp họ gia tăng tài sản năm 2020.


Theo Mai Phương (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên đã áp dụng giải pháp kết nối tự động xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng thuộc hệ thống. Ảnh: S.C

Cục Thuế tỉnh Gia Lai hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tự động phát hành hóa đơn bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Để hoàn thành mục tiêu 100% cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu áp dụng giải pháp kết nối tự động khi phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng, UBND tỉnh Gia Lai giao các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Cục Thuế tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Đón dòng đầu tư mới

Đón dòng đầu tư mới

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này