Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Thực hiện “4 đúng, 3 không” để có kỳ thi an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong suốt một tháng qua, ngành giáo dục đã liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra đến các địa phương để đảm bảo mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng cho một kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo thi tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo thi tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mọi công tác chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 đã hoàn tất và việc tổ chức thi phải thực hiện “4 đúng - 3 không” để có một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan và công bằng.

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 với báo chí trước thềm diễn ra kỳ thi.

Chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng

- Thưa Thứ trưởng, ngày mai, hơn một triệu thí sinh trên cả nước sẽ bắt đầu Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023. Thứ trưởng có thể cho biết đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được các địa phương thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là việc cần tập trung cao nhất, không thể chủ quan, lơ là. Khâu quan trọng, quyết định thành công của Kỳ thi chính là khâu chuẩn bị.

Để kịp thời nắm tình hình, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi đã tổ chức các đoàn công tác, đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Qua làm việc trực tiếp và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố cho thấy các địa phương đã chủ động, khẩn trương, chu đáo, toàn diện trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi.

Các tỉnh/thành phố đã ban hành chỉ thị về tổ chức kỳ thi, thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong ban chỉ đạo. Ngoài triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tuỳ theo điều kiện cụ thể còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức kỳ thi.

Các địa phương cũng đều xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi; quan tâm hỗ trợ thí sinh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia kỳ thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác tổ chức thi đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác tổ chức thi đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo hoàn thành chương trình và ôn thi tốt nghiệp cho học sinh với nhiều phương thức, cách thức hỗ trợ và tổ chức một đến nhiều đợt thi thử.

Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 được thực hiện với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện; hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế.

- Từ thực tiễn của ngành giáo dục cũng như công tác kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở các địa phương, Thứ trưởng nhận định như thế nào về những thuận lợi và khó khăn của kỳ thi năm nay?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Thuận lợi đầu tiên phải kể tới là kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2022, có một số điều chỉnh nhằm tăng cường các yếu tố an ninh, an toàn và bảo đảm quyền lợi cao nhất cho thí sinh, phân công và chịu trách nhiệm rõ cho mỗi bên liên quan tổ chức kỳ thi.

Thuận lợi tiếp theo là sau ba năm kỳ thi tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 với biết bao khó khăn, thử thách thì đây là năm kỳ thi quay về trạng thái bình thường, ngay cả thời gian thi cũng thay đổi trở về vào thời điểm cuối tháng 6/2023 như thời gian trước khi có COVID-19. Học sinh lớp 12 dự thi năm nay cũng đã có một năm học cuối trọn vẹn học trực tiếp. Sự an tâm cho thí sinh, người làm thi, phụ huynh và toàn xã hội phần nào mang lại thuận lợi cho tổ chức kỳ thi năm nay.

Kỳ thi năm nay đã trở về trạng thái bình thường sau ba năm diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kỳ thi năm nay đã trở về trạng thái bình thường sau ba năm diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành; sự vào cuộc thống nhất, thông suốt, trách nhiệm từ Trung ương tới địa phương cũng là những thuận lợi trong tổ chức kỳ thi.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi cũng có những khó khăn mà Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã lường trước để có giải pháp trong chỉ đạo và tổ chức kỳ thi. Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là lứa học sinh dự thi năm nay có hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, do đó các trường cần tăng cường tổ chức ôn tập nhằm giúp các em có được kiến thức và tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi.

Khó khăn nữa là có thể xuất hiện tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng công việc này nhiều năm đã làm; chủ quan từ chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị đến công tác kiểm tra, giám sát các quy trình. Điều này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo quốc gia quán triệt trong các chỉ đạo khi làm việc tại địa phương cũng như trong các cuộc họp, tập huấn với ban chỉ đạo thi tỉnh, thành phố và đội ngũ cán bộ làm thi.

Vấn đề sử dụng thiết bị công nghệ cao, tinh vi để gian lận cũng là một trong những khó khăn đặt ra cho việc đảm bảo an toàn và tính nghiêm túc cho kỳ thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tủ đựng đề thi, bài thi tại Điểm thi Trường Trung học phổ thông Võ Minh Đức, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tủ đựng đề thi, bài thi tại Điểm thi Trường Trung học phổ thông Võ Minh Đức, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kỳ thi tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với sự tham gia của trên 1 triệu thí sinh, khoảng 250.000 người tham gia công tác tổ chức thi, tổ chức ở các vùng miền địa hình khác nhau, nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn cần phải có kế hoạch, giải pháp. Tình hình thời tiết cực đoan, khắc nghiệt, nắng nóng, thiếu điện… sẽ là những khó khăn cần phải có phương án dự phòng.

Tăng cường phòng chống gian lận công nghệ cao

- Với những nguy cơ từ gian lận thiết bị công nghệ cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo gì về giải pháp ngăn chặn, nhất là khi công nghệ ngày một phát triển và thực tế cũng đã có gian lận công nghệ cao ở các năm trước?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Đây là vấn đề đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an cảnh báo từ nhiều năm qua đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để vừa cảnh báo, vừa ngăn chặn.

Một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho không chỉ thí sinh, phụ huynh, giáo viên mà còn toàn xã hội về việc phòng, chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. Việc mua bán, sử dụng những thiết bị này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.

Để phòng chống gian lận thi cử nói chung và gian lận bằng thiết bị công nghệ cao nói riêng, vai trò của cán bộ coi thi là rất quan trọng. Trước kỳ thi, đại diện các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, công an các tỉnh/thành phố đều cung cấp thông tin, tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ coi thi để chủ động phát hiện, nhận diện thí sinh mang và sử dụng thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các địa phương không chủ quan trong tổ chức thi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các địa phương không chủ quan trong tổ chức thi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi công tác tập huấn được thực hiện nghiêm túc, khi những người làm công tác coi thi tiếp nhận đầy đủ các thông tin từ tập huấn, nắm chắc các cảnh báo, nhận diện và thực hiện nhiệm vụ được giao với trách nhiệm cao nhất, việc phát hiện và ngăn chặn thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận thi cử là có thể thực hiện được.

Một kỳ thi nghiêm túc, không có gian lận cũng chính là để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.

- Thưa Thứ trưởng, kỳ thi ngoài mục đích xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh còn được nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả để xét tuyển. Vậy đề thi sẽ như thế nào để có thể đảm bảo các mục tiêu trên?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Kết quả kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Mặt khác, theo thống kê, có khoảng trên 60% trường đại học sử dụng kết quả thi để xét tuyển.

Với tính chất như vậy, định hướng đề thi sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu đồng thời chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp, là căn cứ để các cơ sở đào tạo đại học sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển.

Ngành giáo dục đang nỗ lực để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành giáo dục đang nỗ lực để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đầu tháng Ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo làm cơ sở để các nhà trường, giáo viên, học sinh ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi chính thức. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các công việc về đề thi đảm bảo tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi và tuyển sinh.

- Chỉ còn một ngày nữa, thí sinh sẽ bước vào môn thi đầu tiên. Thứ trưởng có lưu ý, nhắn nhủ gì tới thí sinh, phụ huynh và cán bộ coi thi?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Năm 2023 là năm thứ tư Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được tổ chức và là năm đầu tiên mối lo dịch bệnh không còn hiện hữu phức tạp như những kỳ thi trước. Mặc dù vậy, những học sinh dự thi năm nay vẫn là những học sinh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngành giáo dục thời gian qua đã tích cực hỗ trợ, củng cố kiến thức cho các em. Bản thân các em học sinh cũng rất nỗ lực trong quá trình học tập.

Tôi đã đến làm việc với nhiều địa phương và gặp gỡ các em học sinh tại một số trường học trong những ngày ôn thi nước rút. Không khí và tinh thần học tập của các em rất đáng ghi nhận. Tôi mong rằng, các em sẽ mang tinh thần này để bước vào kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.

Với các vị phụ huynh, ngoài dành sự chăm sóc, động viên tinh thần cho các em thí sinh bình tĩnh, tự tin, tôi mong rằng, phụ huynh cũng dành sự quan tâm nhắc nhở các em để thực hiện đúng Quy chế thi - có như vậy mới tránh được những thiệt thòi về kết quả thi cho chính các em.

Với đội ngũ cán bộ coi thi nói riêng và tất cả cán bộ làm thi nói chung, tôi muốn nhắc lại tinh thần chỉ đạo “4 đúng - 3 không” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường, “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.

Thực hiện được “4 đúng - 3 không” chính là chúng ta đang hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan và công bằng.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Có thể bạn quan tâm

Anh em sinh đôi, người là thủ khoa, người xuất sắc

Anh em sinh đôi, người là thủ khoa, người xuất sắc

Những năm trước, anh em sinh đôi này đều xuất sắc giành học bổng, được chi trả toàn bộ chi phí học tập lẫn sinh hoạt từ bậc đại học đến tiến sĩ. Mới đây, khi hoàn thành chương trình ĐH, họ cùng nhau tốt nghiệp loại xuất sắc, trong đó người em là thủ khoa đầu ra.
Cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 được tổ chức tại Quảng trường Đại đoàn kết TP. Pleiku

Cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 được tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết

(GLO)- Trong 2 ngày 10 và 11-9, đoàn công tác Ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam) đã đến TP. Pleiku để khảo sát địa điểm chuẩn bị truyền hình trực tiếp chương trình chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 tại tỉnh Gia Lai, dự kiến diễn ra ngày 13-10-2024.
Trao tặng 2 “Phòng tin học cho em” tại Krông Pa

Trao tặng 2 “Phòng tin học cho em” tại Krông Pa

(GLO)- Sáng 10-9, Trung tâm tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) phối hợp với Huyện đoàn Krông Pa, Câu lạc bộ Gia Lai Yêu thương trao tặng 2 “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Chư Ngọc (xã Chư Ngọc) và Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

(GLO)- Hành trình thắp sáng ước mơ tri thức cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có sự tham gia của không ít thầy-cô giáo từng lớn lên từ làng. Ý thức mạnh mẽ về giá trị của việc học, họ quyết tâm quay trở về nơi mình bắt đầu để chung tay dìu dắt và lan tỏa tình yêu con chữ.