Hy vọng về một kỳ thi an toàn, nghiêm túc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chỉ còn ít ngày nữa, hàng triệu sĩ tử trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là kỳ thi đánh dấu sự kết thúc của chương trình giáo dục phổ thông. Không khí ở các cơ sở giáo dục đang “nóng” lên từng ngày.

Trước hết là ở khâu ôn luyện. Mặc dù phương án tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) những năm gần đây khá đa dạng và rộng mở, nhiều học sinh lớp 12 đã chắc suất vào ĐH, nhưng kỳ thi kết thúc 12 năm học phổ thông vẫn là một thách thức lớn với nhiều học sinh khác.

Điều đó tạo nên một bức tranh tổng thể với nhiều gam màu khác biệt. Có em đã tạm buông sách vở từ cuối năm học khi áp lực kỳ thi tốt nghiệp không còn là vấn đề thì vẫn còn nhiều học sinh đang phải vật lộn với bài vở từng ngày. Khi những học sinh khá giỏi đã đỗ ĐH nhờ đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, qua khâu xét tuyển học bạ, qua các kỳ thi đánh giá năng lực của một số cơ sở ĐH và qua các kỳ thi xét học bổng thì nhiều học sinh không nằm trong các đối tượng trên vẫn đang miệt mài ôn luyện.

Học sinh Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) tham gia đợt thi thử tốt nghiệp. Ảnh: Mộc Trà

Học sinh Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) tham gia đợt thi thử tốt nghiệp. Ảnh: Mộc Trà

Các trường THPT trên địa bàn tỉnh vẫn tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12 đến những ngày cuối tháng 6 nhằm củng cố kiến thức cơ bản, trang bị thêm kiến thức nâng cao, đáp ứng những yêu cầu mục tiêu khác nhau của từng đối tượng học sinh. Có em cần vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, có em cần điểm cao để đậu vào các trường ĐH mong muốn. Sự phân hóa đối tượng theo các nhóm môn ngành tuyển sinh ĐH đặt ra thách thức không nhỏ cho thầy và trò ở các nhà trường. Nỗi lo rớt tốt nghiệp hoặc không đậu ĐH theo nguyện vọng sẽ còn đeo đẳng thí sinh, phụ huynh và cả các nhà trường cho đến ngày… biết kết quả.

Thứ hai là khâu tổ chức kỳ thi. Từ giữa tháng 4, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được triển khai đến các trường, địa phương, trong đó có việc hoàn tất hồ sơ, thủ tục đăng ký thi, thành lập các ban chỉ đạo thi, tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị ở các cơ sở giáo dục phổ thông gồm cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ kỳ thi, đặc biệt là tập huấn công tác thi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Những năm qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn xảy ra những sai sót đáng tiếc, những chuyện đáng buồn như: thí sinh vi phạm quy chế thi, giám thị chủ quan trong nghiệp vụ coi thi, thí sinh ngủ quên không làm bài… Dù đã được tập huấn kỹ lưỡng, cán bộ coi thi nhiều khi cũng không lường hết những tình huống có thể phát sinh trong các buổi thi. Những chuyện ngoài ý muốn vẫn xảy ra trong một kỳ thi được đề cao tuyệt đối về tính bảo mật, an toàn, nghiêm túc, công bằng khiến cho các nhà quản lý giáo dục, các thầy-cô giáo làm nhiệm vụ trong kỳ thi đối mặt với nhiều nỗi lo và áp lực. Bởi, ai cũng hiểu, việc thi cử là “quyền rơm vạ đá”. Có những án kỷ luật đã rơi xuống đầu cán bộ, giáo viên khi để xảy ra sai phạm, thiếu sót trong khi thi hành nhiệm vụ tại các điểm thi. Vậy nên, những ngày thi sắp tới không chỉ là những ngày “căng mình” của thí sinh mà còn của ban chỉ đạo thi các cấp và tất cả thầy-cô giáo làm nhiệm vụ coi thi.

Thứ ba là khâu đề thi. Hàng năm, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, dư luận thường đặc biệt quan tâm đến chất lượng đề thi. Bởi lẽ, đây là khâu đặc biệt quan trọng, quyết định tính sống còn của kỳ thi. Kỳ thi đạt kết quả tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào chất lượng đề thi. Trên hết, đề thi phải đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi. Công bằng mà nói, việc nhập 2 kỳ thi trong 1 đặt ra thách thức lớn cho những người ra đề, làm sao vừa đáp ứng được mục tiêu xét tốt nghiệp, vừa đáp ứng mục tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, đặc biệt là đáp ứng kỳ vọng của toàn xã hội. Những năm “mưa điểm 10” ở khắp các môn thi tốt nghiệp hoặc đề thi đánh đố cả những học sinh giỏi là những năm chất lượng đề thi bị đánh giá chưa đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi. Nên mới có chuyện bi hài, thí sinh đạt 29, 30 điểm vẫn… trượt ĐH.

Trong sự quan tâm đề thi, đề thi môn Văn thường được dư luận đặc biệt chú ý hơn cả. Nói một cách khách quan, đó là tín hiệu đáng mừng. Vì cộng đồng còn lên tiếng là còn để tâm đến chất lượng giáo dục nói chung và môn Văn nói riêng. Bởi cũng có những đề thi chưa đáp ứng được sự kỳ vọng, thậm chí mắc những sai sót không đáng có. Nhờ sự góp ý, phản biện mà các nhà giáo cẩn trọng hơn trong việc ra đề, hiểu được áp lực, trọng trách mà xã hội đặt lên trên vai mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, câu chuyện đề thi và những làn sóng dư luận dấy lên sau đó đôi khi đi ngược lại ý nghĩa tốt đẹp nên có của sự lên tiếng phản biện, góp ý. Nó trở thành bão mạng, thành những cuộc đấu đá chữ nghĩa. Ở đây xin nói về hiện tượng những đề thi còn gây tranh cãi, nghĩa là đúng/sai, hay/dở tùy thuộc vào lập trường, quan điểm, góc nhìn, trình độ hiểu biết của mỗi người. Dù đề thi trước khi đến với học sinh đã được ban ra đề tranh biện, thảo luận và đi tới thống nhất, được chủ tịch hội đồng ra đề thẩm định, ký duyệt. Một quy trình đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, vẫn chưa chắc làm hài lòng cả… xã hội.

Bên dưới những bài viết nhận xét, đánh giá đề thi trên các trang mạng xã hội có cả những phát ngôn, comment tùy tiện, áp đặt, làm tổn thương không ít nhà giáo, trong đó có cả những giáo sư, tiến sĩ, những nhà chuyên môn đầu ngành. Thiết nghĩ, sự khen chê là điều bình thường trong cuộc sống, song sẽ tốt đẹp và thiết thực hơn khi tiếng nói góp ý được cất lên khoa học, văn minh và không phản giáo dục.

Hy vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc, đảm bảo công bằng cho các thí sinh như mong đợi của toàn xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Học viên Lào trên đất Gia Lai

Học viên Lào trên đất Gia Lai

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Binh đoàn 15 đã tiếp nhận đào tạo cho 100 học viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Dẫu khác nhau về phong tục tập quán nhưng các học viên đã nhanh chóng hòa nhập và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để góp phần xây dựng đất nước.

Cẩn trọng chọn môn thi tốt nghiệp THPT

Cẩn trọng chọn môn thi tốt nghiệp THPT

Theo hiệu trưởng các trường THPT, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh được lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT nên cần được tư vấn, định hướng cẩn thận, tránh chọn theo cảm tính, số đông vì việc này tác động đến lựa chọn ngành.

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Với những quy định rõ ràng, chi tiết được thể hiện trong dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, hứa hẹn con đường liên thông sắp tới sẽ không còn nhiều điểm 'tắc' như thời gian qua.

Gia Lai: Tuyển sinh 3 lớp Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học hệ vừa học vừa làm

Trường ĐH Sư phạm TP HCM tuyển sinh 3 lớp Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 28-9, TS. Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai-cho biết, nhà trường đang tuyển sinh hệ vừa học vừa làm đối với các ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học. Đây là chương trình liên kết đào tạo giữa đơn vị với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Đừng tạo cơ hội cho sai phạm

Đừng tạo cơ hội cho sai phạm

Việc Bộ GD-ĐT dự kiến tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT bằng kết quả học bạ 3 năm THPT gây bất ngờ với dư luận xã hội, nhưng những người "trong cuộc" đã lờ mờ nhận ra kỳ thi này có thể không còn một mục tiêu duy nhất như tên gọi của nó.
Khóc - cười, đỗ - trượt

Khóc - cười, đỗ - trượt

Gần 1.600 học sinh dự thi lớp 10 năm học 2024-2025 của tỉnh Thái Bình bị sai điểm vì một lỗi hết sức ngớ ngẩn là Hội đồng chấm thi Sở GD&ĐT Thái Bình thực hiện sai quy trình hồi phách bài thi tự luận.