(GLO)- Nằm ở hạ lưu sông Ba nên vào mùa mưa, huyện Krông Pa thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập lụt, sạt lở, bồi lấp đất sản xuất. Để chủ động phòng-chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay, huyện đã triển khai nhiều giải pháp tích cực.
Nguy cơ thường trực
Cứ đến mùa mưa, các xã nằm dọc hai bên sông Ba như: Ia Rsươm, Chư Gu, Chư Rcăm, Ia Rmok và xã Uar… của vùng “rốn lũ” Krông Pa lại thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập lụt, sạt lở và bồi lấp đất sản xuất. Nguyên nhân là do lượng nước từ thượng nguồn sông Ba đổ về nhanh kết hợp với việc các công trình thủy điện ở thượng nguồn xả lũ.
Một số tuyến đường ở huyện Krông Pa thường bị chia cắt vào mùa mưa lũ. Ảnh: N.D |
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa (cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số trận mưa lớn kèm lốc xoáy gây thiệt hại về người và nhà cửa tại một số xã, như: Ia Rsai, Ia Rmok, Chư Rcăm và xã Uar. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện đã chủ động phối hợp với các xã kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Văn Công (thôn 3, xã Chư Gu) cho hay: Mùa mưa năm ngoái, nước lũ lên quá nhanh, gia đình ông không di chuyển kịp đàn bò nên có 2 con chết. Theo kinh nghiệm của ông Công và người dân nơi đây, thường khoảng 3 năm lại xuất hiện lũ lớn, chỉ trong vòng 20-30 phút là lượng nước từ các con suối đổ về gây ngập nhà cửa và hoa màu, cuốn trôi gia súc, gia cầm. Vì vậy, mùa mưa lũ năm nay, một số hộ lân cận với gia đình ông dự định góp tiền cùng với xã để làm rọ đá chống xói lở đất sản xuất.
Chủ động ứng phó thiên tai
Trước diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết, ngay từ lúc này, chính quyền và người dân các xã của huyện Krông Pa đã chủ động triển khai những giải pháp ứng phó khi mưa lũ về nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Chủ tịch UBND xã Chư Gu Nguyễn Văn Tuyên cho biết: “Vào mùa mưa lũ, 14 thôn, buôn của xã đều bị ngập lụt và sạt lở đất canh tác. Vì vậy, để chủ động phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa lũ năm 2018, chúng tôi đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của xã; xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai cụ thể ở từng thôn, buôn; thường xuyên thông báo trên đài truyền thanh về diễn biến thời tiết, thông tin dự báo mưa lũ để người dân biết và chủ động phòng tránh. Xã cũng chủ động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” với lực lượng dân quân tự vệ, Công an xã làm nòng cốt trong việc hỗ trợ các thôn, buôn khi có mưa lũ xảy ra. Trong mùa mưa lũ năm 2017, các lực lượng này đã giúp đỡ bà con di dời gia súc lên vùng cao, thu dọn cây cối ngã đổ để đảm bảo giao thông đi lại thông suốt, giảm thiệt hại cho người dân”.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, cho hay: Thời gian qua, UBND huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; hoàn chỉnh kế hoạch phòng-chống siêu bão và kế hoạch hiệp đồng trong chỉ đạo phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức rà soát vật tư và phương tiện để có giải pháp đề xuất trang bị kịp thời khi có mưa lũ xảy ra; lập phương án sơ tán dân ở các vùng trũng, thấp với sự tham gia của các lực lượng Quân đội, Công an, đặc biệt là lực lượng xung kích ở các xã…
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chuẩn bị nguồn ngân sách dự phòng khoảng 100 triệu đồng để phục vụ công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đề xuất lắp đặt biển báo và những thiết bị phòng-chống thiên tai, như: trạm đo mưa tự động, biển báo nguy cơ sạt lở, lũ quét, nguy cơ đuối nước… Với những giải pháp này, huyện hy vọng sẽ giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa lũ năm nay.
Nguyễn Diệp
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu