Thủ tướng chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 381/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững.

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn địa phương xây dựng các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; nghiên cứu chính sách hỗ trợ nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu mới của thị trường.

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku, Gia Lai). Ảnh: Lê Nam

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku, Gia Lai). Ảnh: Lê Nam

Thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, thông minh

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT tăng cường tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức cho nông dân, đổi mới tư duy sản xuất từ "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp" theo chuỗi giá trị nông sản, từ tham gia xây dựng các "chuỗi cung ứng nông sản" sang phát triển các "chuỗi giá trị ngành hàng", thay đổi phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm.

Triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương, vùng miền; đẩy mạnh, phát huy hiệu quả các mô hình hợp tác, liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý theo mã vùng trồng, vùng nuôi.

Sửa đổi, bổ sung quy định về bảo hiểm nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18-4-2018 về bảo hiểm nông nghiệp đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn; bố trí và cân đối nguồn ngân sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nguồn lực phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể; tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá triển khai thực hiện pháp luật về kinh tế tập thể.

Phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam triển khai Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Chuyên nghiệp hóa nông dân, tri thức hóa nông dân

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân về nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, về khoa học kỹ thuật, kinh tế, thị trường, pháp luật, chuyển đổi số, kinh tế số; nâng cao năng lực quản trị kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã.

Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề cho nông dân theo hướng "chuyên nghiệp hóa nông dân", "tri thức hóa nông dân" gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã để nông dân có đủ năng lực và chủ động tham gia liên kết trong sản xuất kinh doanh.

Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho nhóm nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, là hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hóa nông dân"; dẫn dắt truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng và chuyển giao các mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế, thu nhập cho nông dân.

Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp như: Công nghệ bảo quản, chế biến, nhân giống, môi trường, tái sử dụng phụ phẩm.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực thi chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho người nông dân.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Ảnh nguồn VGP

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Ảnh nguồn VGP

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa nông sản

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa nông sản; phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã về thương mại điện tử theo chủ đề phù hợp với lĩnh vực hàng hóa kinh doanh, kỹ năng bán hàng trực tuyến, tổ chức các hoạt động festival, triển lãm các sản phẩm nông nghiệp.

Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu cơ chế, chính sách, phối hợp, hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam trong triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, đặc biệt là chính sách tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; trong đó, quan tâm đến việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đảm bảo sinh kế bền vững cho người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ Công an tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý có hiệu quả tội phạm "tín dụng đen", đánh bạc trực tuyến, đặc biệt là trên địa bàn nông thôn, triển khai hiệu quả phong trào "Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Rà soát chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, rà soát chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân, phát huy giá trị, phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, tích cực xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch, Chương trình hành động tổ chức thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 20-12-2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Các cấp Hội cần thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, sáng tạo, trong đó tập trung hoàn thiện thống nhất tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của hệ thống trung tâm hỗ trợ nông dân; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở.

Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trì thực hiện hợp phần "Tổ chức phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp" thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Phát động phong trào "Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể".

Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư

Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành các Đề án: Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030; Đề án "Bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp và Chi Hội trưởng nông dân đến năm 2030"; Đề án "Phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, giai đoạn 2023 - 2030".

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho nông dân và lao động nông thôn; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, cung cấp một số dịch vụ công hỗ trợ cho hội viên, nông dân; xây dựng chỉ số đánh giá và tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, thông tin truyền thông hoạt động nông dân, nhất là lan tỏa các tấm gương người tốt, việc tốt, việc làm hay, nông dân tiêu biểu.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Hội nông dân các cấp, chú trọng giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nông dân địa phương hàng năm nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền, phân cấp.

Tập trung cụ thể hoá chủ trương của Đảng, thực thi chính sách của Nhà nước theo tinh thần tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi nhất để người nông dân tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cụ thể, thiết thực và hiệu quả; tham gia có trách nhiệm trong công tác truyền thông phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, liên kết phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Có thể bạn quan tâm

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.