Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Sáng 19-4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ tư cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Gia Lai, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh chủ trì, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả nổi bật. Trong cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, đến nay các bộ đã công khai, cập nhật trên 17,8 nghìn quy định hiện hành, 149 quy định dự kiến ban hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Các bộ, ngành đã tích cực triển khai việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan…

Về chuyển đổi số trong thực hiện TTHC, đến nay có 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9-2022. Có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, đồng thời kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Hiện Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký (tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần); hơn 12,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 3,8 lần); hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 10 lần). Đáng chú ý, đã có hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử được cấp cho cho công dân (tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm trước); kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu…

Bên cạnh đó, công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm; công tác chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức thủ công truyền thống. Mặt khác, các hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hiệu quả và mức độ sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều; nguồn lực cho việc triển khai còn gặp khó khăn…

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Gia Lai. Năm 2022, tỉnh Gia Lai có Chỉ số SIPAS xếp thứ 16/63 tỉnh thành, tăng 29 bậc so với năm 2021. Ảnh: Lam Nguyên

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Gia Lai. Năm 2022, tỉnh Gia Lai có Chỉ số SIPAS xếp thứ 16/63 tỉnh thành, tăng 29 bậc so với năm 2021. Ảnh: Lam Nguyên

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã công bố Chỉ số SIPAS và PAR Index năm 2022. Theo đó, Chỉ số SIPAS chung cả nước năm 2022 là 80,08% (thấp hơn 7,08% so với năm 2021). Quảng Ninh đứng đầu các tỉnh, thành phố có chỉ số hài lòng cao nhất; xếp cuối bảng là tỉnh Bình Thuận. Tỉnh Gia Lai có Chỉ số SIPAS đạt 82,52%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 29 bậc so với năm 2021.

Về Chỉ số PAR Index các tỉnh, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu; địa phương có số điểm thấp nhất là Phú Yên. Tỉnh Gia Lai đạt 80,35/100 điểm, xếp vị trí 58/63 tỉnh, thành, thấp hơn 16 bậc so với năm 2021. Về Chỉ số PAR Index của các bộ, cơ quan ngang bộ, đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển nên cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cấp, ngành, địa phương, mỗi cá nhân. Do vậy phải bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, chính sách pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo, điều hành; trong cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phải quán triệt phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo trên dưới đồng lòng, tất cả vì lợi ích chung của quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định: Ở đâu người đứng đầu quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo thì ở đó hiệu quả đạt được trong công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số luôn cao hơn. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó, chú trọng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ, đảm bảo đồng bộ, nhất quán, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; tăng cường giám sát, đánh giá, đo lường một cách chính xác, khách quan về kết quả đạt được… Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh: cần chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương trong triển khai, xử lý các TTHC; cần chú trọng tuyên truyền những điểm mới về chính sách cải cách TTHC để người dân và doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện hiệu quả…

Có thể bạn quan tâm

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung thăm, tặng quà chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên phủ

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung thăm, tặng quà chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên phủ

(GLO)- Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ (7-5-2024), sáng 3-5, Đoàn công tác của Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Rah Lan Chung đã đến thăm, tặng quà các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên phủ đang sinh sống trên địa bàn TP. Pleiku.

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.