Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long:

Thường xuyên rà soát, dự báo sớm diễn biến thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Đoàn kiểm tra công tác của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Thông tin và Truyền thông do ông Phạm Đức Long-Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng-chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Dự và làm việc có ông Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các doanh nghiệp viễn thông.

Trong năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023, Gia Lai bị ảnh hưởng một số cơn bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lốc xoáy gây thiệt hại về người và tài sản. Theo đó, trong năm 2022 thiên tai đã làm 3 người chết; 261 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng; 2.610 ha lúa nước và hoa màu bị hư hại, ước thiệt hại về kinh tế hơn 104 tỷ đồng, giảm 49,5% so với năm 2021. Riêng 7 tháng đầu năm 2023 mưa lớn, dông, lốc sét, hạn hán, sương muối làm 7 người bị thương; 465 căn nhà tốc mái và 1.280 ha cây trồng bị thiệt hại, ước thiệt hại hơn 26 tỷ đồng.

Hạn hán gây thiệt hại trong vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Nguyễn Diệp

Hạn hán gây thiệt hại trong vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Nguyễn Diệp

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương khắc phục hậu quả kịp thời theo phương châm “ 4 tại chỗ”. Hỗ trợ hơn 29 tỷ đồng khôi phục sản xuất và sửa chữa cơ sở hạ tầng từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh và một phần của Trung ương gần 2,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, địa phương đã thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; xây dựng kế hoạch phòng-chống thiên tai giai đoạn 2021-2025; phương án ứng phó các cấp độ rủi ro thiên tai... Riêng các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã xây dựng phương án phòng-chống thiên tại đơn vị để đảm bảo liên lạc thông suốt khi thiên tai xảy ra.

Tại buổi làm việc UBND tỉnh đã kiến nghị và đề xuất một số vấn đề với Đoàn kiểm tra như: Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; cấp thêm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ kinh phí phát triển mạng lưới dự báo khí tượng thủy văn đến các xã, thôn, làng nhằm giảm nhẹ thiên tai; xem xét hỗ trợ tỉnh Gia Lai 3.144 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương xây dựng 24 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách. Chính phủ sớm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 02/2017/ NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp…

Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại buổi làm việc.Ảnh: Nguyễn Diệp

Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại buổi làm việc.Ảnh: Nguyễn Diệp

Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá cao công tác phòng-chống thiên tai của tỉnh trong những năm gần đây góp phần giảm thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông đề nghị: “Thời gian tới, Gia Lai cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức người dân trong phòng-chống thiên tai. Thường xuyên cập nhật, rà soát, dự báo, cảnh báo sớm diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các đơn vị viễn thông đầu tư phát triển hạ tầng đảm bảo thông liên lạc trong mùa mưa bão. Tổ chức diễn tập phòng-chống thiên tai cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn và lực lượng xung kích tại chỗ, tăng cường đầu tư phương tiện, thiết bị phòng-chống thiên tai… Ngoài ra, Đoàn sẽ tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của tỉnh để báo cáo Trung ương và các bộ, ngành xem xét giải quyết…”.

Có thể bạn quan tâm