Thủy điện An Khê-Ka Nak chủ động ứng phó thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với thiên tai. Hoạt động này không chỉ phục vụ công tác vận hành, khai thác tài nguyên nước mà còn đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân ở khu vực công trình và vùng hạ du.

Chủ động phương án ứng phó

Ngay từ đầu năm 2023, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đã triển khai công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”; kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần huy động để ứng phó thiên tai; xây dựng lực lượng xung kích, phương án hoạt động theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak diễn tập xử lý tình huống sạt lở mái thượng lưu tại đập tràn ở An Khê năm 2022. Ảnh: Thu Hoài

Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak diễn tập xử lý tình huống sạt lở mái thượng lưu tại đập tràn ở An Khê năm 2022. Ảnh: Thu Hoài

Trước mùa mưa bão, Công ty chủ động rà soát, bổ sung và tổ chức diễn tập các phương án ứng phó với thiên tai cũng như các tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. Đồng thời, đơn vị chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm để sẵn sàng phục vụ trong mọi tình huống. Công ty cũng đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị có năng lực để sẵn sàng huy động máy móc, thiết bị, nhân lực khắc phục khẩn cấp sự cố công trình hoặc thiệt hại, hậu quả do mưa lũ có khả năng gây ảnh hưởng, nguy cơ mất an toàn công trình, thiết bị.

Công ty phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng hạng mục công trình, đánh giá an toàn trước mùa mưa bão. Đến nay, hệ thống thiết bị điện, cơ khí thủy công, thủy lực, hệ thống giám sát điều khiển và bảo vệ của các nhà máy đã thực hiện xong công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, độ tin cậy cao.

Từ năm 2022 đến nay, Công ty đã lắp đặt hệ thống còi báo động hiệu lệnh điều tiết nước, hiệu lệnh sơ tán khi xảy ra sự cố đập; xây dựng 9 trạm cảnh báo tự động từ xa vùng hạ du; lắp đặt 143 cột mốc cảnh báo, 129 bảng chỉ dẫn ứng phó lũ, 4 bảng thông báo tín hiệu phát điện, 4 barie qua các ngầm, tràn, 22 bảng cảnh báo khu vực nước chảy xiết, nguy hiểm; bố trí 2 xe ô tô gắn loa phóng thanh thông báo lưu động để người dân vùng hạ du kịp thời nắm bắt thông tin.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Những năm qua, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak thực hiện đầy đủ theo Quyết định số 330/QĐ-UBND ngày 23-3-2017 và Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 25-10-2018 của UBND tỉnh về quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 878/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.

Công ty cũng đã ký kết quy chế phối hợp cung cấp thông tin, ứng phó thiên tai, lũ lụt khi điều tiết xả lũ với UBND các huyện: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, thị xã An Khê và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên; ký kết quy chế hỗ trợ, phối hợp phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các đơn vị như: Công ty Điện lực Bình Định, Công ty Điện lực Gia Lai, Truyền tải Điện Bình Định, Truyền tải Điện Gia Lai để hỗ trợ, phối hợp xử lý, khắc phục hậu quả do thiên tai, nhất là các sự cố liên quan đến đường dây truyền tải, phân phối, trạm biến áp, hệ thống thiết bị điện.

Nhờ chủ động phòng-chống thiên tai, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak góp phần đảm bảo tài sản, tính mạng của người dân xung quanh khu vực công trình và vùng hạ du. Ảnh: Minh Hoài

Nhờ chủ động phòng-chống thiên tai, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak góp phần đảm bảo tài sản, tính mạng của người dân xung quanh khu vực công trình và vùng hạ du. Ảnh: Minh Hoài

Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba với các chủ hồ của các bậc thang thủy điện trên sông Ba gồm: Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông HNăng, Ayun Hạ, An Khê, Ka Nak, Ia Mlah, Đak Srông, Đak Srông 2, Đak Srông 2A, Đak Srông 3A, Đak Srông 3B; ký kết quy chế phối hợp cung cấp thông tin về vận hành hồ chứa thủy điện An Khê, Ka Nak và hồ chứa thủy điện Krông Pa 2 giữa Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak và Công ty cổ phần Gia Lâm.

Cùng với đó, Công ty theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan liên quan đến vận hành hồ chứa đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động áp dụng cách thức cảnh báo, thông báo đến người dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ. Cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo quy định.

Trên cơ sở thông tin của các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng và phương án, kế hoạch phòng-chống thiên tai, Công ty phối hợp tổ chức tuyên truyền cho người dân phía hạ du bằng nhiều hình thức, đa dạng nội dung như: tổ chức hội nghị, phát bản tin trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, hệ thống loa phát thanh, chạy xe loa, phát tờ rơi, treo pa nô, áp phích, kết hợp tuyên truyền ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn các địa phương vùng hạ du.

Cung cấp kiến thức về thiên tai, tác động của thiên tai, các biện pháp phòng tránh thiên tai; quá trình vận hành xả lũ của thủy điện An Khê-Ka Nak để từ đó nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các quy định khi có thông báo thời gian mở cửa xả lũ.

Trao đổi với P.V, ông Đặng Văn Tuần-Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak-cho biết: “Cùng với thực hiện quy định về an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, Công ty đã làm tốt công tác chuẩn bị, chủ động ứng phó thiên tai và chú trọng phối hợp tuyên truyền. Mặt khác, đơn vị đã hoàn thành vai trò giảm lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du; đồng thời, phát huy vai trò điều tiết nước của hồ chứa đảm bảo cấp nước cho hạ du vào mùa khô, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở 2 tỉnh Bình Định, Gia Lai nói riêng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung”.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.